28/09/2013 09:37 GMT+7

Nêu thực trạng, thiếu giải pháp

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

TT - Diễn đàn kinh tế mùa thu bước sang ngày làm việc thứ hai (27-9) với nhiều tham luận tiếp tục mổ xẻ những khó khăn, yếu kém của nền kinh tế. Tuy nhiên, diễn đàn lại chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể để nền kinh tế thoát khỏi những khó khăn này.

Tranh cãi về quản lý vàngLo ngại kinh tế “nằm bẹp dưới đáy”Tăng trưởng kinh tế yếu hơn hẳn các năm trước

uxFnDiwD.jpgPhóng to
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu (bìa phải) trao đổi với các chuyên gia tại diễn đàn - Ảnh: Lê Kiên

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, điều ông trông đợi tại diễn đàn lần này là các đề xuất, kiến nghị, giải pháp cụ thể từ phía các chuyên gia. Tuy nhiên, trong cả một ngày làm việc đầu tiên thì các đề xuất chính sách xuất hiện rất ít mà chủ yếu là đánh giá tình hình.

Nguồn lực ở đâu?

"Không thể nói cả một nền kinh tế của chúng ta tê liệt"

“Đừng chỉ nhìn vào đầu tư của khu vực nhà nước mà coi nhẹ đầu tư của khu vực tư nhân, bởi hiện tại đầu tư của khu vực tư nhân đang lớn hơn đầu tư của khu vực nhà nước” - chuyên gia Phạm Chi Lan nói. Theo bà Lan, mọi chính sách phải đem lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, giúp họ tháo gỡ khó khăn, đầu tư đổi mới công nghệ, cách thức quản trị. Trong đó, luật nào mà chưa tốt thì phải sửa đổi. Ví dụ “Luật đấu thầu có rồi, nhưng thực tế vẫn chỉ định thầu với tỉ lệ tới 75% và nó làm thất thoát, tham nhũng ở đây. Cứ chỉ định thầu như vậy thì làm mất rất nhiều cơ hội của các doanh nghiệp” - bà Lan khẳng định.

Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng “nguồn lực trong doanh nghiệp khu vực tư nhân còn lớn nhưng do thiếu động lực, thiếu niềm tin nên doanh nghiệp vẫn đang co cụm lại”. Theo TS Lưu Bích Hồ, những nguồn lực có thể lấy ra để đầu tư gồm tài sản của doanh nghiệp nhà nước, dự trữ quốc gia, đất đai, tiết kiệm chi để đầu tư... “Luật pháp, chính sách phải rõ ràng, minh bạch, ổn định, tạo lòng tin cho người dân và doanh nghiệp. Nói phải đi đôi với làm, phải chịu trách nhiệm chứ không thể nói một đằng làm một nẻo” - chuyên gia Lưu Bích Hồ nói.

Không đồng ý tăng bội chi ngân sách để lấy tiền đầu tư, TS Đặng Văn Thanh - chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán VN - chỉ ra một nguồn vốn khả dụng còn rất lớn: “Chúng ta thiếu ngân sách nhưng lại có rất nhiều quỹ, có quỹ hàng trăm tỉ, có quỹ hàng ngàn tỉ, mà có mấy chục cái quỹ như vậy. Giống như tình trạng dòng sông thì cạn kiệt nhưng ao hồ xung quanh thì đầy nước. Cần kiểm kê lại quỹ, đưa vào sử dụng chứ không thể để tiền tồn ở đó. Tiền có tiêu không hết nhưng vẫn phải bội chi, vẫn phải đi vay để tiêu”.

Thiếu các kiến nghị giải pháp

Phát biểu tại diễn đàn, TS Cao Sỹ Kiêm - ủy viên Ủy ban Kinh tế - cho rằng các chuyên gia “chỉ nặng về chỉ trích, thiếu nghiên cứu sâu sắc, nghiêm túc, chính xác để có những giải pháp cụ thể, khả thi”. Còn theo ông Nguyễn Văn Giàu: “Ngay cả bài đề dẫn của TS Trần Đình Thiên tôi cũng rất trông đợi anh Thiên đưa ra các giải pháp cụ thể một, hai, ba, bốn... nhưng phần trình bày đó cũng vẫn nặng về phân tích thực trạng”.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là dịp để trao đổi thông tin, phân tích, tranh luận, đánh giá và đưa ra những ý kiến phản biện, đề xuất, kiến nghị về tình hình, dự báo xu hướng cũng như triển vọng phát triển, về những giải pháp và chính sách điều hành nền kinh tế. “Chúng ta đến đây để làm việc chứ không phải chỉ để nói rồi cho qua, nói rồi không ai nghe. Diễn đàn không kết luận ý kiến nào đúng, ý kiến nào không đúng, mà là nơi tập hợp ý kiến nhiều chiều của các chuyên gia, nhà khoa học giúp công tác hoạch định chính sách có thêm những cơ sở, lập luận để làm tốt hơn” - bà Ngân nói.

Về ý kiến của các chuyên gia, bà Ngân cho rằng đánh giá khó khăn thì thống nhất, nhưng đi vào giải pháp thì có nhiều ý kiến khác nhau. Ví dụ TS Trần Du Lịch cho rằng cần nâng trần bội chi lên để có tiền đầu tư, nhưng một số ý kiến khác như của TS Đặng Văn Thanh thì phản đối. “Lẽ ra diễn đàn lần này cần có sự trao đổi hai chiều, nghĩa là chúng ta không chỉ nghe một chiều ý kiến các chuyên gia phản biện mà phải có sự đối thoại trực tiếp của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, diễn đàn lần này còn chưa có nhiều ý kiến tranh luận, phản hồi của các cơ quan hoạch định chính sách” - bà Ngân nói.

Theo bà Ngân, đây là việc cần phải rút kinh nghiệm cho các diễn đàn lần sau. Việc cung cấp các thông tin, tài liệu chính thức cho các chuyên gia làm cơ sở đánh giá, phân tích cũng còn hạn chế... “Tôi nghĩ rằng là một diễn đàn kinh tế thì chúng ta phải đề cập đến cả điểm sáng và điểm tối, phải có mặt tích cực và tiêu cực. Các cơ quan thông tin đại chúng cũng vậy, chúng ta đưa tin cũng phải thể hiện đầy đủ, có điểm sáng điểm tối, có việc chưa làm được và có việc đang làm, có việc còn cố gắng phải làm, nhưng không thể nói cả một nền kinh tế của chúng ta tê liệt” - bà Ngân nói.

Đấu thầu vàng đi ngược mục tiêu chống “vàng hóa”?

Trước đó, diễn đàn đã “nóng” lên với phần trình bày của PGS.TS Ngô Trí Long về chính sách quản lý vàng. “Một năm qua với việc ban hành nghị định 24 cùng với những văn bản pháp quy do Ngân hàng Nhà nước ban hành về quản lý vàng, thị trường vàng luôn trở thành “điểm nóng”, cơ chế quản lý vàng đã cho thấy nhiều điểm bất ổn. Người dân chịu nhiều thiệt thòi khi phải chạy theo giá vàng” - TS Long nhận xét. Theo ông Long, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là chống “vàng hóa”, là tách vàng khỏi hệ thống tiền tệ nhưng việc tổ chức 57 phiên đấu thầu vàng với 58,3 tấn vàng (đến ngày 30-8-2013) đã đi ngược lại mục tiêu chống vàng hóa và chuyển vàng dự trữ trong dân thành tiền đồng để phát triển kinh tế không thực hiện được.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho rằng những tác động tích cực của việc thực hiện nghị định 24 và cơ chế quản lý vàng, về việc Ngân hàng Nhà nước “độc quyền quản lý vàng miếng” là toàn bộ rủi ro liên quan đến việc huy động, vay vốn bằng vàng đã được loại trừ ra khỏi hoạt động của tổ chức tín dụng. Thị trường vàng đã ổn định hơn nhờ hoạt động đấu thầu mua bán vàng, Ngân hàng Nhà nước đã góp phần tạo nguồn cung giúp cân đối cung - cầu, không còn các cơn sốt vàng và đi theo nó chính là các cơn sốt ngắn hạn của đồng USD. “Sự chênh lệch giá vàng giữa VN và thế giới đã được kéo gần lại, trước đây chênh tới 6-7 triệu đồng/lượng thì đến nay chỉ còn 2-3 triệu đồng. Khối lượng nhập khẩu vàng đã giảm bớt. Toàn bộ phần chênh lệch Ngân hàng Nhà nước thu được thông qua bán đấu giá 60 tấn vàng được thu về cho ngân sách. Các hiện tượng đầu cơ, làm giá cũng giảm bớt” - ông Tiến khẳng định.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên