17/11/2015 19:49 GMT+7

Nga cũng dội bom và bắn tên lửa vào “thủ đô” IS

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Ngày 17-11, chính phủ Mỹ xác nhận không quân Nga vừa thực hiện hàng loạt cuộc không kích dữ dội vào thành phố Raqa, “thủ đô” của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria.

Máy bay Pháp cất cánh không kích Raqa - Ảnh: Reuters

Theo AFP, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết máy bay ném bom tầm xa của Nga đã thả nhiều quả bom xuống các vị trí của IS ở Raqa. Ngoài ra, tàu chiến của Nga cũng đã bắn một số quả tên lửa hành trình xuống Raqa.

Nga đã thông báo trước về cuộc không kích này cho phía Mỹ theo thỏa thuận về các quy định an toàn hàng không giữa hai nước. Trước đó, khi xác nhận máy bay Airbus A321 của Nga bị đánh bom trên bầu trời bán đảo Sinai (Ai Cập), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho biết sẽ tăng cường chiến dịch không kích khủng bố ở Syria.

“Hoạt động của không quân Nga không chỉ tiếp tục mà phải được tăng cường một cách mạnh mẽ để bọn tội phạm hiểu rằng sự báo thù là điều không thể tránh khỏi” - ông Putin cứng rắn tuyên bố. Một quan chức an ninh Pháp nhận định Nga dội bom vào Raqa bởi hiểu rằng IS là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng sau vụ đánh bom máy bay và vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris.

Hôm 17-11, không quân Pháp cũng không kích Raqa lần thứ hai. Trong cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đề nghị các nước EU hỗ trợ chiến dịch quân sự của Pháp chống IS tại Syria và Iraq.

Liên quan đến cuộc điều tra vụ khủng bố ở Paris, nguồn tin điều tra cho biết trước đây tình báo phương Tây từng truy lùng Abdelhamid Abaaoud, công dân Bỉ 29 tuổi, kẻ bị tình nghi là chủ mưu lên kế hoạch tấn công Paris.

Abaaoud cũng dính líu tới hàng loạt âm mưu tấn công khủng bố ở châu Âu thời gian qua. Hắn được đánh giá là nhân vật thân cận với thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi. Tính đến sáng nay (giờ Pháp), cảnh sát Pháp đã thực hiện 128 cuộc bố ráp ở nhiều tỉnh thành và bắt giữ hơn 20 nghi can cực đoan.

Cảnh sát cũng tìm thấy chiếc xe thứ ba mà bọn khủng bố sử dụng trong cuộc tấn công Paris. Nghi can Salah Abdeslam, 26 tuổi, vẫn đang lẩn trốn sau khi thoát sang Bỉ.

Tại sao Bỉ trở thành “điểm nóng khủng bố” châu Âu?

Trong khi đó, Reuters cho biết tại Bỉ nhà chức trách tìm thấy nhiều đạn dược và hóa chất chế tạo bom trong nhà của hai nghi can bị bắt giữ ở Brussels. Trước đó tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định bọn khủng bố đã lập kế hoạch tắm máu Paris tại Bỉ. Vì sao một quốc gia nhỏ bé như Bỉ lại trở thành “tâm chấn” của khủng bố ở châu Âu?

Cảnh sát Bỉ bảo vệ an ninh ở thủ đô Brussels - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, nhà chức trách Pháp cho biết ít nhất ba kẻ tham gia vụ tấn công khủng bố Paris từng sinh sống tại quận Molenbeek ở Brussels.

Trước đó, Molenbeek, chỉ cách trung tâm thủ đô Bỉ khoảng 30 phút đi tàu điện, từng được mệnh danh là “thủ đô thánh chiến Hồi giáo của châu Âu” và “hang ổ cực đoan”. “Chúng tôi không nắm được tình hình tại Molenbeek” - Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon thừa nhận.

Bỉ là quốc gia chỉ có 11 triệu dân, nhưng đến nay ước tính đã có tới 500 công dân Bỉ tới Syria và Iraq để gia nhập nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), cao nhất tại châu Âu tính theo bình quân đầu người. Trong đó khoảng 100 người đến từ thủ đô Brussels, phần lớn là từ quận Molenbeek.

Ước tính người Hồi giáo chiếm khoảng 6% dân số Bỉ. Tuy nhiên con số này ở thủ đô Brussels là 25% và tại Molenbeek là 40%. Trong một số khu dân cư ở Molenbeek, tỉ lệ người Hồi giáo lên đến 80%. Và tỉ lệ thất nghiệp tại Molenbeek là 30%, cao gấp ba lần con số trung bình trên toàn quốc.

Các chuyên gia xã hội cho rằng từ nhiều thập niên qua, Chính phủ Bỉ chưa bao giờ thành công trong việc giúp cộng đồng người Hồi giáo hòa nhập với xã hội.

Khảo sát cho thấy rất nhiều người nhập cư gốc Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ cùng con cái họ phải sống trong cảnh nghèo nàn, thất nghiệp. Do đó nhiều người chán đời, phẫn chí, dễ bị khủng bố dụ dỗ. Nhiều cộng đồng Hồi giáo cũng bất mãn với các chính sách phân biệt đối xử với đạo Hồi, ví dụ như lệnh cấm phụ nữ Hồi giáo đeo mạng che mặt ở Antwerp năm 2009 và trên toàn quốc năm 2011.

Tạp chí Der Spiegel dẫn lời nhà báo Mehmet Koksal ở Brussels, người chuyên theo dõi các vụ tấn công khủng bố, cho biết phần lớn người Hồi giáo tại Molenbeek là ôn hòa, nhưng tại đây có một số nhóm cực đoan có quan hệ với khủng bố thường xuyên hoạt động. Các nhóm cực đoan này tìm cách chiêu dụ thanh niên trong khu Molenbeek.

Mới đây cảnh sát Bỉ cho biết đã chặn được một vụ tấn công khủng bố được lên kế hoạch ở khu Molenbeek. Tháng 8-2014, một người Pháp gốc Algeria từng sống ở Molenbeek bắn chết bốn người ở Bảo tàng Do Thái tại Brussels. Hung thủ Amedy Coulibaly, kẻ tấn công siêu thị Do Thái tại Paris, cũng mua vũ khí ở thủ đô Bỉ. 

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên