27/09/2013 14:37 GMT+7

Tranh cãi về quản lý vàng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Diễn đàn “Kinh tế mùa thu 2013” tiếp tục làm việc ngày thứ hai trong hôm nay (27-9) đã nóng lên với phần phê phán kịch liệt của PGS.TS Ngô Trí Long về chính sách quản lý vàng và trả lời của phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) VN Nguyễn Đồng Tiến.

Lo ngại kinh tế “nằm bẹp dưới đáy”Tăng trưởng kinh tế yếu hơn hẳn các năm trước

9hIX07zU.jpgPhóng to
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng NHNN thất bại trong các chính sách quản lý vàng trong khi phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến khẳng định thị trường vàng đã thiết lập được trật tự - Ảnh: Lê Kiên
mIMXoBv4.jpgPhóng to
Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến khẳng định thị trường vàng đã thiết lập được trật tự - Ảnh: Lê Kiên

PGS.TS Ngô Trí Long nhận xét, thời gian qua giá vàng trong nước biến động với biên độ khá lớn và thất thường gây tâm lý bất ổn cho người dân, ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế, nhiều người dân thiệt hại khi chạy theo giá vàng. Tâm lý đầu tư, tích trữ vàng đã trở thành tập quán của người dân.

Quy mô của thị trường vàng của nước ta rất lớn và việc tích trữ vàng miếng đứng vào tốp bốn quốc gia hàng đầu trên thế giới, sau Ấn Độ, Trung Quốc, Dubai.

Dân thiệt vì phải chạy theo giá vàng

Theo ông Long, sau một năm với việc ban hành Nghị định 24 cùng những văn bản pháp quy do Ngân hàng Nhà nước ban hành về quản lý vàng, thị trường vàng luôn trở thành “điểm nóng”. Cơ chế quản lý thị vàng đã cho thấy nhiều điểm bất ổn mà căn nguyên từ cơ chế chính sách.

“Việc NHNN độc quyền thị trường vàng miếng và tăng cường mua vàng của dân có phải là một phương sách hữu hiệu để chống vàng hóa? Hiểu một cách giản đơn là như vậy, vì dân còn ít vàng hơn nên hiện tượng vàng hóa sẽ phải giảm. Theo NHNN, 5 tháng sau khi thực hiện Nghị định 24, các tổ chức tín dụng đã mua lại hơn 60 tấn vàng, tính trung bình mỗi tháng mua hơn 10 tấn vàng. Tuy nhiên sẽ là sai lầm khi cho rằng như vậy có nghĩa vàng đã biến thành tiền (tương đương 3 tỉ USD) và được chuyển thành tiền để phục vụ nền kinh tế” - ông Long phân tích.

Ông nói tiếp: “Các tổ chức tín dụng mua vàng của dân để trả lại cho dân khi hết kỳ huy động. Điều này đã thể hiện không hề có sự chuyển đổi tiền đưa vào phát triển kinh tế. Thực tế, là các ngân hàng thương mại mua vàng từ dân xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có việc đóng tình trạng “thiếu hụt” trong tài khoản buôn bán vàng của các ngân hàng này và để phục vụ việc người dân rút vàng đã gửi vào hệ thống ngân hàng từ trước… Chống vàng hóa bằng cách này tạo thêm rủi ro cho đồng tiền VN. Hiện tượng này không có lợi cho việc chống vàng hóa”.

Ông Long cho rằng “chủ trương của NHNN là chống vàng hóa, là tách vàng khỏi hệ thống tiền tệ thì việc tổ chức 57 phiên đấu thầu vàng cho đến ngày 30-8-2013 đã bán 58,3 tấn vàng quy chuẩn. Điều này cho thấy càng bán vàng miếng cho thị trường là càng tiếp tay cho vàng hóa, là đưa một khối lượng lớn vàng vật chất vào nằm bất động trong khối tài sản của người dân. Như vậy là đi ngược lại mục tiêu chống vàng hóa và chuyển vàng dự trữ trong dân thành tiền đồng để phát triển kinh tế không thực hiện được”.

Ông Long kết luận: “Chấp nhận giá vàng VN không liên thông với quốc tế. Đây là hệ quả buông xuôi của một loạt chính sách dồn đọng thời gian qua và thể hiện sự bất lực của quản lý nhà nước trước một thị trường rối ren và phức tạp. Chính sách quản lý vàng hiện nay theo kiểu một mình một chợ, thiếu hội nhập và liên thông với thế giới. Quản lý vàng miếng hiện nay đang đi lùi một bước so với các nước. Cả trong quá khứ và hiện tại, trên thế giới chưa một ngân hàng trung ương nào có chính sách chỉ duy trì một thương hiệu vàng và độc quyền sản xuất vàng miếng”.

Rủi ro đã được loại trừ(?)

Phản đáp ý kiến của ông Long, phó thống đốc NHNN VN Nguyễn Đồng Tiến đã đứng lên giải thích về những tác động chính, cơ bản, tích cực của việc thực hiện Nghị định 24 và cơ chế quản lý vàng, về việc Ngân hàng Nhà nước độc quyền quản lý vàng miếng.

“Chúng tôi cho rằng sau những giải pháp đã thực hiện thì vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta đạt được là toàn bộ rủi ro liên quan đến việc huy động, vay vốn bằng vàng đã được loại trừ ra khỏi hoạt động của tổ chức tín dụng. Trước đây huy động, cho vay, kinh doanh đã tạo nên rủi ro rất lớn và thực sự chỉ có những nhà kinh doanh vàng, những tổ chức tín dụng đã kinh doanh quyết liệt trên thị trường vàng mới thấu hiểu vấn đề này, mới thấm được tất cả các tác động của những giải pháp của Chính phủ, cũng là lời cảnh báo để các tổ chức tín dụng khác không lao vào hoạt động này”, ông Tiến nói.

Phó thống đốc cho rằng thực trạng vàng hóa trong hệ thống tổ chức tín dụng cũng đã được giảm mạnh, vì trước đây chúng ta huy động cho vay vàng và đến nay đã chấm dứt tất cả các hoạt động này. Thị trường vàng đã ổn định hơn nhờ hoạt động đấu thầu mua bán vàng, NHNN đã góp phần tạo nguồn cung giúp cân đối cung - cầu, không còn các cơn sốt vàng và đi theo nó chính là các cơn sốt ngắn hạn của đồng USD.

Theo ông Tiến, thực tế vừa qua NHNN bán đấu giá khoảng 60 tấn vàng để đảm bảo cho các tổ chức tín dụng có vàng để trả trong nước.

"Toàn bộ phần chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước đều bỏ vào cho ngân sách Nhà nước. Một trong những nguồn thu quan trọng của hệ thống ngân hàng cho ngân sách nhà nước trong năm nay cũng là từ nguồn thu này. Tất cả nguồn này trước đây phân bổ vào các nhà đầu cơ và nhà kinh doanh vàng. Các hiện tượng đầu cơ, làm giá cũng giảm bớt”, ông Tiến khẳng định.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên