Ông Trần Văn Truyền - nguyên tổng Thanh tra Chính phủ - đã trả lại căn nhà 105 Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho Nhà nước - Ảnh: D.N.Hà |
Chúng tôi giới thiệu hai ý kiến đề cập đến các giải pháp để hạn chế những chuyện “lùm xùm” nhà cao cửa rộng của quan chức.
Giám sát bảng kê khai tài sản: làm cho đúng quy định
Gần đây, sau vụ biệt thự liên quan tới nguyên tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền ở Bến Tre, đã có thêm nhiều chuyện liên quan đến cán bộ có biệt thự lớn.
Như chuyện gia đình nguyên phó chủ tịch Vĩnh Phúc Hà Hòa Bình lấn chiếm hàng trăm mét vuông đất công để xây dựng biệt thự hoành tráng, chuyện biệt thự xây trái phép của gia đình nguyên giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam Phan Như Thạch...
Dư luận băn khoăn không biết những vị này lấy đâu ra tiền để xây biệt thự “khủng” như vậy và không rõ trong các bảng kê khai tài sản của những ông này có thể hiện đầy đủ tài sản của mình và những kê khai này đã được xác minh ra sao?
Băn khoăn của dư luận là có cơ sở, vì trước đây những bảng kê khai tài sản là một thành tố của hồ sơ cán bộ, thuộc về tài liệu mật, không được công khai cho nhiều người biết.
Người dân chỉ biết thông tin về những bảng kê khai này từ báo cáo của Thanh tra Chính phủ: tổng hợp kết quả minh bạch tài sản, thu nhập năm 2013 cho thấy có gần 1 triệu người đã kê khai tài sản, thu nhập, trong đó chỉ có năm trường hợp phải xác minh và trong năm người được xác minh thì chỉ có một người bị xử lý kỷ luật vì kê khai không trung thực.
Tuy nhiên, Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi năm 2012 và nghị định 78/2013/NĐ-CP (ngày 17-7-2013) quy định về kê khai tài sản đã có những thay đổi.
Có hai điểm mới, gồm công khai bảng kê khai và trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, thể hiện ở chỗ: Thứ nhất, bảng kê khai nay không còn là tài liệu mật, đương nhiên không còn là thành tố của hồ sơ cán bộ.
Thứ hai, từ nay trở đi cán bộ, công chức, những người thuộc diện kê khai phải giải thích nguồn gốc tài sản tăng thêm, không còn chuyện muốn kê khai bao nhiêu thì khai mà phải giải trình.
Cũng theo nghị định 78/2013, bảng kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức phải niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc công bố tại cuộc họp vào thời điểm sau tổng kết hằng năm. Vị trí niêm yết phải đảm bảo để mọi người trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể xem các bảng kê khai, thời gian niêm yết tối thiểu là 30 ngày liên tục.
Trước khi công khai, bảng kê khai phải được bộ phận phụ trách công tác tổ chức cán bộ hoàn thành việc kiểm tra. Tài sản phải kê khai bao gồm tất cả nhà, đất, kim loại quý, cổ phiếu, tiền cho vay, tiền gửi có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên... ở trong nước cũng như ngoài nước.
Với những quy định đã rõ ràng như vậy, thiết nghĩ nếu thực hiện nghiêm túc việc công khai bảng kê khai tài sản cá nhân và giải trình về tài sản tăng thêm thì sẽ dễ dàng phát hiện được những trường hợp kê khai không trung thực, tài sản phát sinh thêm không có nguồn gốc rõ ràng.
Các cơ quan làm công tác phát hiện tham nhũng như kiểm toán, thanh tra, kiểm tra đảng, cơ quan điều tra... sẽ khai thác bảng kê khai tài sản của cán bộ, công chức để phục vụ việc phát hiện tham nhũng. Từ đó, chắc chắn sẽ hạn chế những chuyện “lùm xùm” nhà cao cửa rộng của quan chức.
Đừng thêm nhà cho người đã có nhà
Tôi nhớ sau năm 1975, thế hệ chúng tôi nhiều người “mê” cuốn Hình thành niềm tin cộng sản cho thế hệ trẻ của nhà sư phạm nổi tiếng V.O. Sukhomlynsky. Trong đó tôi tâm đắc một ý rất hay: người cộng sản là người khi đứng trước đống của cải vật chất khổng lồ của xã hội thì họ cũng chỉ nhận những thứ thật cần thiết cho cuộc sống đơn giản của mình.
Vì lẽ đó, tôi khá bất ngờ khi nghe câu chuyện Hà Nội lo nhà cho ông Hoàng Văn Nghiên - nguyên chủ tịch UBND Hà Nội - khi ông trả lại biệt thự thuê, với lý lẽ: từ trước đến nay ông Nghiên chưa được mua nhà nào của Nhà nước, còn việc có biệt thự ở chỗ này chỗ kia là do mua do bán bằng tiền cá nhân, vì vậy thành phố có trách nhiệm giải quyết chế độ chính sách nhà, đất với ông Nghiên.
Theo lý lẽ này, có thể hiểu rằng dù ông Nghiên đã có nhà ở, nhưng do ông chưa được mua nhà nhà nước theo tiêu chuẩn vị trí công tác của ông ấy trước đây, TP Hà Nội phải có trách nhiệm bán cho ông ấy lô đất để tự xây nhà và điều đó là đúng chính sách.
Theo tôi, mục tiêu cao nhất của chính sách nhà đất là nhằm tạo điều kiện cho tất cả người dân, trong đó có cán bộ công chức, gặp khó khăn về nhà ở có một chỗ để họ và gia đình an cư, chứ không phải để có thêm nhà.
Trong khi trên đất nước ta và ngay tại thủ đô Hà Nội còn rất nhiều người là công nhân viên chức, người có công với nước... chưa có nhà ở, phải chịu cảnh ở nhà thuê tạm bợ, thì nên chăng việc TP Hà Nội bán cho người đang có chức vụ (hay từng giữ chức vụ cỡ bộ trưởng) một suất đất để làm nhà khi họ đã có nhà, thậm chí đã có nhiều nhà?
Tôi cho rằng nếu cứ làm như thế thì sẽ dẫn đến tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần không ra”, góp phần tạo thêm tình trạng bất bình đẳng trong xã hội vì đó thực chất là một hình thức đặc quyền đặc lợi.
Như vậy, ở đây có vấn đề về chính sách cần phải xem lại theo tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đối tượng chính sách chưa có nhà sớm được có nhà, chấm dứt tình trạng có nhà rồi mà vẫn được tạo điều kiện để có thêm nhà.
Và trong khi chờ cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh chính sách cho thấu tình đạt lý, có lẽ nên nhắc lại thông điệp của nhà giáo dục cộng sản lỗi lạc V.O. Sukhomlynsky như nói trên để chúng ta và người trong cuộc cùng suy ngẫm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận