Ngay trước chuyến thăm lần thứ ba của mình tới nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tôi muốn sử dụng cơ hội có thể trực tiếp giao tiếp với công luận Việt Nam để chia sẻ một số ý kiến về sự phát triển mối quan hệ giữa hai nước chúng ta trong tương lai.
Tình hữu nghị giữa Nga và Việt Nam đã vững vàng vượt qua được những thử thách nảy sinh từ nhiều sự kiện bi thương của thế kỷ 20 cũng như những biến đổi kỳ vĩ trên thế giới và ở hai đất nước chúng ta. Song có một điều còn mãi không bao giờ thay đổi, đó là quan hệ tôn trọng lẫn nhau, là truyền thống tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau. Là biết trân trọng sự giúp đỡ vô tư không hề vụ lợi của các đối tác không khi nào phản bội.
Chúng tôi thật lòng vui mừng trước những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được trên con đường tiến hành công cuộc đổi mới quan trọng về kinh tế và xã hội. Nước Nga chúng tôi cũng đang thực hiện những nhiệm vụ quốc gia quy mô lớn. Chúng tôi coi việc tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập - ở quy mô toàn cầu cũng như cấp độ khu vực, là nguồn lực phát triển hùng hậu. Chúng tôi coi trọng sự hợp tác với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực mà Việt Nam đang nổi lên là một trong những trung tâm dẫn đầu về tăng trưởng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Hai nước chúng ta kết nối bởi những quan điểm phần nhiều tương đồng nhau về những vấn đề thuộc chương trình nghị sự thế giới. Chúng ta đang cùng nhau tìm kiếm phương thức đối phó với những nguy cơ và thách thức mới. Chúng ta bảo vệ tinh thần thượng tôn pháp luật trong công việc quốc tế, bảo vệ tính chất duy nhất không gì thay thế của những công cụ chính trị - ngoại giao trong giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền của bất kỳ quốc gia nào được tự mình lựa chọn con đường phát triển.
Tất cả những điều đó đang đảm bảo cho mối quan hệ đối tác chiến lược Nga - Việt, mối quan hệ mà chúng ta có đầy đủ cơ sở để gọi là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, có sự phát triển cao. Trong năm vừa qua kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương đã tăng 20% và đạt 3,66 tỉ USD. Kế hoạch chung là đưa con số này đạt 7 tỉ USD ngay vào năm 2015, tiếp đó tới năm 2020 sẽ là 10 tỉ USD.
Vai trò then chốt trong sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Nga và Việt Nam về công nghiệp và đầu tư từ trước đến nay vẫn thuộc về lĩnh vực năng lượng và dầu khí. Ở đây, ngọn cờ đầu của chúng ta là liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã tích lũy được kinh nghiệm độc đáo về công nghệ trong hoạt động khai thác ở khu vực thềm lục địa. Khối lượng khai thác của liên doanh những năm qua đã đạt 206 triệu tấn dầu, tổng lợi nhuận đạt con số hàng chục tỉ USD.
Sự hợp tác của chúng ta trong lĩnh vực năng lượng không chỉ giới hạn ở khai thác dầu khí. Nga đang giúp đỡ xây dựng một ngành công nghiệp hoàn toàn mới mẻ đối với Việt Nam, đó là ngành công nghiệp nguyên tử. Tập đoàn Rosatom sẽ xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam tại tỉnh Ninh Thuận. Theo tiến độ, hai tổ máy năng lượng của nhà máy này dự kiến được khởi động lần lượt vào năm 2023 và 2024. Hai bên cũng đang thảo luận kế hoạch hợp tác xây dựng trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân.
Lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự cũng có những kết quả mới về chất. Ở đây chúng ta không chỉ nói đến những lô hàng xuất khẩu - mà hiện nay ở Việt Nam đang triển khai tổ chức việc sản xuất theo giấy phép đăng ký những mẫu mã trang thiết bị kỹ thuật quân sự tiên tiến với sự tham gia của các công ty Nga.
Nói chung khó có thể tìm được hướng hoạt động nào mà Nga và Việt Nam không phát triển sự hợp tác hiệu quả. Tôi tin tưởng những cuộc hội đàm cấp cao nhất diễn ra ở Hà Nội sẽ có kết quả tốt đẹp như truyền thống từ trước tới nay, và sẽ tạo ra một động lực mới mạnh mẽ cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nhà nước và hai dân tộc chúng ta.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tàu ngầm Hà Nội lên đường về Cam RanhNga đóng hai tàu khu trục mới cho Việt NamNga giao tàu ngầm đầu tiên cho VN vào tháng 11"Trang mới trong lịch sử Hải quân VN: Hạm đội tàu ngầm" Thủ tướng kiểm tra tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên mang tên Hà Nội Thủ tướng kiểm tra tiến độ thử nghiệm tàu ngầm Hà NộiThủ tướng thị sát tàu ngầm lớp Kilo Hà Nội tại NgaTổng thống Nga Putin viết bài về quan hệ Nga - Việt Nam
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận