14/07/2013 05:27 GMT+7

NSƯT Đặng Tất Bình: Không ngán phận làm thuê

HOÀNG LÊ thực hiện
HOÀNG LÊ thực hiện

TT - Quản lý, điều hành Công ty cổ phần Phim truyện 1 không đơn giản, nhưng tổng giám đốc công ty - NSƯT Đặng Tất Bình - lại liên tục chạy sô đạo diễn phim truyền hình.

Có đến ba bộ phim do anh làm đạo diễn đã và đang được phát sóng trong giai đoạn này: Bẫy tình (HTV9), Đến từ giấc mơ (VTV6), Ánh ban mai (VTV9).

jj1H2zTU.jpgPhóng to
Đạo diễn Đặng Tất Bình (trái) chỉ đạo một cảnh quay trong phim Ánh ban mai - Ảnh: S.V.

* Đường đường là giám đốc, anh không ngại bị xếp vào phận làm thuê khi nhận hợp đồng đạo diễn cho các nhà sản xuất?

- Người làm phim đều là người làm thuê! Ông chủ lớn nhất của mọi người là khán giả. Nghĩ được vậy thì đâu có ai ngán ngại gì thân phận làm thuê!

* Là một trong những người khai phá dòng phim “mì ăn liền” vào những năm 1990, đồng thời là người khai phá phim truyền hình trong những năm đầu tiên, với bộ phim rất nổi tiếng là Những người sống bên tôi. Anh cảm nhận phim truyền hình Việt hiện nay ra sao?

- Phim thời “mì ăn liền” và phim truyền hình thời nay có lẽ điểm giống nhau ở chỗ lấy số lượng khán giả tới rạp coi phim làm tiêu chí chính trong khi làm phim; rất quan tâm tới thương hiệu diễn viên, người làm phim; chủ đề phim thiên về dạng phim tình cảm lâm ly éo le...

Cũng có đôi chỗ khác nhau là tốc độ làm phim ngày đó không quay cuồng chóng mặt như bây giờ. Mọi khâu phục vụ cho phim dường như được chăm chút hơn bởi lẽ số lượng phim chưa ở mức khủng như lúc này.

So với thời tôi làm Những người sống bên tôi (1985) thì phim Việt đã có một bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điều phải bàn. Công nghệ làm phim truyền hình của thế giới được cập nhật mới liên tục, trong khi đoàn phim tôi vẫn sử dụng máy quay đã hơn mười năm nay. Câu chuyện phim vẫn quanh quẩn tập trung vào chuyện công ty A đấu công ty B, gia đình A đấu gia đình B... Thiếu chiều sâu vào nội tâm nhân vật, thiếu mối quan hệ giữa con người với con người. Chính vì thế phim nhiều nhưng vẫn nhàn nhạt, không đọng lại sâu trong khán giả. Vì sao Những người sống bên tôi đến nay vẫn được khán giả nhớ, theo tôi, đơn giản chỉ do phim khai thác khá tốt mối quan hệ giữa con người với con người mà thôi.

* Vậy theo anh, giải pháp nào để giờ vàng phim Việt thu hút đông đảo khán giả hơn?

- Tôi nghĩ đã có rất nhiều đồng nghiệp của tôi, rồi báo giới và cả khán giả nữa cũng đã tham gia trả lời câu hỏi này rồi! Trước hết các nhà sản xuất rất cần cẩn trọng trong khâu lựa chọn kịch bản. Cần có những tác giả tâm huyết, có nghề, dám viết dám nói tới những vấn đề quan thiết nhất trong đời sống hôm nay, đừng tránh né, xuê xoa. Sau nữa là chọn êkip làm phim. Chọn mặt gửi vàng mà! Có con người đạt yêu cầu rồi nhưng nếu kinh phí làm phim quá hẻo thì cũng khó nói chuyện! Vì vậy, vấn đề hết sức khúc mắc với nhà sản xuất quanh đi quẩn lại vẫn là tiền! Kinh phí đầu tư quá bèo thì không khi nào nói tới chuyện nâng cao chất lượng được.

* Nghe nói có diễn viên khi làm việc với anh đã chảy nước mắt vì học thoại hoài mà không nhớ. Anh có là người khó tính buộc diễn viên phải thuộc thoại khi quay?

- Khi làm đạo diễn cả phim điện ảnh lẫn truyền hình, quan điểm của tôi là diễn viên phải thuộc thoại. Diễn viên không thuộc thoại thì làm sao diễn xuất. Tôi cũng không quay bằng hai máy như các đoàn phim khác mà chỉ sử dụng một máy giống như phim điện ảnh. Ở phim trường tôi có để một thùng giấy, diễn viên nào không thuộc thoại phải bỏ vào đó một khoản tiền phạt. Sau đó đưa vào công quỹ liên hoan. Kết quả là hầu như chúng tôi chẳng thu được gì. Tôi nhớ diễn viên Thành Được khi quay Vòng xoáy bạc, thẳng thắn nói rằng: “Bố chẳng lấy của con được đồng nào đâu”. Hóa ra từ trước đến nay có ai bắt các diễn viên thuộc thoại đâu mà họ cần học. Quay liền một lúc dăm mười trang, cô hay cậu thư ký cầm kịch bản đọc như một cái máy vô hồn vô cảm để nhắc thoại, lại còn đọc không thông nữa chớ! Thậm chí đôi khi đọc cả lời ghi chú của tác giả, diễn viên cũng cứ vậy đọc theo. Họ không hiểu rằng nhắc thoại cũng là cả một nghề. Thật tức cười! Bởi vậy, tôi nhất quyết yêu cầu diễn viên thuộc thoại. Nhưng trong quá trình quay tôi cũng du di một chút. Những diễn viên lớn tuổi tôi cho nhắc thoại vì học với họ hơi khó. Sau 19g tôi cũng cho nhắc thoại chút chút vì lúc đó anh em cũng mệt mỏi rồi. Những thoại dài tôi cũng cho mớm lời cho họ nhớ. Mà là đích thân tôi mớm! Tôi vốn là diễn viên, lại còn là diễn viên lồng tiếng nữa mà!

* Là một nhà quản lý nhưng anh lại thường xuyên làm phim. Anh thấy cái được và mất của một lãnh đạo làm phim là gì?

- Câu hỏi này... hóc búa. Lãnh đạo đi làm phim dễ nói với các thành viên trong đoàn làm phim hơn, quyền quyết định nhiều hơn, khi cần có thể huy động phương tiện thiết bị kỹ thuật ở mức tối đa... Nhưng cái cần chú ý là đôi khi tư duy đạo diễn hay bị chi phối bởi tư duy quản lý nên dễ trở nên quân phiệt, độc đoán và dễ bị “khô cứng”.

HOÀNG LÊ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên