10/02/2011 04:18 GMT+7

"Ngân hàng" từ thiện

Ông HUỲNH HỮU DƯ
Ông HUỲNH HỮU DƯ

TT - Tại cù lao thuộc xã Tân Thạnh, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) có đôi vợ chồng làm nghề bán xăng dầu lẻ cho ghe tàu lỡ đường. Chỉ mới dư dả chút đỉnh, vợ chồng họ đem toàn bộ tiền tích lũy được giúp người nghèo, giúp người đau ốm mà không lấy lãi.

Read this on Tuoitrenews.vn

oHtNgQkb.jpgPhóng to
Ông Út và tấm bảng thông báo cho mượn tiền treo trước nhà - Ảnh: N.Hậu

Để nhiều người biết, ông bà còn viết bảng thông báo cho mượn tiền treo trước nhà. Ông là Huỳnh Hữu Dư (bà con thường gọi là ông Út), còn bà tên Lê Thị Út Nhỏ. Nhà ông Út ở cuối cù lao, đường sá gập ghềnh, sình lầy rất khó đi. Vợ chồng ông sống bằng nghề bán xăng dầu lẻ cho ghe tàu qua lại bến sông này. Có điều người dân ở đây không quan tâm nhiều đến công việc mà chỉ nhớ đến việc làm từ thiện của họ. Hỏi thăm đường đến nhà ông Út, người dân ở đây đều trả lời ngay: “Ông Út “từ thiện” phải không? Nhà ổng có treo tấm biển ghi “Ở đây có số tiền đặc biệt dành riêng để phòng cho mượn khi những cơn bệnh xảy ra bất ngờ” chứ gì! Cứ đi theo đường này một đoạn thì quẹo phải... quẹo trái... quẹo phải...”.

"Thấy người ta khó khăn quá, thương quá thì giúp thôi chứ đâu có duyên cớ gì đâu. Nhưng tui làm từ thiện cũng có nguyên tắc của mình. Chỉ những người chí thú làm ăn nhưng vì không có vốn liếng, gặp xui, bệnh tật nên mãi nghèo thì tui giúp. Còn những người nghèo vì ăn chơi nhậu nhẹt bê tha thì có ngửa tay xin tui cũng không cho"

Câu chuyện lúc nửa đêm

Vợ chồng họ đều đã lớn tuổi, hiền lành, chất phác đúng đặc trưng của người nông dân miền Tây Nam bộ. “Vì sao cô chú phải ghi tấm biển cho mượn tiền trước nhà như vậy?” - chúng tôi thắc mắc. Vợ ông Út không trả lời ngay mà kể câu chuyện xảy ra ba năm trước. Vào lúc nửa đêm một ngày cận Tết Nguyên đán năm 2008, cả nhà ông Út đang ngủ say thì đột nhiên có tiếng gõ cửa có vẻ gấp gáp lắm. Ông Út ra mở cửa thì thấy một thanh niên mặt mày xanh lè, ấp a ấp úng không nói nên lời. Nhìn kỹ, ông nhận ra đó là anh Nguyễn Nhật Hồ, người cùng ấp.

Trong lúc người khách đến nhà mình có vẻ còn ngần ngại, chưa dám mở lời thì ông Út đã chủ động hỏi trước: “Má cháu bữa nay bớt bệnh chưa? Nếu bệnh trở nặng mà nhà khó quá thì chú cho mượn tiền đưa má đi chữa bệnh ngay bây giờ”. Anh Hồ giật mình, hỏi: “Ủa, sao chú biết con đến hỏi mượn tiền?”. Ông Út cười hiền: “Má cháu bị bệnh nặng ở xóm này ai mà không biết chứ. Cháu cần bao nhiêu để đưa má đi trị bệnh?”. Ông Út vào nhà, vài phút sau trở ra dúi vào tay anh Hồ 3 triệu đồng mà không cần phải viết giấy mượn tiền, cũng không hỏi khi nào trả lại. Ngay trong đêm đó, anh Hồ đưa má lên Sài Gòn chữa bệnh. Đến giờ, anh Hồ vẫn còn xúc động trước sự quan tâm, hỗ trợ người nghèo bị bệnh tật của vợ chồng ông Út. Cũng từ những trường hợp những người gặp hữu sự, khó khăn đột xuất không biết gõ cửa nơi đâu mà vợ chồng ông nảy ra ý tưởng viết bảng cho mượn tiền treo trước nhà.

Ông Võ Văn Sáu, trưởng ấp Tân Hòa, kể thêm cách đây không lâu, em gái của ông có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn cũng đã được ông Út cho mượn một số tiền lớn đưa mẹ đi khám bệnh. “Ông Út không chỉ giúp người khi khó mà còn chủ động, âm thầm quan tâm từng hoàn cảnh mỗi người trong và ngoài ấp. Vậy nên lắm khi ông chủ động tìm đến nhà những người gặp cảnh hữu sự để giúp chứ không cần họ tới cầu cạnh” - ông Sáu nói.

Không đợi giàu mới giúp người

Vợ chồng ông Út cưới nhau từ 20 năm trước. Cả hai đều chỉ mới học hết tiểu học. Cưới nhau xong, vợ chồng rong ruổi khắp nơi với nghề buôn cá, nước mắm. Cuộc sống có lúc khó khăn đến độ phải “ăn cơm với nước tương đen cả tháng trời”. Vậy nhưng khi có được đồng ra đồng vào thấy ai khốn khó hỏi mượn ông bà đều vui vẻ cho mượn. Quy luật “có vay thì phải trả (có khi phải trả lãi)” không tồn tại trong suy nghĩ của vợ chồng ông. Khi cho người khác mượn tiền, ông còn dặn dò: “Cứ lo trị bệnh đi, khi nào có thì hãy trả cho tui, tiền đó sẽ cho người khác mượn tiếp chứ tui không xài”.

Lạ một điều, vợ chồng ông bàn với nhau làm từ thiện giúp người ngay từ khi chỉ mới đủ ăn chứ chưa phải khá giả. Hơn chục năm trước vàng mới có 35.000 đồng/chỉ, vợ chồng ông Út đã bàn nhau và quyết định dành hẳn 4 triệu đồng làm quỹ riêng chỉ chuyên dành để khi người nghèo, người bệnh bất thình lình cần sẽ có cho mượn ngay. Đến nay, “quỹ từ thiện” thường xuyên là 10 triệu đồng, còn khi cần giúp đỡ đột xuất thì ông bà sẵn sàng huy động tất cả vốn liếng dành dụm của gia đình. Vợ ông tâm sự: “Thấy người ta khổ quá đến hỏi mình mượn tiền mà vợ chồng tui không có cho mượn là tui cứ ray rứt chịu không nổi”.

Ông Út có nghề buôn bán xăng dầu dọc theo con nước nên thường đi ra các xã khác. Khác với người ta đi buôn rồi về, ông Út vừa buôn vừa quan tâm tìm hiểu, chia sẻ với gia cảnh của những gia đình nghèo khó tại những nơi mình đến. Do vậy, thỉnh thoảng vẫn có những người hoàn cảnh khó khăn lạ hoắc lạ huơ tới nhà ông Út mượn tiền, kể cả nửa đêm. Người dân ở các khu vực lân cận có người thân bệnh nặng không tiền chữa trị cũng bơi xuồng đến nhà ông nhờ giúp đỡ.

Nhưng theo nhiều người dân địa phương, không phải trường hợp nào ông Út cũng giúp như nhau mà tùy mỗi người, mỗi cảnh ông giúp ở từng mức độ, cách thức khác nhau. Chẳng hạn, có người tìm đến thì được ông cho hẳn vài trăm ngàn đồng không cần trả. Người khác ông lại cho thuốc cảm, nhức đầu, đau bụng. Những người bệnh phải đi khám thì ông cho mượn vài triệu đồng. Sau đó có người làm ăn khá thì trả lại, số khác nợ lai rai thì nhiều nhớ không hết. Riêng số người bệnh nặng cần chữa trị mượn ông số tiền lớn khoảng 20 triệu đồng trong những năm qua cũng khá nhiều.

Tặng “cần câu cơm” cho kẻ khó

Cách đây ba năm, đang bán thịt heo ngoài chợ thì bà Phụng bất ngờ được ông Út tìm đến hỏi thăm: “Cô Phụng đó hả? Nghe bà con nói nhà cô đang nợ nặng lãi người ta hả? Cô kể tui nghe chuyện làm ăn ra sao để biết cách giúp?”. Hoàn toàn bất ngờ nhưng bà Phụng cũng sớm hiểu niềm vui gì đang đến với mình, bởi tiếng tốt giúp đỡ người nghèo khó của ông Út bà đã nghe từ lâu.

Bà Phụng chân tình trình bày hoàn cảnh với ông Út rằng tám năm trước vợ chồng bà có dành dụm được chút vốn mở sạp bán thịt heo ở chợ. Nhưng do nể nang bà con quá, cho mua thiếu, mua chịu nên càng bán càng bị lỗ vốn, cụt vốn. Đến thời điểm ông Út tỏ ý giúp thì bà Phụng đang phải vay nợ 7 triệu đồng và trả lãi mỗi tháng vài trăm ngàn đồng.

Ông Út nghe chuyện thì quyết định cho bà Phụng mượn 7 triệu đồng, không có lãi, thời hạn vay là khi nào có thì trả lại, để trả dứt nợ số tiền đang sinh lãi mỗi ngày. Ông lại cho bà mượn thêm 1 triệu đồng để mở một sạp bán bánh cho trẻ con ở trường tiểu học trong ấp Tân Hòa. Hết nợ sinh lãi, với sạp bán bánh, bà Phụng có được chiếc “cần câu cơm” để nuôi chồng (chồng bệnh không thể lao động nặng) và hai con nhỏ đang học tiểu học.

Bà Phụng chỉ là một trong nhiều trường hợp được ông Út giúp “cần câu cơm”. Riêng ông Võ Văn Sáu khoảng hai năm trở lại đây đã trực tiếp dẫn hàng chục người dân trong ấp tìm đến ông Út để được ông giúp cho mượn tiền làm ăn rồi thoát nghèo. Theo ông Sáu, đó chỉ là các trường hợp người muốn mượn vốn là những người lạ nên còn cần ông giới thiệu, chứ những trường hợp ông Út tin tưởng cho mượn thì ông Sáu chưa thống kê được.

gNwKzOiq.jpgPhóng to

Vợ chồng ông Út kiểm lại danh sách người vay từ quỹ từ thiện của mình - Ảnh: Hoài Nam

Mua gạo tặng người nghèo ăn tết

Tết Tân Mão này vợ chồng ông Út đã chủ động trích 8 triệu đồng mua gạo tặng 50 gia đình nghèo trong xã để họ ăn tết. Những việc vợ chồng ông Út đã làm trong thời gian qua được người dân địa phương rất cảm mến, UBND xã, huyện, tỉnh cũng ghi nhận, tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen về những việc làm từ thiện của họ. Ngày 20-1 vừa qua, ông Út vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong công tác xã hội - từ thiện từ năm 2005-2009.

Ông HUỲNH HỮU DƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên