10/12/2017 16:20 GMT+7

Ngày giận dữ của thế giới Hồi giáo

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Đã có người thiệt mạng trong làn sóng bạo lực bùng phát ở dải Gaza, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel.

Ngày giận dữ của thế giới Hồi giáo - Ảnh 1.

Những người ủng hộ Palestine biểu tình ở New York ngày 8-12 - Ảnh: Reuters

Washington cũng bị cô lập tại cuộc họp khẩn Liên Hiệp Quốc (LHQ) về việc Washington thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Ngày giận dữ

Hãng tin AFP dẫn lời chính quyền Gaza ngày 9-12 khẳng định cuộc không kích của Israel tại căn cứ Nusseirat khiến hai người Palestine thiệt mạng cùng ngày. Đây là đòn đáp trả những quả đạn pháo mà phía Palestine bắn qua biên giới Israel. Trước đó, truyền thông đưa tin binh lính Israel bắn chết một người tại gần biên giới dải Gaza, trong khi một người tử vong trong làn sóng biểu tình của hàng ngàn người Palestine. Hàng chục người Palestine bị thương trong các cuộc biểu tình ở Bờ Tây và Gaza, phía Palestine khẳng định.

Trên dải Gaza do nhóm Hamas kiểm soát, thông báo được phát khắp ngôi đền kêu gọi tái diễn các phong trào nổi dậy intifada từng khiến hàng ngàn người Palestine và hơn 1.000 người Israel thiệt mạng trong những năm 1987-1993 và 2000-2005. "Ai dám dời đại sứ quán đến Jerusalem sẽ là kẻ thù của người Palestine và là mục tiêu của các phần tử Palestine. Chúng tôi tuyên bố intifada đến khi giải phóng Jerusalem và tất cả người Palestine" - Reuters dẫn tuyên bố đáng lo ngại của lãnh đạo Hamas Fathy Hammad.

"Nước Mỹ đã chọn ra một tổng thống gây thù với tất cả người Hồi giáo và Thiên Chúa giáo" - cố vấn tôn giáo Mahmoud al-Habbash của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói. Những người biểu tình phẫn nộ cũng đốt ảnh tổng thống Mỹ ở Iran, trong khi hàng trăm người phản đối la ó tại đền thờ Al-Azhar ở thủ đô Cairo của Ai Cập.

Các phong trào biểu tình lớn cũng diễn ra ở Afghanistan, Pakistan, Jordan, Tunisia, Somalia, Yemen, Malaysia và Indonesia. "Jerusalem là thủ đô của Palestine" - hàng ngàn người reo hò ở thủ đô Sanaa của Yemen, một góc xa xôi của thế giới Hồi giáo. Trong khi đó, hàng ngàn người tụ tập trước Đại sứ quán Mỹ ở Malaysia chỉ trích ông Trump đã "vỗ vào mặt" người Hồi giáo. Bên ngoài khu vực, người biểu tình cũng xuất hiện trước Đại sứ quán Mỹ ở Berlin hay bên ngoài Nhà Trắng ở Washington DC.

Triều Tiên cũng chỉ trích Mỹ

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 9-12 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định quyết định của Tổng thống Trump về Jerusalem xứng đáng chịu sự lên án và phản đối toàn cầu. Theo KCNA, vấn đề Jerusalem nên được giải quyết một cách công bằng thông qua các biện pháp đảm quyền dân tộc của người dân Palestine.

Ông Trump tự ghè đá chân mình

Không rõ tổng thống Mỹ có lường trước hay chưa việc Washington đã hoàn toàn bị cô lập tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ, khi lần lượt các quốc gia chỉ trích quyết định của Nhà Trắng. Cuộc họp, được triệu tập theo yêu cầu của 8 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an, trở thành nơi để các thành viên bày tỏ phản đối việc Mỹ muốn chuyển đại sứ quán tại Israel đến Jerusalem. Tại đây, điều phối viên của LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông Nikolay Mladenov cảnh báo quyết định của Mỹ có thể dẫn đến vòng xoáy bạo lực giữa người Palestine và những người phẫn nộ trước hành động của ông Trump.

Đại sứ của năm quốc gia châu Âu là Anh, Pháp, Đức, Ý và Thụy Điển đã đưa ra tuyên bố chung chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump là động thái "không phù hợp" với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và "không giúp ích gì cho triển vọng hòa bình tại khu vực". "Chúng tôi sẵn sàng đóng góp vào mọi nỗ lực đáng tin cậy nhằm tái khởi động tiến trình hòa bình, trên cơ sở những thông số đã được quốc tế nhất trí. Chúng tôi khuyến khích chính quyền Mỹ đưa ra được những đề xuất chi tiết về giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Palestine" - tuyên bố viết.

Đại sứ Nikki Haley giải thích quyết định của ông Trump là vẫn duy trì cam kết đối với tiến trình hòa bình và giải pháp hai nhà nước nếu như người Israel và người Palestine lựa chọn điều này. Bà Haley cho rằng với việc đảo ngược chính sách đối ngoại của Mỹ, ông Trump chỉ đơn giản là công nhận thực tế chính phủ và quốc hội của Israel được đặt tại Jerusalem. Cũng theo bà Haley, Washington vẫn có sự tín nhiệm với cả Israel và Palestine trong vai trò là một nhà trung gian hòa giải. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng khẳng định quy chế cuối cùng của thành phố Jerusalem sẽ được quyết định bởi các nhà đàm phán Israel và Palestine.

Tuy nhiên, giải thích này không thể khiến Palestine nguôi giận. "Chúng tôi phản đối quyết định của ông Trump. Điều này khiến Mỹ không còn đóng vai trò là nhà tài trợ cho tiến trình hòa bình (Trung Đông)" - ông Abbas nhấn mạnh.

Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ

Theo nguồn tin của AFP, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan muốn dẫn dắt phản ứng của cộng đồng Hồi giáo trước động thái của Mỹ. Ông Erdogan, hiện là chủ tịch Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, đã trao đổi với các đồng minh để kêu gọi một hội nghị giới Hồi giáo. "Này ông Trump! Ông muốn làm gì? Cái kiểu tiếp cận này là gì? Các nhà lãnh đạo chính trị không khuấy động mọi thứ mà họ xây dựng hòa bình" - ông Erdogan phản ứng việc ông Trump giải thích việc thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là cách tiếp cận mới với tiến trình hòa bình Trung Đông.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên