19/05/2009 04:56 GMT+7

Người giữ cồn đang rối...

MINH GIẢNG - THIÊN LONG
MINH GIẢNG - THIÊN LONG

TT - Ðược đề xuất dàn dựng từ năm 2006, vở nhạc kịch Người giữ cồn đã được Ban thường vụ Thành ủy Cần Thơ thống nhất cho triển khai thực hiện. Thế nhưng...

uiVtEXBC.jpgPhóng to

Toàn cảnh sân vận động Cần Thơ – nơi dự kiến công diễn vở nhạc kịch - Ảnh: Bùi Tuấn Khiêm

Sau nhiều cuộc họp giữa UBND TP Cần Thơ và các sở ngành, mới nhất là cuộc họp ngày 13-5-2009, các gút mắc xoay quanh vở nhạc kịch này vẫn chưa được giải quyết. Việc thực hiện vở nhạc kịch cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Ba năm cho kịch bản

Lý do phải chọn diễn ngoài trời, theo ông Đinh Viết Khanh - giám đốc Sở VH-TT&DL, là do thành phố không có nhà hát đủ tiêu chuẩn. Một số địa điểm được đề cập như nhà hát Tây Đô, hội trường Trường ĐH Cần Thơ vừa không đủ tiêu chuẩn, vừa nhỏ nên sẽ không phục vụ được nhiều người.

Địa điểm được đề cập khả dĩ nhất là sân vận động Cần Thơ. Dự kiến một dàn đèn hiện đại sẽ được lắp đặt, trước là phục vụ công diễn vở nhạc kịch, sau là phục vụ cho Hội khỏe Phù đổng năm 2012.

Nội dung vở nhạc kịch kể về ông già giữ cồn trên sông Hậu. Ngày trước, ông và người yêu tham gia kháng chiến cứu nước. Ông ở trên cồn, thắp đèn cho tàu bè qua lại và báo hiệu cho du kích về tình hình quân địch. Người yêu của ông là du kích. Trong một cuộc chiến ác liệt, cô hi sinh khi hai người chuẩn bị đám cưới.

Từ đó, ông tình nguyện ở lại cồn để trông coi mộ của người vợ chưa cưới và thắp đèn cho tàu bè qua lại. Khi cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, ông phải rời khỏi cồn. Ngày khánh thành cầu, ông len lỏi qua dòng người nô nức, ôm chân cầu và viết lên dòng chữ: "Nhắn những ai đi trên cây cầu, hãy nhớ bao người con trung kiên đã ngã xuống".

Giáo sư - nhạc sĩ Ca Lê Thuần dành ba năm để viết xong kịch bản, chuyển thể từ truyện ngắn Người giữ cồn - giải nhất truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long năm 2005 của Nguyễn Thế Hùng. Vở nhạc kịch dự kiến được công diễn ngoài trời, do 120 diễn viên Nhà hát Giao hưởng và vũ kịch TP.HCM thực hiện với các hiệu ứng ánh sáng, hoạt cảnh thể hiện làng xóm, biển cả, sông nước, mua bán trên sông, cảnh cây cầu mới xây...

Theo kế hoạch, vở sẽ được công diễn vào dịp TP Cần Thơ được công nhận là đô thị loại I hoặc trong sự kiện "Những ngày du lịch - văn hóa Mekong - Nhật Bản" được tổ chức cuối năm 2009.

Rối kinh phí

Phần kịch bản đã xong. Nhưng sau cuộc họp ngày 13-5, nguồn kinh phí cho việc dàn dựng vở vẫn đang chờ sự thống nhất từ Sở Văn hóa - thể thao & du lịch (VH-TT&DL) với Sở Tài chính. Ông Ðinh Viết Khanh - giám đốc Sở VH-TT&DL - cho biết khi thống nhất xong sẽ làm việc với Nhà hát Giao hưởng và vũ kịch TP.HCM để thỏa thuận kinh phí rồi mới ký hợp đồng!

Theo dự trù của Sở VH-TT&DL, tổng kinh phí thực hiện vở nhạc kịch là 730 triệu đồng. Thế nhưng Sở Tài chính tính toán (dựa theo các quy định hiện hành của TP Cần Thơ), chỉ có thể chi 410 triệu đồng cho Nhà hát Giao hưởng và vũ kịch TP.HCM dàn dựng và biểu diễn, còn các khoản kinh phí tổ chức khác thì không có nguồn.

Theo bà Phan Thị Phượng - phó giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ - trước đây UBND TP Cần Thơ đã có kết luận chính thức: kinh phí thực hiện vở nhạc kịch sẽ trích từ kinh phí sự nghiệp của ngành VH-TT&DL năm 2009. Do đó, 410 triệu đồng này sẽ do ngành văn hóa tự cân đối. Còn ông Ðinh Viết Khanh - giám đốc Sở VH-TT&DL, cho rằng: "Kinh phí sự nghiệp của ngành năm 2009 đã phân bổ cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở ngay từ đầu năm theo kế hoạch nên không còn tiền chi cho vở nhạc kịch này".

Giải pháp cuối cùng mà ông Tô Minh Giới - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - đưa ra là Sở Tài chính sẽ bàn lại với Sở VH-TT&DL để thống nhất mức kinh phí có thể chi trả, tìm xem lấy từ nguồn nào, đồng thời làm việc với Nhà hát Giao hưởng và vũ kịch TP.HCM để thỏa thuận mức kinh phí phù hợp.

Opera hay cải lương?

Ngay từ khi ý tưởng tổ chức vở nhạc kịch đưa ra đã có nhiều ý kiến không đồng tình của các nhà chuyên môn về văn hóa, nghệ thuật, các sở, ngành... Opera là một loại hình nghệ thuật cao cấp, thuộc loại "bác học" và rất kén người thưởng thức, trong khi mục đích của vở diễn nhằm phục vụ đông đảo nhân dân TP Cần Thơ và cả khán giả các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long qua truyền hình trực tiếp.

Bỏ ra một khoản kinh phí khá lớn để thực hiện một vở diễn mà đa số khán giả khó cảm nhận được liệu có thỏa đáng? Ðó là chưa kể đến việc Cần Thơ không có được một nhà hát hay địa điểm phù hợp để biểu diễn vở nhạc kịch - vốn đòi hỏi rất cao về cơ sở vật chất, âm thanh, ánh sáng... Việc biểu diễn ngoài trời liệu có phát huy hết tính nghệ thuật hàn lâm của thể loại này?

Ông Lê Văn Chải - giám đốc Nhà hát Tây Ðô - cho rằng không gian diễn ngoài trời là không hợp lý nếu không muốn nói là không thể. Nếu không có thu âm trước thì không thể nào diễn được. Chỉ cần để micro ra gió là nghe tạp âm, âm thanh bị bể, không thể nghe được thì làm sao thưởng thức?

Một số thành viên Hội Văn hóa nghệ thuật thành phố Cần Thơ cũng có ý kiến phản biện: vở nhạc kịch không phù hợp với đam mê của người miền Tây, số người đủ trình độ thưởng thức thể loại này không bao nhiêu nên dàn dựng như vậy là quá tốn kém. Nhiều người cho rằng thay vì diễn opera, Cần Thơ nên đầu tư làm một vở cải lương chất lượng, vừa hợp khẩu vị của người dân Nam bộ, vừa đỡ tốn kém.

Ông Ðinh Viết Khanh cho biết đúng là có nhiều luồng ý kiến không đồng tình với việc dựng vở nhạc kịch này. Tuy nhiên, theo quyết định của Thường vụ Thành ủy, TP Cần Thơ trực thuộc trung ương, sắp lên đô thị loại I nhưng chưa có sản phẩm nghệ thuật nào tiêu biểu cho cái mới, bác học.

Lâu nay cũng chỉ có cải lương. Vì thế cần có một tác phẩm nghệ thuật hiện đại để biểu diễn trong các dịp lễ lớn của thành phố, phục vụ người dân cũng như ghi hình làm quà tặng lâu dài sau này.

MINH GIẢNG - THIÊN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên