Tiểu thuyết lịch sử nếu hay vẫn vô cùng hấp dẫn độc giả
Năm 2014, tôi có làm một nghiên cứu nhỏ liên quan đến tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc. Khi được hỏi: "Vì sao bạn đọc truyện ngôn tình?" một cô bé đã trả lời tôi rằng: "Em đọc ngôn tình để em hiểu thêm về lịch sử".
Lúc ấy, tôi đã rất ngạc nhiên, tôi hỏi lại: "Em có biết lịch sử trong truyện ngôn tình phần lớn đều là hư cấu, đó không phải là lịch sử thật sự không?".
Cô bé ấy đáp: "Vâng, nhưng với đứa không hay đọc lịch sử như em thì đọc Đại Mạc Dao (của Đồng Hoa) ít ra em cũng biết Hoắc Khứ Bệnh là ai". Câu trả lời ấy khiến tôi nhớ mãi.
Tiểu thuyết hay tiểu thuyết lịch sử bỗng chốc trở thành một chiếc cầu nối, để độc giả tiếp cận với lịch sử một cách gần gũi và dễ dàng hơn. Thực tế, việc đọc tiểu thuyết lịch sử để học lịch sử không phải là một vấn đề mới. Tiểu thuyết giúp mọi người hiểu được lịch sử và đồng thời nó cũng là sự bổ sung cho lịch sử.
Tuy nhiên, so sánh với lịch sử, tiểu thuyết mang lại cho chúng ta nhiều giá trị cảm xúc hơn, tiểu thuyết viết ra những khả năng không nhất thiết xảy ra trong lịch sử thực, nhưng chính sự hư cấu mang tính phỏng đoán ấy lại là điểm hấp dẫn người đọc.
André Maurois là nhà văn người Pháp nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết, ký sử, tiểu thuyết lịch sử về hai cuộc chiến tranh thế giới
Nhà văn, viện sĩ André Maurois (1885-1967) của Viện Hàn lâm Pháp từng cảm thán: "May nhờ có Alexandre Dumas, cả thế giới bao gồm cả người Pháp mới hiểu về lịch sử nước Pháp, cho dù lịch sử ấy chưa hẳn là chính xác tường tận nhưng ít ra cũng không phải là vô căn cứ".
Nhưng có bao nhiêu độc giả của Alexandre Dumas từng suy ngẫm về lịch sử trong các tác phẩm của ông? Đọc tiểu thuyết lịch sử chúng ta có quyền hoài nghi, có quyền phản bác, có quyền đưa ra suy đoán của cá nhân trước những dữ kiện lịch sử.
Đồng Hoa, tác giả của những cuốn tiểu thuyết như: Bộ bộ kinh tâm, Đại Mạc Dao, Vân Trung Ca, Đây khoảng sao trời kia khoảng biển… những cuốn ngôn tình được xây dựng trên bối cảnh, chi tiết lịch sử có thật.
Tại Trung Quốc, Đồng Hoa từng bị ném đá rằng "tiểu thuyết của Đồng Hoa bôi đen lịch sử", đó là khi nhiều người không chấp nhận được việc tướng quân Hoắc Khứ Bệnh bị cô biến thành một kẻ từ bỏ quốc gia để chạy theo tiếng gọi của tình yêu.
Đồng Hoa không nói tiểu thuyết của cô ấy là lịch sử, đó cơ bản là những phỏng đoán mang tính hư cấu của Đồng Hoa dựa trên những chi tiết được viết trong lịch sử.
Sự tưởng tượng của Đồng Hoa nói lên tính khả năng của lịch sử, là lời giải thích cho những nghi vấn xung quanh cuộc đời và cái chết của Hoắc Khứ Bệnh. Đã đến lúc đọc tiểu thuyết lịch sử phải đồng nghĩa với việc nâng cao nhận thức về lịch sử. Nhà văn hay độc giả đều có những suy luận riêng của mình.
Do liên quan đến yếu tố lịch sử, tiểu thuyết Đại Mạc Dao khi chuyển thể thành phim truyền hình buộc phải thay đổi toàn bộ tên gọi, tên phim đổi thành Kỳ Duyên trong gió, diễn viên Bành Vu Yến trong vai Hoắc Khứ Bệnh cũng bị đổi tên thành Vệ Vô Kỵ
Tiểu thuyết lịch sử và định hướng giáo dục nhận thức
Gần đây, bộ phim Nhân duyên tiền định của Thái Lan đã tạo nên một làn sóng yêu thích dòng tiểu thuyết lịch sử. Tôi đọc được một số bình luận ở trên mạng, có người nói rằng họ mong Việt Nam sẽ có bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết lịch sử hay như Nhân duyên tiền định của Thái Lan.
Trên thực tế, tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam không phải không có, tiêu biểu như: Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia văn phái, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Bão táp triều Trần, Tám triều vua Lý của Hoàng Quốc Hải…
Tôi có lẽ cũng giống như nhiều bạn đọc khác, đều mong rằng những bộ phim, những cuốn tiểu thuyết mang đề tài lịch sử của Việt Nam sẽ được quan tâm và chú ý nhiều hơn.
Bởi xét cho cùng tiểu thuyết lịch sử hay những bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết lịch sử cũng là cách giáo dục về lịch sử, về văn hóa, tôn vinh về tinh thần yêu nước.
Lịch sử không nên truyền tải ở mức độ khô cứng như một bài học thuộc lòng, lịch sử nên là sự gợi mở để chúng ta có thể so sánh, đối chiếu và suy luận.
Tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh xuất bản lần đầu năm 2000, là tác phẩm gây tiếng vang trong dòng tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam
Đứng ở góc độ của hiện đại để nhìn về quá khứ xa xôi của lịch sử Việt Nam, chúng ta sẽ có những cách lý giải khác, nhìn nhận khác về các nhân vật lịch sử.
Cha con Hồ Quý Ly từng bị coi là loạn thần tặc tử, nhưng cũng sẽ có người nói Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương hay Hồ Nguyên Trừng là những con người có trí tuệ, tầm nhìn đi trước thời đại.
Dường như trong lịch sử Việt Nam còn rất nhiều bí ẩn, thiếu hụt và cả những khoảng trống để trở thành tiền đề cho sự phát triển của sự tưởng tưởng, phỏng đoán, hư cấu và lý giải của các nhà văn.
Tôi cứ nhớ mãi một đoạn ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm 1285 khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ hai, Hưng Đạo Vương đánh trận thua phải lui quân, đằng sau là quân Nguyên truy sát.
Dã Tượng khi ấy khuyên Vương chạy về Bãi Tân nói: "Yết Kiêu chưa thấy đại vương, tất không dời thuyền đi chỗ khác". Với tôi, hình ảnh Yết Kiêu một mình, một thuyền chống sào đợi chủ nhân ấy đẹp chẳng khác nào cảnh Triệu Tử Long chiến bào đẫm máu xông pha giữa quân Tào cứu ấu chúa trong trận Đương Dương - Trường Bản.
Tôi hy vọng những hình ảnh đẹp, những bản hùng ca giữ nước trong lịch sử Việt Nam sẽ được tỏa sáng trong tiểu thuyết hay trong những bộ phim của điện ảnh nước nhà.
Tôi vẫn luôn tự hỏi: cuộc đời của công chúa An Tư sẽ thế nào? Tò mò muốn biết người con gái nuôi mà Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn gả cho Phạm Ngũ Lão là ai?
Về câu chuyện tình yêu mang màu sắc hoang đường của Lê Phụ Trần và Chiêu Thánh? Về những bí mật và báo thù đằng sau vụ án Lệ Chi Viên?
Hoàng Lê nhất thống chí là bộ tiểu thuyết được tái bản rất nhiều lần
Việc xây dựng cốt truyện, nhân vật tiêu biểu của tiểu thuyết lịch sử chẳng thể thoát ra khỏi bối cảnh lịch sử của xã hội. Sự tham quan, hủ bại ở thì quá khứ hay những nhân vật chính trực, thanh liêm, anh hùng của lịch sử đều có thể trở thành tấm gương soi sáng cho xã hội hiện thực ngày nay.
Trên thực tế, nhân vật và những chi tiết ghi chép trong lịch sử luôn đem lại nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhà văn, mang đến sự giáo dục về nhận thức, đạo đức và trách nhiệm xã hội, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Như chính trị gia kiêm nhà văn của nước Anh là George Otto Trevelyan (1838-1928) từng nói: "Lịch sử không có giá trị khoa học thực sự, mục đích duy nhất của lịch sử là giáo dục con người".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận