Nhân viên Công ty Thoát nước mò rác ở miệng cống để nước thoát nhanh hơn - Ảnh tư liệu |
TTO xin trích đăng:
* Tăng diện tích cây xanh, giải pháp tạm trữ nước mưa
Cứ theo tình hình hiện nay ở TP.HCM thì ngập nước khi mưa lớn là chuyện không tránh khỏi vì việc làm cống chỉ là phần ngọn mà không phải phần gốc của vấn đề.
Để chống ngập nước thành phố hiệu quả thì ngoài hệ thống cống rãnh thoát nước hiệu quả, phải có đủ các diện tích đất cây xanh tự nhiên không bị bêtông hóa để nước ngấm tự nhiên xuống mạch nước ngầm, đồng thời kết hợp các giải pháp trữ nước tạm thời sau cơn mưa ở bản thân mỗi công trình, mỗi diện tích xây mới.
Ví dụ ở các thành phố tại châu Âu, khi đệ đơn xin phép xây dựng một công trình mới, ngoài phần trăm diện tích đất tự nhiên giữ lại bắt buộc thì còn phải kèm theo đó là giải pháp trữ nước mưa tạm thời trong phạm vi xây dựng như trữ nước trên mái (mái bằng), tạo các bể chứa ngầm dưới đất, các hồ nước đào trong vườn... đủ dung tích bắt buộc tùy tính toán.
Như vậy sau cơn mưa lớn thì lượng nước mưa sẽ phải tạm trữ tại bản thân từng công trình rồi mới chảy từ từ ra đường cống công cộng.
Ở quy mô thành phố, ngoài hệ thống cống rãnh cũng phải xây rất nhiều bể ngầm khổng lồ (bassin de rétention) với mục đính tương tự.
Chừng nào TP.HCM chỉ lo phần gốc mà chưa có phần ngọn là luật rõ ràng bắt buộc mỗi công trình xây dựng mới phải có giải pháp tạm giữ lượng nước mưa như các nước khác thì việc ngập úng như vậy sẽ còn dài dài.
* Cống thoát nước vẫn chưa đủ
Tôi cho rằng xây hồ chứa nước chống ngập là biện pháp khả thi. Sở dĩ các TP lớn của chúng ta hiện tại bị ngập lụt nhiều một phần do khí hậu biến đổi nhưng nguyên nhân chính vẫn là con người.
Con người chặt phá rừng làm mất hết vật cản nước mưa từ trên rừng chảy xuống, con người xây dựng nhà xưởng, làm đường bêtông... không còn chỗ cho nước ngấm xuống đất, con người lấp hết ao hồ, kênh rạch để lấy đất làm nhà nên cứ mưa là ngập.
Cứ tốc độ xây nhà và làm đường, phá rừng như hiện nay thì không những phải xây hồ mà còn phải đào sông trong TP thì mới đỡ ngập.
Nếu chỉ làm cống thoát nước thì dù cống to đến mấy mà không có nơi chứa nước, cứ mưa một lúc là cống sẽ đầy và đường lại ngập.
* Xử lý rốt ráo rác thải
Ngập tứ bề ở TP.HCM là hậu quả của biến đổi khí hậu, xây dựng không có quy hoạch, tùy tiện và cả ý thức kém của một bộ phận người dân. Xây hồ chống ngập là biện pháp cần thiết nhưng chưa đủ. Chính quyền TP cần có thêm các biện pháp căn cơ, kiên quyết, lâu dài, trí tuệ.
Xin đề nghị thêm mấy giải pháp:
+ Không có triều cường mà ngập nặng như vậy là do xả rác bừa bãi vào lòng cống, thậm chí họ còn quét hết một đống rác lớn xuống cống. Đề nghị báo Tuổi Trẻ thông tin đến những người buôn bán ở vỉa hè thấy được hậu quả nghiêm trọng của việc xả rác bừa bãi vào lòng cống. |
1. Trồng cây xanh, trồng rừng ở TP, ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Tây nguyên. Lo xa chính là cứu gần.
2. Xử lý rốt ráo rác thải từ hai phía: chính quyền và người dân TP.
3. Trả lại nguyên trạng kênh rạch, hồ cần được tính tới. Khó, tốn kém, đụng chạm... cũng phải làm.
"Cứng rắn" nhưng phải có tâm lo cho người dân trong diện phải giải tỏa, phá bỏ nhà cửa xây dựng do lấp kênh rạch, hồ... có cuộc sống tốt hơn trước, kết hợp với tuyên truyền, vận động bà con, nêu gương của cán bộ... chắc sẽ làm được.
Có phải vay tiền dân cũng ủng hộ nếu làm minh bạch, có sự giám sát của người dân... bởi giải quyết "ngập tứ bề" trách nhiệm không chỉ của riêng ai.
* Ý thức của chính mỗi người dân
Mỗi người dân cần ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Ngập lụt sẽ khó tránh khỏi nếu mực nước biển cứ tiếp tục tăng lên mỗi năm. Nếu bảo vệ môi trường thì dù nước ngập nhưng người dân không phải chịu cảnh nước cống hôi thối. Chứ đã ngập mà còn ngập nước bẩn thì sao chịu nổi!
Hãy chung tay bảo vệ môi trường để cuộc sống tốt đẹp hơn, không lấn chiếm kênh rạch, đổ rác bừa bãi ra đường phố, kênh rạch sẽ góp phần giảm ngập và ô nhiễm nguồn nước.
Mời bạn đọc cùng góp thêm ý kiến cho câu chuyện chống ngập hiện nay qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết. Bạn cũng có thể tham khảo những bài viết đã đăng trong diễn đàn Chống ngập do Tuổi Trẻ Online tổ chức vào tháng 10-2014. >> Nhiều góp ý chống ngập đang được thực hiện |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận