Virút H7N9 đã lan đến Bắc KinhSố người chết do cúm H7N9 tại Trung Quốc tiếp tục tăngBệnh nhân đầu tiên được chữa khỏi cúm H7N9Trung Quốc sản xuất văcxin chống virút H7N9
Các báo cáo tại hội nghị cho thấy nếu không nỗ lực, rất có thể dịch sẽ bùng phát tại VN.
Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao đổi với ông Takeshi Kasai (trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại VN, bìa trái) và ông Scott Newman, điều phối viên kỹ thuật cao cấp của Tổ chức Nông lương thế giới tại VN, bên lề hội nghị - Ảnh: Việt Dũng |
Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao đổi với báo chí - Ảnh: Việt Dũng |
Phóng to |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trao đổi với báo chí - Ảnh: Việt Dũng |
Phát hiện cúm H5N1 trên chim yến, chim trĩ
Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Đông mang đến hội nghị nhiều thông tin đáng lo ngại, về tình hình dịch cúm trên gia cầm và chim nuôi. Theo đó, 3 tháng đầu 2013, ngoài 15 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 15 xã thuộc 4 tỉnh, lần đầu tiên đã phát hiện virút cúm gia cầm trên chim yến nuôi tại Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) và chim trĩ nuôi tại Châu Thành, Tiền Giang.
Chưa hết, qua khảo sát trên 425 chợ gia cầm sống, tại 30 tỉnh thành năm 2012, có đến 29/30 tỉnh phát hiện virút cúm A trên gia cầm và 20/30 tỉnh có virút H5N1 trên gia cầm.
Đặc biệt, Cục Thú y phát hiện 2 mẫu vịt dương tính với virút cúm A type H7 tại An Giang, Đồng Tháp và 6 mẫu virút H7 khác tại Cần Thơ và Hậu Giang. Tuy nhiên theo ông Đông, phân tích gen cho thấy chưa có mẫu virút nào của VN giống với virút H7N9 đang gây bệnh tại Trung Quốc hiện nay.
Ngoài VN, ông Đông cho hay một số chủng cúm gia cầm như H7N1 đã được phát hiện tại Nam Phi, H7N7 phát hiện tại Úc, H7N3 tại Mexico, H5N2 tại Đài Loan và đặc biệt là H7N9 đã phát hiện được trên chim hoang dã ở Hàn Quốc và Mông Cổ.
Trong khi đó, báo cáo của Sở Y tế Quảng Ninh cho hay mặc dù lượng gia cầm nhập lậu đã giảm so với cùng kỳ 2012, nhưng lại nổi lên tình trạng nhập lậu giống gia cầm, đặc biệt là vịt giống, do giá vịt giống lậu rẻ chỉ 2.000-2.500 đồng/con, trong khi trong nội địa là 8.000 đồng/con.
Ông Vương Tiến Dũng, phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết vừa qua quản lý thị trường đã phát hiện những kho chứa thịt và phụ phẩm gia cầm đã chế biến nhập lậu chứa tới 20 tấn hàng. Các đầu nậu đã chủ động chế biến gia cầm thải loại trước khi đưa vào VN, do chưa được kiểm dịch, nguy cơ lây nhiễm bệnh từ số hàng hóa này rất lớn.
Trao đổi với báo giới bên lề hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thừa nhận khả năng ngăn ngừa dịch cúm H5N1 trên chim yến nuôi là khó khăn, do đây là chim nuôi nhưng lại nuôi thả, nên có thể mang virút di chuyển từ đàn này tới đàn khác, trong khi không thể tiêm văcxin ngừa H5N1 cho chim yến.
Bộ trưởng Phát cho biết tương tự virút cúm H5N1 trên gia cầm, virút H5N1 trên chim yến có thể lây nhiễm sang người nếu việc chăn nuôi chim và xử lý ổ dịch không bảo đảm an toàn. Ông Phát khuyến cáo việc xử lý ổ dịch ở chim yến phải bao gồm cả xử lý chuồng trại, sản phẩm từ chim yến và chất thải của việc chăn nuôi chim yến. Đồng thời cho biết đây là vấn đề mới phát sinh, nên sẽ sớm có hướng dẫn để người dân có thể lựa chọn được tổ yến an toàn.
Ngăn dịch từ biên giới
Chiều cùng ngày, một cuộc họp khẩn đã được tổ chức nhằm phối hợp ngăn chặn dịch giữa Hà Nội và 7 tỉnh biên giới phía Bắc gồm Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh.
Theo giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, một ngày có khoảng 15.000 khách quốc tế nhập cảnh Hà Nội, trong đó có 2.000 khách từ Trung Quốc. Mỗi ngày Hà Nội cũng tiêu thụ tới 800 tấn thịt gia súc gia cầm nhưng chỉ tự túc được 60% trong số này, còn lại mua từ các tỉnh bạn. Do đó, nên có một đường dây nóng kết nối giữa các địa phương trong vùng để chia sẻ thông tin về ngăn chặn gia cầm lậu cũng như việc phòng chống dịch cúm H7N9 mới nổi.
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng cho hay số mắc cúm H7N9 tại Trung Quốc đã tăng lên 44 người, trong đó có 10 trường hợp tử vong và dịch đã xuất hiện thêm tại Bắc Kinh, nâng số tỉnh có bệnh nhân H7N9 ở nước này lên 5 tỉnh thành.
Trung Quốc cũng đang theo dõi chặt chẽ sức khỏe của 760 người có tiếp xúc gần với bệnh nhân nhưng chưa phát hiện người mắc bệnh, đồng nghĩa chưa phát hiện bệnh lây từ người sang người. Nhưng hiện tượng dịch tăng hằng ngày cả về số mắc và số địa phương có người mắc khiến toàn thế giới đang rất lo ngại dịch cúm này.
Phát biểu tại hội nghị với 33 tỉnh thành có biên giới sáng 13-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị các địa phương nỗ lực cùng Bộ Y tế, Bộ NN &PTNT, các bộ ngành liên quan để ngăn chặn không để H7N9 xâm nhập vào VN. So với các vụ dịch SARS, H5N1, H1N1 đại dịch trước đó, công tác chuẩn bị chống cúm H7N9 đã tỏ ra nhanh chóng và hiệu quả hơn, nhưng khi cúm H7N9 chưa vào VN, vừa có một trường hợp tử vong do cúm H5N1 tại tỉnh Đồng Tháp.
Nỗ lực lo “nước xa” nhưng cũng không nên quên “lửa gần”. Ngày 15-4, Bộ Y tế sẽ có đợt kiểm tra việc ngăn chặn gà lậu ở tỉnh Bắc Giang, và Bộ NN&PTNT sẽ tập trung lấy mẫu giám sát 60 chợ gia cầm trọng điểm để phát hiện sớm cúm H5N1 và H7N9. Các tổ chức thú y thế giới cũng đã khuyến cáo trong trường hợp cần thiết, VN nên tiêm ngừa virút cúm H7 cho gia cầm, và theo Bộ trưởng Phát thì trong trường hợp cần thiết, VN sẽ thực hiện khuyến cáo này.
Trao đổi với báo giới, đại diện tỉnh Hà Giang cho biết cũng đã có kế hoạch chống dịch rất cụ thể, và Hà Giang đã vào cuộc thì chứng tỏ các tỉnh thành đều đang rất nỗ lực, không lo “trên sôi, dưới lạnh” như lo lắng của Bộ trưởng Phát.
Tất cả là để chặn dịch vào VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận