Phóng to |
Những lô cao su này nguyên trước đây là rừng (ảnh chụp tại huyện Mang Yang, Gia Lai) - Ảnh: Thái Bá Dũng |
Vậy thực tế các địa phương đang thẩm định việc chuyển đổi như thế nào? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Kpă Thuyên - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai - nói:
- Thực tế việc đưa vào trồng cây cao su trên rừng nghèo là chủ trương lớn của Nhà nước vì cây cao su có hiệu quả kinh tế. Để có đất trồng cao su thì phải chuyển đổi rừng nghèo, như thế đương nhiên rừng sẽ bị thu hẹp lại. Ở các huyện như Chư Prong, Ia Grai của Gia Lai, trữ lượng gỗ chỉ khoảng 70m3/ha. Nếu nói về giá trị sinh thái, môi trường thì rõ ràng rừng sẽ có giá trị, nhưng ở góc độ kinh tế thì giá trị cây cao su lại cho hiệu quả cao. Giữa hai khía cạnh này UBND tỉnh đã có cân nhắc, tính toán kỹ trước khi thực hiện dự án trồng cao su. Còn nói cao su phá rừng là chưa hẳn đúng vì diện tích cao su thực hiện trên rừng nghèo kiệt hoặc rừng đã bị phá, chứ không ai đi chặt rừng giàu để làm cao su. Các doanh nghiệp muốn làm cũng phải xin phép và để thực hiện phải trải qua rất nhiều khâu.
Theo quy định, để thực hiện một dự án thì chủ đầu tư phải tự bỏ kinh phí ra thuê các đơn vị có chuyên môn, đủ năng lực để tiến hành khảo sát đánh giá hiện trạng rừng, lập báo cáo chi tiết, báo cáo đánh giá tác động môi trường gửi lên Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên - môi trường và các đơn vị liên quan để trình lên UBND tỉnh.
* Việc để chủ đầu tư tự đánh giá hiện trạng rừng khi khảo sát lập dự án liệu có khách quan không?
- Chủ đầu tư chỉ là đơn vị bỏ tiền ra làm đánh giá, khảo sát. Các đơn vị được thuê làm việc này là những đơn vị có đủ chuyên môn, họ phải đánh giá khách quan, chính xác và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, trước các bộ ngành về kết quả đánh giá của mình. Sau khi có đánh giá này, chúng tôi sẽ trực tiếp khảo sát lại để thẩm định các thông tin về hiện trạng rừng chứ không phải để chủ đầu tư tự làm. Các đơn vị được thuê khảo sát đánh giá và chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, trước Bộ NN&PTNT.
* Sau khi cho chuyển đổi rừng, số gỗ tận thu sẽ được sử dụng như thế nào?
- Trước đây UBND tỉnh quy định toàn bộ gỗ tận thu được trên diện tích vùng dự án sẽ được đem ra đấu giá nhưng quá trình thực hiện cho thấy có nhiều điểm chưa hợp lý, gây thất thoát lãng phí gỗ của Nhà nước. Từ năm 2008 đến nay, nguồn gỗ tận thu sẽ được thực hiện dưới hai dạng: bán cây nằm hoặc bán trực tiếp cho các công ty thực hiện dự án. Các doanh nghiệp trồng cao su sẽ dựa trên diện tích rừng hiện có để tận thu gỗ và trả tiền gỗ cho Nhà nước.
* Thực tế có tình trạng doanh nghiệp xin dự án nhưng mục đích chính là để thu gom gỗ hoặc chuyển mục đích sử dụng, thưa ông?
- Tỉnh cho doanh nghiệp thuê đất để trồng cao su thì doanh nghiệp chỉ được trồng cao su, không được chuyển qua mục đích khác. Thời gian qua ở Gia Lai có một số đơn vị thực hiện liên kết với nhau rồi chuyển nhượng cho nhau, còn việc doanh nghiệp xin dự án rồi dùng vào việc khác chúng tôi chưa phát hiện trường hợp nào.
* Tại Đắk Lắk, ông Nguyễn Quốc Hưng - chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Đắk Lắk - cho biết:
- Hiện trên địa bàn tỉnh có 40 dự án trồng cao su (với diện tích hơn 31.985ha), trong đó có 31 dự án đã có quyết định cho thuê đất của tỉnh với diện tích hơn 19.555ha và các dự án này đã trồng được 7.419ha cao su. Hiện nay một số dự án đã thực hiện xong, một số dự án tại huyện Ea Súp, Buôn Đôn đang tiếp tục trồng thí điểm để đánh giá hiệu quả.
* Thưa ông, nhiều dự án nhận hàng trăm đến hàng ngàn hecta nhưng việc trồng cao su rất nhỏ lẻ mà diện tích đất rừng của dự án mất rất lớn, liệu có phải do quá trình cấp phép quá dễ dàng?
- Tất cả các dự án đều được thẩm định, cấp phép một cách rất khoa học và nghiêm túc với hội đồng thẩm định có rất nhiều ngành chức năng. Trong đó mỗi dự án đều có đánh giá tác động môi trường, hiệu quả kinh tế chứ không có chuyện cấp ào ào như dư luận phản ánh.
* Nhiều chuyên gia cho rằng việc phá rừng khộp vùng Buôn Đôn, Ea Súp để trồng cao su thì cả hiệu quả kinh tế lẫn môi trường đều thất bại?
- Đến nay chưa có công trình nào đánh giá về tính hiệu quả của việc trồng cao su tại đây vì các dự án đã có quyết định trồng thí điểm (mỗi dự án là 100ha) hiện chưa đến thời gian để đánh giá. Có một số dự án của các công ty TNHH Minh Hằng, Gia Huy, Anh Quốc... tỉ lệ cao su chết, còi cọc có thể do việc chăm sóc, thoát nước không tốt của chủ đầu tư. Trước khi quy hoạch, chúng tôi đã làm nhiều cuộc điều tra về chất đất, về độ thấm nước... để đánh giá cây cao su có thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng khu vực này không rồi mới quy hoạch, không phải làm bừa. Một số ý kiến cho rằng việc giữ rừng khộp tự nhiên có hiệu quả kinh tế, môi trường hơn là trồng cao su, nhưng đến khi nào chúng ta mới nhận được những nguồn lợi này? Giao rừng cho cộng đồng nhưng rừng khu vực này quá nghèo kiệt, người dân không được hưởng lợi nên cũng không mặn mà và hậu quả là nạn mất rừng gia tăng.
* Tuy chưa có những đánh giá cuối cùng về việc trồng thí điểm cao su tại các dự án ở Đắk Lắk nhưng trên thực tế giao dự án đến đâu, rừng bị lấn chiếm đến đó?
- Đúng là có thực trạng rừng tại các dự án bị lấn chiếm, bị phá. Tuy nhiên không thể đổ lỗi là giao rừng cho doanh nghiệp nên rừng mới bị phá. Khâu lập thủ tục, giao rừng của chúng ta quá chậm nên khi nghe tin có dự án, người dân đã cố tình tranh chấp để mong được đền bù. Nhiều dự án trước khi giao đất cho chủ đầu tư, đất đã bị lấn chiếm gần hết. Hiện nay một số dự án bị người dân lấn chiếm đất phần lớn như Công ty TNHH Gia Huy, Minh Hằng (Ea Súp), Hữu Bích (Buôn Đôn) nhưng lỗi không hoàn toàn thuộc về doanh nghiệp. Việc để người dân lấn chiếm đất là do địa phương xử lý không tốt, không quyết liệt dẫn đến tình trạng này.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Ồ ạt phá rừng làm cao suCao su đến đâu, rừng tàn đến đóLâm tặc “xẻ thịt” hàng loạt gỗ lớnNam Trường Sơn mất gần 30 ngàn ha rừng mỗi nămCán bộ làm ngơ, hơn 2.000ha rừng tan nátTiêu hủy gần 600 phương tiện phá rừng của lâm tặcHàng ngàn người tràn vào rừng đầu nguồn chặt phá, giành đấtPhá rừng phòng hộ lấy đất sản xuất
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận