Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth được lai dắt ra khỏi cảng chuẩn bị chuyến đi biển thử nghiệm ngày 26-6 - Ảnh: Reuters |
Cuộc khẩu chiến kì lạ này diễn ra sau khi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh được hạ thủy và bắt đầu chuyến đi biển đầu tiên hôm 26-6.
Trong bài viết sau đó trên Telegraph, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho rằng người Nga sẽ "ganh tị" khi thấy tàu sân bay mới của Anh trên biển và sẽ tiến hành do thám, thu thập thông tin của con tàu.
"Chúng ta sẽ không cho họ tới quá gần, nhưng tôi nghi họ sẽ ngưỡng mộ khi thấy con tàu lắm", ông Fallon viết.
Hải quân Anh sẽ cử ít nhất một khinh hạm hoặc khu trục hạm cùng các trực thăng săn ngầm để "trông chừng" tàu ngầm Nga do thám, vị này cho biết thêm.
Đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu Bộ Quốc phòng Anh chế giễu tàu sân bay của Nga.
Hồi tháng 10, khi tàu sân bay Kuznetsov đi qua eo biển Manche để đến Syria, ông Fallon đã gọi con tàu là một sự hổ thẹn, "chỉ kéo dài thêm sự đau khổ của dân thường Syria".
Hình ảnh tàu sân bay chạy trên biển với ống khói xả đầy khói đen khi đó đã thu hút sự chú ý của truyền thông và cư dân mạng Anh.
Tàu sân bay Nga Đô đốc Kuznetsov - Ảnh: Reuters |
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov ngày 29-6 gọi "những tuyên bố khen ngợi lố lăng" của ông Fallon về HMS Queen Elizabeth "chỉ cho thấy sự thiếu hiểu biết về khoa học hải quân".
"Không giống như tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov được trang bị hệ thống phòng không, chống ngầm và quan trọng hơn là tên lửa chống hạm Granit, tàu sân bay của Anh chỉ là mục tiêu to xác dễ bắn trên biển", ông Konashenkov châm chọc.
Đại diện Bộ Quốc phòng Nga còn so sánh tàu sân bay của Anh giống như "một con ong chúa", không có khả năng tự bảo vệ mà phải nhờ hạm đội tàu chiến hùng hậu hộ tống, theo RT.
Thực tế những chỉ trích giữa Anh và Nga xuất phát từ sự khác biệt về nền tảng học thuyết hải quân giữa hai nước. Tàu sân bay Kuznetsov là tiêu biểu cho tư duy tàu chiến của Liên Xô và Nga, được vũ trang mạnh và có thể tự bảo vệ trước các đợt tấn công.
Trong khi đó, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là đại diện điển hình cho mô hình tác chiến tàu sân bay theo kiểu Mỹ, với khả năng phòng thủ hạn chế nhưng được bảo vệ bởi nhiều lớp tàu chiến chuyên biệt.
"Đô đốc Kuznetsov" là tàu sân bay duy nhất của Nga tính đến thời điểm hiện tại, được chế tạo từ thời Liên Xô và gia nhập hải quân năm 1991. Con tàu được xem là chị em với tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Tàu Kuznetsov có lượng giãn nước tối đa hơn 61.000 tấn, có thể mang được tối đa 41 máy bay các loại (cả trên boong và trong khoang chứa). Trong suốt nhiều năm, những vấn đề về động cơ khiến Tàu sân bay Kuznetsov luôn phải có ít nhất 1 tàu kéo đi cùng hỗ trợ. Khác với các tàu sân bay của Mỹ (lớp Nimitz và lớp Gerald R. Ford) hay của Pháp (Charles de Gaulle), HMS Queen Elizabeth không sử dụng động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân mà sử dụng động cơ diesel. Tàu sân bay của Anh cũng không được trang bị các máy phóng máy bay bằng điện từ; mặt boong của HMS Queen Elizabeth được vát cong lên ở đầu tàu để tạo lực cho máy bay cất cánh, giống như các tàu sân bay của Nga và Trung Quốc. Đó là lý do vì sao tướng Konashenkov châm chọc, nói HMS Queen Elizabeth có "bà con xa". |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận