Đây là điểm rất đáng chú ý trong bản báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014 được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại Quốc hội chiều 23-10.
Phóng to |
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển - Ảnh: Việt Dũng |
Hụt thu hơn 63.000 tỷ đồng
Báo cáo của Chính phủ cho thấy thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán.
“Sau nhiều năm vượt thu, đây là năm đầu tiên số thu NSNN cả năm ước không đạt dự toán thu cân đối ngân sách, ảnh hưởng lớn tới việc điều hành ngân sách và cân đối, bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN” - báo cáo thẩm tra của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày, nêu rõ.
“Qua 3 năm thực hiện chính sách thu NSNN theo hướng khoan sức dân và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nên thuế suất, mức thuế, chính sách miễn, giảm được điều chỉnh tích cực đã dẫn tới giảm thu khá mạnh, trong khi đó, nhu cầu chi và các chính sách, chế độ ban hành khá nhiều tạo ra sức ép cho cân đối thu chi, chưa bố trí đủ ngân sách cho một số khoản nợ. Bội chi NSNN và nợ công tăng nhanh, an ninh tài chính quốc gia chưa vững chắc” - báo cáo thẩm tra nhận định.
Từ những nhận định trên, Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng: “Chính phủ cần có biện pháp tích cực để thực hiện chiến lược tài chính theo hướng: Cơ cấu lại thu, chi NSNN, nhất là chi NSNN phải lấy hiệu quả là mục tiêu chủ yếu, xác định chi phải trên cơ sở nguồn thu; Cải cách tiền lương phải đi đôi với việc sắp xếp lại bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả; Xác định phạm vi bảo đảm của NSNN và quản lý chặt chẽ, minh bạch; Tăng cường kỷ luật tài chính, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng”.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần đánh giá lại đầy đủ và chính xác mức dư nợ công, dư nợ chính phủ và dư nợ quốc gia, bảo đảm an toàn trong giới hạn cho phép; phản ánh đầy đủ, toàn diện các nguồn lực vào cân đối NSNN, kiên định mục tiêu giảm dần bội chi NSNN, tăng cường giám sát tài chính, ngân sách, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Sức ép trả nợ ngày càng lớn
Chính phủ xây dựng dự toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 782.700 tỷ đồng, tăng 7,9% so với ước thực hiện năm 2013 và đề nghị năm 2014 bội chi ở mức 5,3% GDP (tương ứng 224.000 tỷ đồng).
“Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng, tỷ lệ bội chi này mặc dù chưa phù hợp với lộ trình giảm dần bội chi đã được Quốc hội quyết định, song trong bối cảnh khai thác nguồn thu gặp nhiều khó khăn, nhu cầu chi vẫn ở mức cao; chi đầu tư phát triển năm 2014 đã phải bố trí giảm so với dự toán năm 2013 thì năm 2014 chưa thể giảm mức bội chi ngân sách theo lộ trình” - ông Phùng Quốc Hiển nói.
Theo ông Hiển, “để bảo đảm cân đối, bố trí vốn NSNN đáp ứng các nhiệm vụ chi, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị Quốc hội cho phép bội chi NSNN năm 2014 là 5,3% GDP và không chỉ dành cho chi đầu tư phát triển như quy định của luật NSNN mà cần dành một phần chi trả nợ. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị xem xét nâng mức bội chi cao hơn mức Chính phủ trình để bảo đảm bố trí đủ nguồn trả các khoản nợ của các năm trước và phản ánh đủ khoản đảo nợ”.
Theo báo cáo của Chính phủ, mức bội chi và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ không vượt quá trần nợ công đến năm 2015 là 65% GDP. “Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - ngân sách nhận thấy, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ đang có xu hướng tăng cao. Càng gần tới năm 2015 thì sức ép về thời hạn và cường độ trả nợ càng cao. Đề nghị Chính phủ có kế hoạch và giải pháp cụ thể bảo đảm chủ động trả nợ và báo cáo Quốc hội rõ hơn về vấn đề nợ công” - ông Hiển nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận