14/03/2016 11:56 GMT+7

​Nga - châu Âu bắt đầu tìm kiếm sự sống sao Hỏa

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - 16g31 chiều 14-3, từ bãi phóng Baikonur, Kazakhstan, tên lửa Proton-M của Nga phóng hai thiết bị thăm dò tự động lên sao Hỏa, đánh dấu giai đoạn một của sứ mệnh ExoMars hợp tác giữa Nga và châu Âu.

Đồ họa mô phỏng vệ tinh Trace Gas Orbiter (EAS)
Đồ họa mô phỏng vệ tinh Trace Gas Orbiter (EAS)

Theo hãng thông tấn TASS, nhiệm vụ lần này của ExoMars là đưa vệ tinh thăm dò khí quyển Trace Gas Orbiter (TGO) và thiết bị thăm dò mặt đất Schiaparelli EDM Lander đến sao Hỏa. Theo kế hoạch, chúng sẽ có mặt tại hành tinh đỏ sau chuyến hành trình dài 7 tháng.

Schiaparelli sẽ tách khỏi TGO vào ngày 16-10-2016 và đáp xuống bề mặt sao Hỏa sau ba ngày.

Riêng TGO sẽ mất một thời gian để đi vào quỹ đạo sao Hỏa và bắt đầu hoạt động thăm dò khí quyển từ giữa năm 2017. Nó sẽ hoạt động liên tục đến cuối năm 2022.

Viện sĩ Viện Nghiên cứu vũ trụ Nga Danyil Rodionov cho biết ExoMars là sứ mệnh đầu tiên tập trung vào việc tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa thay vì sự hiện diện của nước như các nhiệm vụ trước đây. Cụ thể hơn, TGO sẽ tìm kiếm dấu vết khí metan trong bầu khí quyển sao Hỏa.

“Trên trái đất, sự hiện diện của một lượng lớn khí metan trong khí quyển là dấu hiệu tồn tại của sự sống. Trên sao Hỏa tình huống có thể phức tạp hơn, metan có thể xuất phát từ hoạt động núi lửa hoặc có nguồn gốc sinh học”, ông Rodionov giải thích.

Hiện con người chưa phát hiện được dấu hiệu sự sống trên hành tinh đỏ, tuy nhiên cũng không phát hiện ra hoạt động núi lửa nào. Trong điều kiện này khí metan đáng lẽ không tồn tại, tuy nhiên các thiết bị của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) từng phát hiện dấu tích của loại khí này trong khí quyển sao Hỏa.

Điều kỳ lạ là các nhà khoa học chỉ ghi nhận sự hiện diện của metan trong một thời gian ngắn trước khi nó biến mất, trong khi thời gian tồn tại của metan lên đến 300-600 năm. Chưa ai giải thích được hiện tượng này và cũng chính vì thế các nhà nghiên cứu không dám chắc metan có tồn tại trên sao Hỏa hay không.

Thiết bị TGO của sứ mệnh ExoMars được thiết kế đặc biệt để tìm hiểu vấn đề này. Riêng Schiaparelli (nặng 600kg), nhiệm vụ chính của nó là thử nghiệm kỹ thuật tiếp đất cho một thiết bị thăm dò mặt đất lớn hơn (1,8 tấn) sẽ được phóng lên sao Hỏa vào năm 2018. Nó chỉ được trang một một số dụng cụ đo lường thời tiết, không khí và pin đủ hoạt động trong 2-5 ngày.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên