31/07/2021 09:07 GMT+7

Nga, Trung Quốc tập trận ở Ninh Hạ

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Hơn 10.000 binh sĩ cùng nhiều khí tài quân sự sẽ tham gia tập trận chung Zapad/Interaction-2021 vào đầu tháng 8 này.

Nga, Trung Quốc tập trận ở Ninh Hạ - Ảnh 1.

Binh sĩ Nga và Trung Quốc ôm nhau trong cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên năm 2016 - Ảnh: TÂN HOA XÃ

Động thái đánh dấu sự xích lại ngày một gần giữa Nga và Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước này với phương Tây ngày một tăng cao.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga và Trung Quốc, tập trận Zapad/Interaction-2021 sẽ diễn ra tại căn cứ huấn luyện chiến thuật liên hợp Thanh Đồng Hạp thuộc khu tự trị Ninh Hạ của Trung Quốc.

Đây là cuộc tập trận có quân đội nước ngoài đầu tiên diễn ra trên lãnh thổ Trung Quốc sau khi dịch COVID-19 bùng phát.

"Cùng bảo vệ an ninh khu vực"

Việc Trung Quốc đặt tên cho cuộc tập trận chung với Nga là chỉ dấu cho thấy đây có thể là một hoạt động quân sự diễn ra theo tần suất cố định. 

Thông báo tập trận được đưa ra ngày 29-7, chỉ một ngày sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu.

Ông Shoigu, người tiết lộ đã "tìm thấy các hình thức hợp tác mới với Trung Quốc" sau cuộc gặp, dự kiến xuất hiện trong cuộc tập trận tại Ninh Hạ.

"Mục đích của cuộc tập trận này là củng cố và phát triển quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Nga. 

Sự kiện sẽ thể hiện rõ hơn quyết tâm và khả năng của cả hai bên trong việc chống lại các lực lượng khủng bố, cùng nhau duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực" - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nhấn mạnh ngày 29-7.

Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời "một chuyên gia quân sự không nêu tên" khẳng định Zapad/Interaction-2021 là cuộc tập trận quân sự "tiên tiến nhất thế giới". 

Tờ báo của chính quyền Bắc Kinh kế đó nhấn mạnh cuộc tập trận nhằm ứng phó nguy cơ mất ổn định và an ninh tại Trung Á do "sự rút quân vô trách nhiệm của Mỹ", tức việc Washington rút khỏi Afghanistan.

Một số chỉ dấu gần đây cho thấy việc Mỹ rời khỏi Afghanistan vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho Nga và Trung Quốc.

Thông điệp đến Mỹ

Mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc cùng những lời có cánh lãnh đạo hai bên dành cho nhau làm dấy lên suy đoán hai nước có thể tiến tới việc thiết lập liên minh quân sự.

Tuy nhiên, truyền thông và quan chức Nga, Trung Quốc đã bác bỏ các suy đoán này, nhấn mạnh hai nước không cần thiết lập liên minh quân sự bởi quan hệ Nga - Trung đang mạnh mẽ hơn bất kỳ hình thức liên minh truyền thống nào, như phát biểu của đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov nêu cuối năm ngoái.

Thực tế đã cho thấy đúng như vậy. Trung Quốc và Nga tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên vào năm 2003 và đã tiến hành hơn 30 cuộc kể từ đó. 

"Trong thời gian đó, tần suất, mức độ phức tạp và phạm vi địa lý của các cuộc tập trận đã tăng đều đặn, phản ánh sự phát triển trong quan hệ quốc phòng song phương" - nhà nghiên cứu Alec Blivas lưu ý trên tạp chí Proceedings chuyên về các vấn đề an ninh toàn cầu số ra tháng 6-2021.

Theo ông Blivas, các cuộc tập trận chung đóng vai trò quan trọng nhất trong quan hệ quốc phòng Nga - Trung và chính Bộ trưởng Nga Shoigu cũng đã khẳng định điều này vào năm 2015.

Các cuộc tập trận chung, bao gồm Zapad/Interaction-2021, không chỉ đơn thuần nhằm cải thiện năng lực và khả năng phối hợp giữa Nga - Trung. 

Trong bài viết gửi cho Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), học giả Richard Weitz nhận định việc tham gia các cuộc tập trận với Nga đặc biệt hữu ích cho Trung Quốc do Matxcơva có nhiều kinh nghiệm trận mạc hơn trong 30 năm qua. Theo ông Weitz, miễn là quan hệ Nga - Trung "còn lành mạnh" và cả hai nước đều căng thẳng với Mỹ, các cuộc tập trận chung sẽ còn được tổ chức.

Bài toán Afghanistan không dễ giải

"Thông điệp đầu tiên mà hai cường quốc gửi đến phương Tây, nhất là Mỹ, là bất chấp thách thức của đại dịch, Trung Quốc và Nga vẫn cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Thứ hai, Bắc Kinh và Matxcơva muốn định hình một nhận thức cho các quốc gia trong khu vực rằng Mỹ có thể từ bỏ các cam kết an ninh (rút quân khỏi Afghanistan - PV) nhưng Trung Quốc và Nga thì không" - TS Huỳnh Tâm Sáng, nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) tại TP.HCM, nhận định với Tuổi Trẻ.

Chuyên gia Tâm Sáng cho biết ngoài Mỹ và phương Tây, cuộc tập trận lần này còn gửi thông điệp đến Afghanistan, quốc gia hiện là quan sát viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Khi vị trí chiến lược của Afghanistan trong nhận thức của Mỹ và phương Tây suy giảm, gia tăng ảnh hưởng và thể hiện cam kết với Kabul có thể là chiến lược mà Bắc Kinh và Matxcơva sẽ hướng đến trong bối cảnh hậu Mỹ.

TS Sáng bình luận Afghanistan chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng cho các cường quốc, kể cả Nga và Trung Quốc.

Cơ bản là bởi địa chính trị khu vực không chỉ phụ thuộc vào ý chí chính trị của các bên, mà còn phức tạp bởi các vấn đề chính trị, như tham vọng của Taliban, sự yếu kém của quân đội và cảnh sát Afghanistan, sự trỗi dậy của các phe phái và sự liên kết ngầm của các thế lực gây ảnh hưởng trong khu vực.

"Phép thử cho khả năng đồng thuận Nga - Trung tại khu vực sẽ sớm được chứng thực và tập trận Trung - Nga vào tháng 8 có thể là chỉ dấu đầu tiên" - ông Sáng nói.

Đàm phán vũ khí hạt nhân với Nga, Mỹ đòi có thêm Trung Quốc Đàm phán vũ khí hạt nhân với Nga, Mỹ đòi có thêm Trung Quốc

TTO - Các quan chức Nga cho rằng nếu Trung Quốc tham gia đàm phán hạt nhân, Anh và Pháp - hai đồng minh của Mỹ sở hữu hạt nhân - cũng cần phải góp mặt, tuy nhiên khả năng Bắc Kinh tự nguyện bị ràng buộc gần như bằng 0.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên