19/03/2016 15:40 GMT+7

​Ngày 20-7 sẽ có kết quả thi THPT quốc gia 2016

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Từ 13g chiều nay, sân trường THPT Long Khánh (Đồng Nai) đã ngập tràn học sinh với hơn 3.000 người đến dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2016.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng đào tạo trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - giải đáp các câu hỏi của học sinh trong chương trình tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Xuân An
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng đào tạo trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - giải đáp các câu hỏi của học sinh trong chương trình tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Xuân An

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Đồng Nai, Tỉnh đoàn Đồng Nai và Trường THPT Long Khánh phối hợp tổ chức. 

Mở đầu phần tư vấn chung, TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM đã chuyển đến học sinh khá nhiều thông tin những điểm mới cần lưu ý trước kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2016. Kỳ thi sẽ không thay đổi nhiều so với kỳ thi năm 2015, những thay đổi chủ yếu ở phần xét tuyển và gồm những điểm chính sau:

Thí sinh Đồng Nai thi tại tỉnh nhà

Khác với năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia 2016 này, thí sinh của tỉnh Đồng Nai sẽ thi tại Đồng Nai chứ không phải về TP.HCM.

Theo phân công của Bộ GD-ĐT, trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại tỉnh Đồng Nai sẽ có hai cụm thi: cụm thi ĐH: do Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM chủ trì, phối hợp cùng Trường ĐH Đồng Nai; cụm thi tốt nghiệp: do Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp cùng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.     

“Chỉ có học sinh nào đăng ký dự thi tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì mới được cấp một Giấy chứng nhận kết quả thi (giấy báo điểm) với mã số xác định duy nhất có mã vạch để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển. Tuy nhiên cũng có nhiều trường ĐH, CĐ xét tuyển từ học bạ THPT (kết quả học của 3 năm THPT hoặc của năm học lớp 12) bên cạnh việc sử dụng kết quả thi THPTQG để xét tuyển” - thầy Nghĩa lưu ý.

Các em học sinh vui vẻ tham gia chương trình dù thời tiết nóng bức - Ảnh: Xuân An
Các em học sinh vui vẻ tham gia chương trình dù thời tiết nóng bức - Ảnh: Xuân An

Về môn thi học sinh chưa tốt nghiệp sẽ thi tối thiểu bốn môn, trong đó có ba môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Học sinh phải đăng ký một môn tự chọn trong các môn còn lại (Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa) để xét tốt nghiệp. 

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa việc chọn môn thi sẽ ảnh hưởng đến việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sau này của học sinh, vì các ngành của các trường ĐH, CĐ đều xét tuyển theo tổ hợp của ba môn thi (hoặc ba môn học của bậc THPT, hoặc ba môn học của năm lớp 12 đối với các trường xét tuyển bằng học bạ THPT). 

“Nếu đăng ký thêm môn thi, học sinh sẽ tăng thêm cơ hội xét tuyển vào nhiều ngành khác nhau trong giai đoạn xét tuyển. Thống kê trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 cho thấy100% học sinh thi tại cụm thi địa phương (chỉ để xét tốt nghiệp THPT) chỉ thi bốn môn. Đây là điều đương nhiên vì học sinh diện này thi nhiều hơn bốn môn cũng chẳng để làm gì” – thầy Nghĩa nói. 

Các mốc thời gian cần lưu ý    

Học sinh sẽ nộp hồ sơ đăng ký thi THPT quốc gia 2016 (dự kiến từ đầu tháng 4-2016), trong đó quan trọng nhất là đăng ký các môn dự thi. Giữa tháng 6-2016 sẽ nhận được giấy báo thi. Thí sinh sẽ thi vào các ngày 1, 2, 3, 4-7-2016.

Các cụm thi công bố kết quả điểm thi và các sở GD-ĐT công bố kết quả xét tốt nghiệp THPT trước ngày 1-8 (năm 2015 kết quả thi được công bố vào ngày 22-7; tỉ lệ tốt nghiệp THPT đạt gần 92%). Dự kiến năm nay ngày 20-7 sẽ có kết quả thi THPT quốc gia.

Một học sinh tham khảo Cẩm nang tuyển sinh đại học, cao đẳng do báo Tuổi trẻ phát hành - Ảnh: Xuân An
Một học sinh tham khảo Cẩm nang tuyển sinh đại học, cao đẳng do báo Tuổi trẻ phát hành - Ảnh: Xuân An

Học sinh có thể làm thủ tục đăng ký xét tuyển đợt 1 vào các trường ĐH, CĐ: dự kiến trong vòng 12 ngày (từ ngày 1 đến 12-8). Trong đợt 1, mỗi thí sinh sẽ được đăng ký xét tuyển vào tối đa hai trường, mỗi trường tối đa hai ngành.

Việc đăng ký xét tuyển được thực hiện trực tuyến (online) hoặc gửi phiếu đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện. Việc cho phép thí sinh nộp trực tiếp tại phòng đào tạo trường ĐH, CĐ do nhà trường quyết định nhưng phải đảm bảo không gây xáo trộn mất trật tự.

Kết quả trúng tuyển đợt I được công bố trước ngày 15-8. Thí sinh trúng tuyển đợt I phải nộp Giấy chứng nhận kết quả thi (bản chính) cho trường nhập học trước 17g ngày 17-8 (theo dấu bưu điện nếu nộp qua bưu điện).

“Trong vòng 48 giờ sau khi biết kết quả trúng tuyển, thí sinh phải nộp giấy báo điểm cho trường mình trúng tuyển. Sau thời gian này các trường có quyền hủy kết quả trúng tuyển nếu thí sinh chưa nộp giấy báo điểm. Vì vậy thí sinh ở xa nên nộp giấy báo điểm qua đường bưu điện” - thầy Nghĩa lưu ý.

Các trường ĐH, CĐ tuyển chưa đủ chỉ tiêu sẽ xét tuyển các đợt bổ sung, mỗi đợt 10 ngày, bắt đầu từ 20-8 và kết thúc trước ngày 20-10 đối với các trường ĐH hoặc ngày 15-11 đối với các trường CĐ.

Trong các đợt xét tuyển bổ sung, mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa vào ba trường, mỗi trường tối đa hai ngành. Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng sau khi đã đăng ký trong các đợt xét tuyển.

Tranh thủ theo dõi thông tin trên báo Tuổi Trẻ trước chương trình - Ảnh: Xuân An
Theo dõi thông tin trên báo Tuổi Trẻ trong chương trình - Ảnh: Xuân An
Học sinh trường THPT Long Khánh đặt câu hỏi thắc mắc phân biệt về ngành Ngôn ngữ Anh và Sư phạm Anh - Ảnh: Xuân An
Học sinh trường THPT Long Khánh thắc mắc phân biệt về ngành Ngôn ngữ Anh và Sư phạm Anh - Ảnh: Xuân An

 

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên