Cảnh sát kiểm tra giấy đi đường của người dân - Ảnh: DANH TRỌNG
Tối 5-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một đại diện Phòng cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội cho biết trong ngày hôm nay, đơn vị đã bắt đầu tiếp nhận hồ sơ từ các sở, ban, ngành để làm giấy đi đường có nhận diện bằng mã QR.
“Trung bình một ngày, riêng Phòng cảnh sát giao thông sẽ tiếp nhận và hoàn thành giấy đi đường cho hàng chục nghìn trường hợp. Đơn vị sẽ cử cán bộ ứng trực 24/24 để phục vụ việc cấp giấy và trả kết quả ngay khi hoàn thành để họ có giấy phép hoạt động”, vị đại diện nói.
Bắt đầu từ sáng mai (6-9), các chốt kiểm soát sẽ bắt đầu kiểm tra người đi đường, dừng xe để đo thân nhiệt, kiểm tra giấy đi đường có mã nhận diện QR theo mẫu mới.
Một lãnh đạo quận Tây Hồ (Hà Nội) thông tin trong một, hai ngày đầu, những trường hợp chưa có mẫu giấy mới thì vẫn thực hiện kiểm tra theo mẫu giấy cũ.
"Ngày đầu chúng tôi vẫn trên quan điểm là nhắc nhở, tuyên truyền, hạn chế xử phạt nếu người dân chưa kịp chuẩn bị giấy đi đường theo quy định mới, trừ những trường hợp vi phạm 5K", ông thông tin.
Về việc người dân đến trụ sở công an các phường làm giấy đi đường theo quy định mới, vị lãnh đạo cho biết, trong chiều 5-9, lác đác mỗi phường có khoảng 20 người đến làm giấy đi đường.
"Ngày mai người dân ra đường theo giấy đi đường cũ thì vẫn cho phép vì hiện nay nhiều người vẫn chưa kịp làm mẫu giấy đi đường mới", ông nói.
Tối 5-9, thông tin tại cuộc họp giao ban Sở chỉ huy TP Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, biện pháp cấp giấy đi đường là vấn đề mới, việc khó, chưa từng có tiền lệ, quan điểm mục tiêu quản lý vùng 1 thực chất hơn, giảm lượng người ra đường, tuy nhiên TP cũng xác định làm quyết liệt nhưng không cầu toàn.
Để chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, trong 2 ngày 6 và 7-9, các lực lượng chức năng của TP chỉ kiểm tra nhắc nhở, xử phạt đối với những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.
Khi vận hành các chốt, vùng 1, 2, 3 thì TP sẽ tiến hành theo cách linh hoạt, chủ yếu kiểm tra, nhắc nhở, đồng thời từ thực tế việc lưu thông của người dân theo giấy đi đường mới sẽ đánh giá, phân tích để đưa ra biện pháp tối ưu. Người dân, doanh nghiệp có thể liên hệ Tổng đài 1022 - nhánh 4 để được hướng dẫn cụ thể.
Thủ tục ‘rườm rà’, doanh nghiệp loay hoay
Bà Hoàng Thị Phương, tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn PAM, cho biết theo hướng dẫn của TP Hà Nội có hướng dẫn 6 nhóm ngành nghề được cấp giấy đi đường, nhưng khi đọc thấy rất ‘lòng vòng, khó hiểu, dài dòng’, không biết công ty của mình thuộc nhóm ngành nào.
"Bên tôi đang kinh doanh hàng hóa chất tẩy rửa, bán buôn bán lẻ nên cũng là mặt hàng thiết yếu, nhưng có thông tin là phải xin Sở Công thương để xác nhận nhóm ngành nghề nào. Nên tôi rất mông lung, không biết thủ tục bắt đầu từ đâu, phải xin những ai", bà Phương than phiền.
Bà Phương cho biết, thủ tục giấy đi đường mới rất rườm rà, gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
"Hôm trước tôi cũng lên hỏi công an phường nhưng được trả lời là 2 đến 3 ngày nữa quay lại, muốn đi đường thì cứ đi tạm giấy cũ. Bây giờ lên hỏi thì bảo chưa nhận được hướng dẫn, nên tôi chưa biết ngày mai phải làm như thế nào nên đành phải cho nhân viên nghỉ tạm vì mọi người ra đường cũng rất sợ", bà Phương nói.
Bà Phương nói thêm, bản thân doanh nghiệp cũng rất chia sẻ với việc chống dịch của TP, tuy nhiên nên tinh giảm thủ tục hành chính, chỉ cần phường xã là được chứ không nhất thiết phải đến sở này sở kia để xác định ngành nghề.
"Tôi nghĩ nên giảm thiểu thủ tục để đỡ rườm rà, cho những người có công việc thực sự phải ra đường thì tạo điều kiện cho họ. Hà Nội trong 2 tháng thay đổi giấy đi đường trong vòng 3 lần và đa số làm thủ công thì tôi thấy TP đang rất lúng túng trong việc giải quyết vấn đề và chưa áp dụng được công nghệ vào thủ tục hành chính", bà Phương nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận