02/03/2023 08:14 GMT+7

Ngăn nạn 'chiếm đoạt' tiền bảo hiểm xã hội

Nhiều người bị doanh nghiệp "chiếm đoạt" tiền đóng bảo hiểm xã hội trong nhiều năm. Lúc mất việc, người lao động không thể nhận bảo hiểm thất nghiệp cũng như nhiều thiệt thòi dài lâu cho họ.

Ngăn nạn chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội - Ảnh 1.

Người dân tham khảo thủ tục hành chính tại văn phòng Bảo hiểm xã hội TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã phá sản hoặc "trốn" đóng bảo hiểm xã hội vẫn chây ỳ...

Nghỉ việc mới biết bị nợ bảo hiểm xã hội

Nghỉ việc từ đầu tháng 11-2022, đến nay chị Lê Thị Kim Hồng, công nhân may tại một nhà máy giải thể ở quận Bình Tân (TP.HCM) vẫn chưa nhận được sổ bảo hiểm xã hội và cũng chưa thể lãnh trợ cấp thất nghiệp.

Chị Hồng làm việc ở công ty từ năm 2009, đến năm 2022 chị có thể lãnh tối đa đến 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng đến khi nghỉ việc chị mới biết công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho mình từ năm 2019. Chị đến công ty hàng chục lần nhưng vẫn chưa được chốt sổ để làm thủ tục lãnh trợ cấp thất nghiệp.

Trường hợp chị Hồng vẫn còn khá may mắn, cùng với can thiệp của cơ quan chức năng, công ty đã cam kết sẽ đóng bù khoản nợ bảo hiểm xã hội cho chị trong vòng 3 tháng.

Còn với gần 120 lao động Nhà máy xi măng Hữu Nghị thuộc Khu công nghiệp Thụy Vân (Phú Thọ) thì khoản nợ đóng bảo hiểm xã hội lên tới 6 năm. Từ 2011 đến 2016 công ty này không đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân, đến khi có nhiều người chuyển việc mới biết bị nợ bảo hiểm xã hội. Công nhân kiện ra tòa từ năm 2017, tòa cũng đã xử nhưng 5 năm qua họ vẫn chưa được trả khoản tiền nợ bảo hiểm xã hội trên.

"Lúc nghỉ việc khó khăn lắm, trợ cấp thất nghiệp cũng không được lãnh. Mà giờ 6 năm công ty không đóng bảo hiểm xã hội, không biết giờ họ có đóng bù không. Nếu không thì khi về hưu công nhân thiệt thòi lắm", công nhân Phạm Xuân Quý chia sẻ.

Những người lao động Công ty CP Dịch vụ viễn thông Sài Gòn (SPT) cũng lâm tình cảnh tương tự. Công ty nợ bảo hiểm xã hội suốt hơn 2 năm. Người lao động đã kiện ra tòa, tòa cũng đã có quyết định yêu cầu công ty khắc phục khoản nợ bảo hiểm xã hội, nhưng bản án vẫn chưa được thi hành.

Chị Phương Hằng - kế toán một công ty xây dựng có trụ sở ở Hà Nội - cho biết hằng tháng công ty đều thông báo trích 10,5% lương để đóng bảo hiểm xã hội, nhưng vào tháng 10-2022, khi cơ quan bảo hiểm xã hội vào thanh tra mới phát hiện công ty không đóng đủ cho người lao động.

Còn chị Vân Anh - nhân viên công ty vệ sinh ở Hà Nội - cho biết tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 6-2019 đến tháng 8-2020. Công ty chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho đến tháng 2-2020. Khi nghỉ sinh con 6 tháng, chị không có lương và không được giải quyết trợ cấp thai sản. Sau khi chị làm đơn phản ảnh lên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Thanh Xuân, công ty cam kết thanh toán tiền nợ bảo hiểm xã hội theo từng đợt đến khi hết nợ (mỗi tháng/lần). Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn không thực hiện.

Ngăn nạn chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội - Ảnh 2.

Đồ họa: TUẤN ANH

Trước tình hình quyền lợi của hơn 200.000 người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tổng liên đoàn tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù giải quyết quyền lợi cho người lao động ở các doanh nghiệp phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn còn nợ tiền bảo hiểm xã hội.
Ông LÊ ĐÌNH QUẢNG (phó Ban chính sách - pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam)

Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước

Tính đến cuối năm 2022, tổng số nợ bảo hiểm xã hội, BHYT, BHTN hơn 22.000 tỉ đồng, tương ứng trên 5% tổng số phải thu. Đặc biệt, khoảng 3.500 tỉ đồng nợ bảo hiểm xã hội của hơn 30.000 đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn, khó hoặc không có khả năng thu hồi, ảnh hưởng quyền lợi của hơn 200.000 người lao động.

Ông Bùi Sĩ Lợi - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho rằng với con số hơn 200.000 người lao động là nạn nhân của tình trạng này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần lập danh sách, xem xét cụ thể để giải quyết chính sách. Vấn đề "bí, vướng mắc" ở đây chính là để giải quyết cho các trường hợp này sẽ lấy nguồn tiền ở đâu? 

Nếu doanh nghiệp đã đóng cho bảo hiểm xã hội thì lấy từ quỹ bảo hiểm xã hội để xử lý. Còn doanh nghiệp "ăn quỵt", không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì Nhà nước có thể xem xét sử dụng ngân sách để giải quyết quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Nếu thực tế người lao động có bị trừ tiền nhưng chủ doanh nghiệp chiếm dụng, không đóng quỹ rồi bỏ trốn, Nhà nước nên hỗ trợ, không để người lao động bơ vơ.

Việc doanh nghiệp phá sản, chậm hoặc không đóng bảo hiểm diễn ra trong thời gian rất dài. Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc cơ quan quản lý đã thiếu chặt chẽ. Với khoản người lao động đã đóng cho quỹ bảo hiểm xã hội, phải bỏ quỹ ra để trả cho họ.

Còn PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội, cho rằng chính do vấn đề quản lý còn nhiều yếu kém mới dẫn đến tình trạng nợ, đọng bảo hiểm xã hội kéo dài.

Nên thay đổi phương thức đóng từ doanh nghiệp trích lương đóng cho người lao động sang có một tài khoản bảo hiểm xã hội cho mỗi người lao động. Trong đó, hằng tháng sẽ trích từ tiền lương của người lao động và trích phần doanh nghiệp phải đóng để đóng thẳng vào đó. Với các tiến bộ của khoa học công nghệ hiện nay thì hoàn toàn có thể làm được. Khi rõ ràng như vậy thì sẽ không lo việc trốn đóng bảo hiểm xã hội như thời gian qua.

Chính sách thiết kế theo hướng nếu người lao động đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ mà người sử dụng lao động không đóng thì quyền lợi của người lao động vẫn được giải quyết.

Các chuyên gia cũng chỉ rõ một trong những giải pháp căn cơ để giải quyết câu chuyện nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội là cần sửa Luật bảo hiểm xã hội. Luật phải nâng chế tài xử phạt với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Đề nghị ban hành nghị quyết xử lý nợ bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về xử lý nợ bảo hiểm xã hội, BHTN đối với các doanh nghiệp đã phá sản, giải thể; doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam; doanh nghiệp dừng hoạt động, chờ giải thể, phá sản không còn khả năng trả nợ bảo hiểm xã hội, BHTN.

Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách xử lý các trường hợp nợ không có khả năng thu hồi; khuyến khích doanh nghiệp khắc phục nợ do nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Công nhân khởi kiện tổng giám đốc công ty chây ì nợ bảo hiểm xã hội, tiền lươngCông nhân khởi kiện tổng giám đốc công ty chây ì nợ bảo hiểm xã hội, tiền lương

Nhiều người lao động tại Công ty CP Dệt 19-5 ở Hà Nam đã tìm tới công đoàn để được hướng dẫn khởi kiện tổng giám đốc công ty vì chây ì nợ bảo hiểm xã hội, tiền lương kéo dài.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên