Tiền vệ Maksimovic (trái) ăn mừng bàn thắng gỡ hòa 1-1 cho Astana - Ảnh: Getty Images |
“Ngày lịch sử của bóng đá Kazakhstan”, “Astana làm nên lịch sử”... là tiêu đề của hầu hết trang báo nước ngoài như Goal.com, Uefa.com... khi đưa tin về chiến thắng của đội bóng ở thủ đô quốc gia Trung Á này.
Khoảnh khắc tiền vệ trẻ Nemanja Maksimovic ghi bàn ở phút 84 cân bằng tỉ số 1-1 cho Astana, hàng triệu CĐV Kazakhstan dõi theo đội nhà thi đấu qua truyền hình như muốn phát điên. Sau trận đấu, HLV Stanimir Stoilov hạnh phúc phát biểu: “Đây là một chiến thắng vĩ đại cho bóng đá Kazakhstan. Chúng tôi phải ăn mừng với tất cả những gì có thể. Sẽ rất khó khăn trong thời gian tới khi lần đầu chúng tôi được đá vòng bảng Champions League, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng tận hưởng và giành được vài điểm” - trang Uefa.com dẫn lời ông.
Đây còn là một sự kiện đặc biệt của bóng đá châu Âu, bởi Kazakhstan vốn là quốc gia thuộc... châu Á. Giành được độc lập năm 1991, Kazakhstan trở thành thành viên của LĐBĐ châu Á (AFC) từ năm 1992. Nhưng sau những nỗ lực bất thành để tham dự World Cup trong tư cách của một đội bóng châu Á, LĐBĐ Kazakhstan (FFK) quyết định chuyển sang gia nhập UEFA từ năm 2012. Đây được xem là quyết định gây tranh cãi khá nhiều, bởi thành tích những năm sau đó cho thấy đội tuyển Kazakhstan hoàn toàn “không có cửa” ở các vòng loại Euro và World Cup. Điển hình như ở vòng loại Euro 2016, Kazakhstan hiện xếp chót bảng với chỉ 1 điểm sau sáu vòng đấu.
Một nguyên do hợp lý giải thích quyết định của FFK là những lợi ích về mặt tiền bạc. Cụ thể, nếu giành được quyền tham dự Champions League, bóng đá Kazakhstan sẽ thu được lợi nhiều hơn như tiền bản quyền truyền hình, bên cạnh đó còn kích thích niềm đam mê của người dân và kêu gọi nhà tài trợ đến các đội bóng.
Năm 2013, trang báo điện tử Eurasianet.org của Mỹ chỉ ra vấn đề của bóng đá Kazakhstan là tiền bạc khi các đội bóng sống chủ yếu vào sự trợ cấp của chính quyền địa phương, ngân sách mỗi CLB ở hạng cao nhất chỉ vỏn vẹn vài triệu euro và rất thiếu nhà đầu tư. Sự nghèo nàn tiền bạc cũng phản ánh tình trạng CĐV. Dù bóng đá là môn thể thao được yêu thích nhất ở Kazakhstan, nhưng giải đấu nơi đây thu hút rất ít khán giả với các khán đài thường xuyên chỉ được lấp đầy khoảng 20% ghế. Ngay cả CLB mạnh nhất là Astana cũng vậy. Năm 2012, lượng khán giả trung bình của họ ở Giải vô địch Kazakhstan chỉ là 5.000 người/trận, trong khi khán đài có đến 30.000 chỗ.
Phó chủ tịch Seilda Baishakov của FFK lập luận: “Chất lượng của bóng đá châu Âu cao hơn nhiều, chúng ta đã lãng phí quá nhiều cho 10 năm trời thi đấu cho châu Á” - trang Eurasianet.org dẫn lời ông. Và những gì ông Baishakov nói không hề sai. Trận Astana tiếp đón Maribor ở vòng loại thứ 2 Champions League mùa này có khoảng 24.000 khán giả, và ở trận thắng APOEL 1-0 trong lượt đấu play-off là kín sân. Rõ ràng Champions League là một “liều thuốc kích thích” hiệu quả cho bóng đá Kazakhstan.
Hiển nhiên trong 32 đội tham dự Champions League 2015-2016, Astana là CLB nghèo nhất với tổng giá trị các cầu thủ trong đội chỉ khoảng 13 triệu euro, thua xa những đội bóng tầm trung như Dynamo Kiev (130 triệu euro) hay Olympiakos (82 triệu euro). Nhưng trong tương lai với việc được tham dự Champions League, Astana và bóng đá Kazakhstan có thể mơ đến việc “đổi đời”.
Rooney lập hat-trick, M.U đại thắng Ngoài Astana, chín đội bóng khác giành quyền tham dự vòng bảng Champions League sau khi vượt qua vòng play-off là Dinamo Zagreb (thắng Korce chung cuộc 6-2), Malmo FF (thắng Celtic 4-3), Tel Aviv (hòa Basel 3-3) (*), BATE Borisov (hòa Partizan 2-2) (*), Leverkusen (thắng Lazio 3-1), Manchester United (thắng Club Brugge), CSKA Moscow (thắng Sporting 4-3), Shakhtar Donesk (thắng Rapid Wien 3-2), Valencia (thắng Monaco 4-3). Ở trận thắng 4-0 của Manchester United trước Club Brugge, tiền đạo Wayne Rooney đã lập một hat-trick. (*) Vượt qua nhờ luật bàn thắng sân khách. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận