07/04/2019 21:02 GMT+7

Ngân hàng BIDV: nợ xấu sau kiểm toán tăng 2.100 tỉ đồng, dự phòng rủi ro tăng mạnh

TRẤN KIÊN
TRẤN KIÊN

TTO - Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của ngân hàng BIDV do Ernst&Young thực hiện kiểm toán cho thấy sự chênh lệch tăng thêm của nợ xấu và ngân hàng này cũng gia tăng các khoản trích lập dự phòng rủi ro trong năm.

Ngân hàng BIDV: nợ xấu sau kiểm toán tăng 2.100 tỉ đồng, dự phòng rủi ro tăng mạnh - Ảnh 1.

Chốt giao dịch tuần vừa qua, cổ phiếu BID của BIDV giao dịch ở mức giá 35.050 đồng/cổ phiếu - Ảnh: TRẤN KIÊN

Cụ thể, tổng nợ xấu của BIDV (mã chứng khoán: BID) sau kiểm toán là trên 18.802 tỉ đồng (chiếm 1,9%), chênh lệch hơn 2.100 tỉ đồng so với con số gần 16.700 tỉ đồng (chiếm 1,69%) ghi trên báo cáo tài chính hợp nhất chưa kiểm toán.

BIDV còn có 676 tỉ đồng nợ có khả năng mất vốn đối với danh mục chứng khoán đầu tư, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ 2017.

Năm 2018 cũng chứng kiến ngân hàng này dành khoảng 18.900 tỉ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng mạnh hơn 4.000 tỉ đồng so với năm ngoái, làm lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm từ 28.366 tỉ đồng xuống còn 9.472 tỉ đồng.

Tổng số dư trích lập dự phòng rủi ro tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác của BIDV năm 2018 là gần 110 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với con số năm 2017.

Kiểm toán cho biết BIDV đang nắm giữ hơn 14.137 tỉ đồng trái phiếu đặt biệt do Công ty Quản lý tài sản VAMC thuộc Ngân hàng Nhà nước phát hành, tuy nhiên đã trích lập dự phòng được hơn 7.676 tỉ đồng.

Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành là giấy tờ có giá có thời hạn để mua nợ xấu ngân hàng. Trái phiếu đặc biệt tại ngày 31-12-2018 và 31-12-2017 của BIDV nắm giữ có kỳ hạn 5 năm và không hưởng lãi suất.

Kiểm toán cũng cho thấy BIDV giảm một nửa giá trị phát hành giấy tờ có giá bao gồm chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, trái phiếu trong năm 2018, chỉ còn gần 40.000 tỉ đồng.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất kiểm toán năm 2018 của BIDV, ngân hàng này vẫn có xu hướng sụt giảm tài sản hoạt động hơn 1.000 tỉ đồng.

Mặc dù các khoản kinh doanh chứng khoán, công cụ tài chính phái sinh, các khoản tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác tăng mạnh so với năm 2017 nhưng BIDV cũng phải tăng thêm 10.000 tỉ đồng dự phòng bù đắp tổn thất các khoản tín dụng, chứng khoán, đầu tư dài hạn...

TRẤN KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên