Hình ảnh minh họa về lễ độc thân - Ảnh: Zcool
Từ lễ độc thân đến ngày hội mua sắm trên mạng
Ngày 11-11 tại Trung Quốc được gọi là ngày độc thân (phiên âm: Guang gun jie hay Single day). Ngày độc thân là một ngày lễ mang tính giải trí của giới trẻ Trung Quốc. Nhưng cần phải nói rõ thêm, đây không phải lễ hội truyền thống của Trung Quốc, càng không phải là lễ hội du nhập từ phương Tây, mà là lễ hội mang tính tự phát của giới trẻ.
Bốn con số một, tượng trưng cho những cây gậy đơn độc chính là biểu tượng của ngày độc thân. Lai lịch xuất xứ của ngày độc thân này đến giờ mà nói vẫn giống như một câu đố không có lời giải thích rõ ràng.
Trước năm 1994, chưa một bạn trẻ Trung Quốc nào để ý đến ngày 11-11, cho đến khi một câu lạc bộ độc thân được tổ chức với yêu cầu người tham gia nhất định phải là độc thân, kể từ đó người ta mới chú ý đến ngày lễ này.
Ngày độc thân sẽ không trở thành ngày lễ độc đáo của Trung Quốc nếu như không có Mã Vân (Jack Ma). Vào năm 2009, Alibaba đã biến ngày độc thân 11-11 thành ngày hội mua sắm online, khẩu hiệu quảng cáo lúc đó là "cho dù không có người yêu, chí ít chúng ta còn có thể điên cuồng mua sắm".
Cú hích kích cầu thương mại này được đặt tên là "Hai số 11". Ba năm sau đó, Alibaba đã đăng ký bản quyền khai thác thương mại "Hai số 11" sau khi nhận thấy tiềm năng thương mại khổng lồ từ ngày lễ này. Mã Vân trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2011 đã nhấn mạnh "tương lai sẽ là cuộc chiến của thương mại điện tử".
Trong ngày hội mua sắm online, các mặt hàng bán chạy chủ yếu là trang phục, đồ gia dụng, thiết bị điện tử - Ảnh: 163
Ngày độc thân hay nỗi cô đơn phía sau ngày hội mua sắm?
Người Trung Quốc rất hồ hởi với ngày hội mua sắm này, điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với tâm lý người tiêu dùng luôn thích hàng tốt giá rẻ.
Thế nhưng, nếu đứng ở góc độ những người độc thân mà nói, ngày lễ này cho họ cảm giác ấm áp, đồng thời cũng là khoảng thời gian để họ tiêu khiển và giải tỏa áp lực trong cuộc sống.
Vào ngày 11-11, người độc thân mua quà tặng cho mình, cho bạn bè, họ cùng nhau tổ chức tiệc mừng, đi hát karaoke, tham gia các buổi gặp mặt mai mối… thậm chí không ít người ở Trung Quốc đã chọn ngày 11-11 để tổ chức đám cưới, chia tay quãng đời độc thân.
Ai cũng mong có được tình yêu như ý, nhưng đúng thời điểm gặp đúng người lại chẳng phải chuyện dễ dàng - Ảnh: Baidu
Thực tế ngày độc thân một mặt biểu thị về một xã hội Trung Quốc đang ở trong thời đại thịnh vượng của thương mại điện tử, nhưng một mặt khác cho thấy hiện tượng độc thân đã thực sự đã trở thành hiện tượng đáng lo ngại trong xã hội nước này.
Theo Niên giám Thống kê Trung Quốc năm 2017 số lượng người độc thân ở nước này là 240 triệu người và dự báo con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên.
Có thể nói, tình trạng độc thân, kết hôn muộn thậm chí không muốn kết hôn một phần do đời sống kinh tế xã hội của Trung Quốc ngày càng phát triển, dẫn đến yêu cầu đối với cuộc sống và đặc biệt là hôn nhân của họ ngày càng cao.
Nhiều người trẻ tuổi đã thay đổi quan điểm sống, họ đề cao cái tôi cá nhân và lựa chọn cuộc sống tự do thay vì cam chịu với cuộc sống hôn nhân không như ý nguyện.
Cô đơn là điều mà người trưởng thành thường phải nếm trải - Ảnh: Vũ Thủy
Có một khoảng cách rõ rệt giữa số lượng trai gái chưa kết hôn ở thành thị và nông thôn. Trong khi nam giới ở nông thôn nhất là các vùng quê hẻo lánh vô cùng khó khăn mới có thể lấy được vợ thì tại các thành phố lớn của Trung Quốc số lượng nữ giới từ 26 đến trên 35 tuổi chưa kết hôn lại không hề ít.
Khoảng cách đó không chỉ là số lượng mà còn cả về trình độ học vấn, mức thu nhập hàng năm, sở thích, yêu cầu đối với hôn nhân. Lý do đơn thân của nam giới và nữ giới Trung Quốc được quy về "ba không" và "ba cao". Với nam giới "ba không" gồm: không nhà, không xe, không tài khoản tiết kiệm, còn với nữ giới "ba cao" gồm: học vấn cao, thu nhập cao, áp lực cao.
Ẩn phía sau ánh sáng phù hoa của những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải… là nỗi cô đơn mà chỉ những kẻ độc thân mới hiểu - Ảnh: Lee Song
Chia sẻ về cảm giác cô đơn có bạn ở trên mạng viết rằng: "Tôi từng ngồi từ trạm đầu tiên đến trạm cuối cùng của chuyến xe buýt 948, rồi tiếp tục quay trở lại trạm đầu tiên, tất cả chỉ để nhìn thấy quang cảnh bên ngoài cửa kính, nhìn thấy dòng người tấp nập trên đường".
Có bạn lại viết: "Tôi tan ca lúc 11 giờ đêm, bước ra đường thì gặp trận mưa nhỏ, tay phải cầm ô, tay trái xách túi đồ ăn nhanh, cứ như vậy bước đi trong đêm. Vừa hay hôm đó là sinh nhật tôi".
Cô đơn là cảm giác mà những người lựa chọn lập nghiệp ở thành phố lớn sẽ phải đối mặt và phải vượt qua. Người ta thậm chí còn đặt ra các cấp độ độc thân như: đi ăn lẩu một mình, xem phim một mình, đi triển lãm một mình, ngắm biển một mình, chuyển nhà một mình, hay thảm thương nhất là nằm viện một mình…
Đặc biệt ở những thành phố lớn, giới trẻ Trung Quốc đang phải đối mặt với những thử thách từ công việc, mưu sinh và nỗi buồn của cuộc sống cô đơn.
Đi du lịch một mình là phương thức vượt qua nỗi buồn cô đơn của người độc thân - Ảnh: Hiền Thương
Trong không gian văn hóa đương đại của Trung Quốc, lễ độc thân ra đời như một cách biểu đạt rằng xã hội rất truyền thống, rất phong kiến ấy đã thay đổi từ trong nội tại. Đời người theo đuổi là hạnh phúc, nhưng mỗi giai đoạn, mỗi thời đại, mỗi một con người đều có sự khác biệt, sự thay đổi về quan niệm hôn nhân.
Ngày độc thân không chỉ là cơ hội mua sắm, nó còn có ý nghĩa tinh thần đối với những người còn đang trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, cho họ tìm thấy sự đồng cảm, tự tin để tiếp tục hy vọng, khát vọng.
Đâu chỉ tình yêu mới đẹp, độc thân cũng có giá trị hạnh phúc của nó. Những người có thể vượt qua được cảm giác cô đơn sẽ sống được như cách mà họ mong muốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận