07/08/2020 12:57 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước giảm một loạt lãi suất điều hành

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Ngân hàng Nhà nước vừa giảm một loạt lãi suất điều hành với mức giảm 0,2-0,5%/năm. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh tín dụng 6 tháng đầu năm tăng thấp và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp giảm do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Ngân hàng Nhà nước giảm một loạt lãi suất điều hành - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước vừa giảm một loạt lãi suất điều hành từ 6-8 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất áp dụng cho tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng giảm 0,5%/năm xuống còn 0,5%/năm kể từ 6-8. Lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc là 0%/năm.

Cũng từ thời điểm này, mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước giảm 0,2%/năm, còn 0,8%/năm.

Ngoài ra lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô tại Ngân hàng Nhà nước cũng giảm 0,2%/năm, còn 0,8%/năm.

6 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng khá thấp. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2020, tín dụng chỉ tăng 3,26%. 

Tại TP.HCM, trong khi mọi năm tăng trưởng tín dụng cao hơn bình quân chung của cả nước thì 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 2,52% do nhu cầu vốn của nền kinh tế xuống thấp vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Các doanh nghiệp hiện không dám vay vốn mở rộng sản xuất mà hoạt động cầm chừng nhằm duy trì sản xuất kinh doanh vượt qua gia đoạn khó khăn hiện nay.

Trong bối cảnh hiện nay, việc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc và không bắt buộc khi gửi tại Ngân hàng Nhà nước sẽ khuyến khích các ngân hàng cho vay ra thị trường, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. 

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm một số lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn hay tái chiết khấu, hạ trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng, tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc. Tuy nhiên, cũng có lo ngại rằng quyết định này chưa đủ "đô" để thực sự hỗ trợ hệ thống ngân hàng và nền kinh tế đang khó khăn vì dịch COVID-19. 

Để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua dịch COVID-19, hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đã sử dụng hai công cụ của chính sách tiền tệ là lãi suất cơ bản và dự trữ bắt buộc để giải phóng nguồn vốn ra thị trường, giúp ngân hàng có vốn rẻ để cho vay. 

Còn hiện nay Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên tỉ lệ dự trữ bắt buộc là 3%. Quyết định này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước thuận lợi trong kiểm soát lạm phát về lâu dài nhưng trước mắt sẽ hạn chế khả năng tạo ra nguồn vốn rẻ để hỗ trợ doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được cấp bù lãi suất khi vay vốn Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được cấp bù lãi suất khi vay vốn

TTO - Các doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất sản phẩm sẽ được Nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất bên cạnh ưu đãi về lãi suất khi vay vốn ngắn hạn.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên