24/10/2014 16:07 GMT+7

Chống ngập: ngưng xả rác, nạo kênh, xây hồ chứa

TTO tổng hợp
TTO tổng hợp

TTO - Hơn 140 ý kiến bạn đọc đã gửi đến tham gia bàn giải pháp chống ngập tại TP.HCM cũng như tại các đô thị khác.

Rác nổi lềnh bềnh tại hẻm 628 Hậu Giang, P.12, Q.6  - Ảnh tư liệu

TTO xin trích đăng, trong đó có những ý kiến chúng ta có thể tự làm ngay để nếu chưa giải quyết triệt để chuyện ngập thì cũng không làm cho tình trạng ngập nặng hơn.

- Ngoài chuyện kênh rạch hạn chế trên một diện tích lớn thì chính việc xả rác bừa bãi của người dân cũng góp phần tạo nên việc ngập úng này đấy, than làm chi.

(nguoinhaque193@....)

- Hầu hết miệng cống thoát nước đều bị bít bởi rác. Các hàng quán lề đường hầu như đều quét rác đổ vào miệng cống. Có dịp đi ngang đường Tân Thành ở quận 5 lúc mưa ngập mới thấy kinh khủng hơn trong hình ảnh này nhiều, rác các loại ngập chật dòng nước, có cả vài con chuột chết nổi lềnh bềnh trông kinh hãi...      

Lan

- Quy luật "nước chảy vùng trũng" ai cũng biết. Thế nên cần:

+ Xây dựng hồ chứa, hồ với hệ thống xả và máy bơm cho mực nước của hồ hợp lý.

+ Hệ thống bờ bao + hệ thống cống hợp lý.

Điều quan trọng là chọn người lãnh đạo có tâm, có tầm.

Thanh Phong (tranthanhphong77@...)

- Ao hồ, sông rạch bị các công ty bất động sản kết hợp với nhóm lợi ích san lấp, xây dựng nhà chung cư hoặc nhà phố để hưởng lợi. Khi ấy lấy đâu ra chỗ để lượng nước thoát khi trời mưa.

Rồi chúng ta "chữa cháy" bằng các công trình nâng cấp các con đường để chống ngập lụt. Nhưng giải pháp này vô tình đẩy những khó khăn cho bà con khi các con đường được nâng cao hơn nền nhà của các hộ dân, vì đường không ngập nhưng trong nhà dân lại bị ngập.

Nguyễn Văn Hải (nguyenvanhai@...)

- Tôi ủng hộ giải pháp hồ điều tiết nước. Ta nên cho đào lại các ao hồ trong các công viên, nơi đất trống vì các ao hồ của thành phố trước đây đã bị lấp hết. Nước mưa cần có nơi trữ tạm trước khi thoát ra sông. Đồng thời cách làm này cũng làm cảnh quan sinh thái đẹp giữa lòng đô thị.

Phong Vân (luongvanha@....)

- Ngoài việc quy hoạch bất cập, những khu dân cư mới sau khi trả tiền đất, nhà đầu tư làm vội cơ sở hạ tầng để nhanh bán đất thu hồi vốn và kiếm tiền. Đâu có ai bắt họ phải làm thế này, làm thế khác mặc dù chúng ta có đủ tất cả cơ quan ban bệ.

Cả ý thức của từng công dân, thái độ bon chen, nhà mình thì sạch còn nơi công cộng thì thả chó mèo phóng uế, đổ rác. 

Ho Minh Anh

- Giải pháp Chống ngập bằng giữ nước và thấm nước của KTS Đào Đông Nhựt và Xây cống bao để điều tiết nước, giảm ngập của KS Lê Thành Cọng rất hay, giống nhau trên hai điểm: làm cách nào để nước thoát, và làm cách nào điều tiết nước.

Xin bổ sung, nói lại chi tiết:

- Làm vỉa hè có thể thấm nước qua lớp gạch lót vỉa hè (giải pháp: lót gạch có nhiều lỗ nhỏ để thoát (thấm) nước xuống phần đất bên dưới (một phần) trước khi chảy xuống đường vào cống (việc này chỉ thực hiện cho vỉa hè mới chứ không dở vỉa hè cũ để thay, tốn kinh phí.)

- Cho phép tạo và khuyến khích hồ nước nhỏ của mỗi hộ dân để chứa nước mưa dùng cho sinh hoạt, sau đó rửa xe máy, xe hơi, tưới cây...

- Với những tuyến đường ngập lụt triền miên, đặt rãnh chứa nước khúc đường bị ngập (không sâu nhưng dài theo diện rộng) để tiếp xúc với cống nước quá tải, mặt khác nối kênh nước trong thành phố lại để điều tiết vùng kênh Nhiêu Lộc với vùng khác.

- Ở khu vực Q.6, đường Phan Anh... cho đào sâu thêm 1-2m sông điều tiết chảy ra sông lớn (sông Sài Gòn).

Cơ quan chức năng không ký giấy dự án lấp cả rạch, ngòi nối sông. 

Nguyen

- Bạn có sáng kiến gì trong việc giúp chống ngập?

- Các đô thị khác nên rút ra những bài học gì để tránh rơi vào tình trạng ngập nặng như TP.HCM?

Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc bằng phần Ý kiến bạn đọc ngay bên dưới bài viết.

Diễn đàn "Chống ngập" cũng nhận được bài viết cộng tác của các bạn đọc: Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt, Nguyễn Thanh Sơn, Hoàng Hữu Nghĩa, Trương Thành Cư, nhóm sáng tạo Vinado...

 

TTO tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên