Phóng to |
Người dân dựng lều ngăn các phương tiện vào thi công đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua thị xã Phúc Yên |
Nhiều ngày qua, hàng chục người dân thôn Khả Do, xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc đã dựng lều, chặn đường vào thi công công trình dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn qua thị xã Phúc Yên. Theo chính quyền địa phương, những người dân này đã nhận hết tiền đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng từ đầu năm 2009 nhưng nay lại khiếu nại, đòi thêm tiền.
43,5 triệu và 236 triệu đồng
Ông Nguyễn Tuấn Anh, giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cho biết đoạn đường qua xã Nam Viêm thuộc gói thầu số 1, dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2012 nhưng với tiến độ này thì sẽ không thể hoàn thành. Hiện nay đường còn khoảng 100m3 đắp nền và ba cầu chưa được thi công. Khi có mặt bằng, đơn vị thi công sẽ hoàn thành đắp đất, làm móng mặt và hoàn thiện. |
Tháng 4-2009, sau khi các hộ dân nhận đủ tiền bồi thường, hỗ trợ và ký cam kết bàn giao mặt bằng, UBND thị xã đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư là Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) để thi công công trình. Từ thời điểm này đến tháng 5-2011, đơn vị thi công đã hoàn thành san ủi đất hữu cơ, đắp đất nền đường K95 toàn bộ phạm vi giải phóng mặt bằng với chiều cao trung bình 3m.
Đến ngày 17-5-2011, một số người dân xã Nam Viêm đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ thêm giá đền bù giải phóng mặt bằng tương đương giá bồi thường tại xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội là 236 triệu đồng/sào. Ngày 7-6-2011, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có công văn trả lời việc này, trong đó thông báo việc thu hồi đất và giải phóng mặt bằng dự án này được thực hiện trong năm 2008, đã đảm bảo đúng quy định của pháp luật và chính sách của tỉnh tại thời điểm thu hồi đất... Việc các hộ dân có đơn xin hỗ trợ thêm qua xem xét không có căn cứ pháp luật để giải quyết.
Tuy nhiên, các hộ dân không chấp thuận và tiếp tục cản trở việc thi công. Ngày 11-6-2011, khoảng 30 người, chủ yếu phụ nữ, ngăn cản không cho ôtô chở đất vào khu vực thi công với yêu cầu như trên. UBND thị xã Phúc Yên nhiều lần tổ chức đối thoại với dân, thậm chí ngày 30-12-2011 đã mời lãnh đạo các ban ngành trung ương đối thoại với dân tại trụ sở UBND xã Nam Viêm nhưng không đạt kết quả đồng thuận.
Để đảm bảo tiến độ thi công dự án, từ ngày 11 đến 14-3-2012, UBND thị xã thực hiện phương án bảo vệ thi công nhưng sau ngày 14-3, các hộ dân tiếp tục cản trở thi công. Đến ngày 3-8, có khoảng 60 người dân thôn Khả Do, xã Nam Viêm và 20 người dân thôn Đại Lợi, Tân Lợi, xã Tiền Châu ra khu vực thi công dựng lều bạt, ngồi tại đây để cản trở. UBND thị xã đã tổ chức vận động nhân dân tự nguyện tháo dỡ lều bạt, chấm dứt việc ngăn cản đơn vị thi công nhưng không thành.
Phóng to |
Cùng một dự án nhưng mức đền bù giải phóng mặt bằng áp dụng cho xã Tân Dân (Hà Nội) gấp hơn 5 lần so với xã Nam Viêm và Tiền Châu (Vĩnh Phúc) - Đồ họa: V.C. |
Xung đột trong chính sách
Qua tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dẫn đến sự việc này là do người dân cho rằng mình bị thiệt thòi về quyền lợi khi bị thu hồi đất. Tại khu lều bạt được dựng lên để chặn đường vào của đơn vị thi công, các bà Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Thị Kiến (trú thôn Khả Do) đều thừa nhận họ đã nhận hết tiền bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. Tuy nhiên, họ cho rằng so với những người bị thu hồi đất tại xã Tân Dân được hưởng 236 triệu đồng/sào thì bị thiệt thòi quá nhiều khi hai thửa đất đều liền kề với nhau. Do đó họ phải được hưởng mức tiền hỗ trợ, bồi thường như vậy mới công bằng.
Theo ông Đào Phi Long - phó trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, có sự xung đột do chính sách của Nhà nước. Những người chấp hành tốt ngay từ đầu thì tiền ít hơn, những người không chấp hành thì sau này được điều chỉnh hưởng nhiều tiền hơn. Do đó làm thế nào để bảo vệ quyền lợi cho người dân vùng giáp ranh cần có sự vào cuộc của các cơ quan từ trung ương để có giải pháp chính sách cho công bằng. |
Ngoài ra, những người dân đang dựng lều cản trở thi công còn cho biết đến nay họ vẫn chưa nhận được quyết định thu hồi đất của chính quyền địa phương và các khoản đền bù cho xã chưa được công khai để người dân biết. Đó là những lý do dẫn đến việc cản trở thi công nhiều ngày qua.
Tại cuộc họp báo, ông Đào Phi Long, phó trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, cho biết thôn Khả Do nằm giáp ranh với xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn. Người dân đã chấp hành việc thu hồi đất từ năm 2008 nên mức tiền được hưởng là 43,5 triệu đồng/sào. Trong khi đó người dân tại huyện Sóc Sơn không nhận tiền đền bù nên liên tục được điều chỉnh giá và mức cuối cùng được hưởng là 236 triệu đồng/sào. Nguyên nhân chính là do khung giá của mỗi địa phương Chính phủ quy định khác nhau, hỗ trợ của các địa phương khác nhau. Thậm chí tại xã Nam Viêm, giá tiền bồi thường hỗ trợ gấp 2,5 lần tỉnh Phú Thọ, gấp khoảng 5 lần so với tỉnh Yên Bái và khoảng 6 lần so với tỉnh Lào Cai.
Đối với phần đường đang bị ngăn cản thi công, do các hộ dân đã nhận tiền, đã giao đất để thi công nên UBND thị xã Vĩnh Yên sẽ tổ chức bảo vệ thi công trong 14 ngày, bàn giao lại mặt bằng cho các đơn vị thi công. Khi vận động người dân tự nguyện phá dỡ lều không được, UBND thị xã sẽ đưa cán bộ vào tháo dỡ lều. Các trường hợp cố tình cản trở thì lực lượng công an sẽ tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận