05/06/2013 07:00 GMT+7

Nếu làm bài toán trước khi cứu người...

Hai Lúa (thahuynh89@...)
Hai Lúa (thahuynh89@...)

TT - Sau bài báo “Ai dám khuyến khích học trò sống như Nam?”(Tuổi Trẻ ngày 4-6-2013), tòa soạn đã nhận rất nhiều ý kiến phản hồi xoay quanh đề thi môn ngữ văn tốt nghiệp THPT ngày 2-6-2013.

Ai dám khuyến khích học trò sống như Nam?Một đề thi nhân văn, sao lại chê?

jHxgQOaM.jpgPhóng to
Học kỹ năng sống là một cách trang bị cho bản thân khả năng ứng phó với những tình huống bất ngờ... Trong ảnh: học kỹ năng đặc công tại một trại hè quân đội - Ảnh: M.Đức

Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi những tranh luận về vấn đề có nên quên mình cứu người như học sinh Nguyễn Văn Nam.

Phải dạy cho thế hệ trẻ quên mình vì nghĩa!

Xã hội có phải quá vô cảm không khi có nhiều người đặt lợi ích bản thân lên trên, nên khi thấy cướp người ta thờ ơ, thấy tai nạn thì sợ sẽ rắc rối nếu dính vào, thấy người bị nạn thì lo đến tính mạng mình... Nếu phụ huynh không đủ can đảm để dạy con hi sinh lợi ích bản thân vì lợi ích chung của cộng đồng, thì các nhà giáo dục phải xây dựng cho thế hệ sau đức tính “quên mình vì nghĩa”. Nếu ta biện minh rằng xã hội hiện nay phức tạp quá, nhiều nguy hiểm quá thì có lẽ cái phức tạp, nguy hiểm đó chính là do cách giáo dục “cơm ai nấy ăn, đèn nhà ai nấy sáng”, chuyện mình thì mình lo, còn chuyện chung thì kệ họ!

Nếu con cháu tôi hi sinh như Nam thì đó là điều nên làm

Nếu có suy nghĩ thấy người gặp nạn không dám cứu thì trước tới giờ và mai sau người ta khỏi phải học tập các gương anh hùng liệt sĩ, thương binh, Võ Thị Sáu, Kim Đồng, hiệp sĩ đường phố... Không nên chỉ vì cuộc sống phức tạp, xô bồ, khó khăn, thiếu thốn mà người ta quay lưng với nhau. Nếu con, cháu tôi gặp phải tình cảnh hi sinh cứu người như vậy thì đó cũng là điều nên làm, mặc dù tôi rất đau lòng! Ai sống trên đời cũng phải có lòng vị tha, lương tâm và trách nhiệm!

Xã hội sẽ đi về đâu nếu ai cũng hèn nhát

“Cứ giữ cho con mình an toàn và đừng màng đến lòng dũng cảm, lòng thương người của chúng!”, người ta sẽ suy nghĩ như thế khi quen bảo bọc con mình trong nhung lụa ấm áp mà quên rằng có nhiều đức tính còn đáng giá hơn thế gấp trăm lần để đánh đổi. Và cần hơn nữa những tấm gương như Nguyễn Văn Nam. Ai cũng hèn nhát hoặc làm một bài toán trước khi cứu người bị nạn như thế thì xã hội sẽ về đâu...

Học sinh nên học cả về lòng dũng cảm lẫn sự tỉnh táo

Theo tôi, đề vẫn mang tính tích cực vì Nam biết bơi, sai lầm của Nam là khi thấy mình đuối sức nhưng không biết dừng lại. Nếu là trường hợp không biết bơi mà cứ nhảy xuống cứu người để mình chết lại là chuyện khác, không nên khuyến khích. Học sinh có thể học tập từ Nam bài học vừa về lòng dũng cảm vừa về sự tỉnh táo (cứu người, làm việc tốt nhưng phải bảo vệ tính mạng của mình). Tình yêu thương và sự sáng suốt phải song song nhau.

Tôi sẽ dạy con tôi hành động như Nam

Hành động của Nam mang tính bản năng nhưng là bản năng nhân văn. Đó là thứ bản năng mà nếu không có nó chúng ta không còn là con người đúng nghĩa! Xã hội có nhiều vấn đề nhưng không có nghĩa cái gì cũng “quá tỉnh” như vậy. Vì chúng ta sống “tỉnh” quá nên “quên mất” nhiều điều quan trọng đấy thôi! Tôi tin bất cứ người nào có lương tri cũng đều hành động như vậy. Chắc chắn tôi vẫn dạy con tôi hãy làm như bạn Nam, nhưng để bảo vệ được cả chính mình thì con phải học bơi cho giỏi, phải rèn luyện thể lực cho khỏe mạnh và phải biết nhờ người khác trợ giúp nếu cần.

TS ĐINH PHƯƠNG DUY (phó hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM): Có ý thức rồi sẽ có kỹ năng

Tôi cho rằng qua đề thi này, người ra đề mong muốn các bạn học sinh bày tỏ nhận thức và cảm xúc của mình trước sự hi sinh của bạn Nguyễn Văn Nam. Nói cách khác, đó là bài kiểm tra xem thấy người gặp nạn, các bạn có cứu không vì đúng là gần đây có nhiều biểu hiện vô cảm trong xã hội, gặp chuyện có thể làm nhưng lại không làm, không cứu giúp.

Ở một chừng mực nào đó, đề thi đã đánh động trở lại, đề cao giá trị nhân bản, tính chất hào hiệp trong mỗi con người mà có thể đã “để quên” đâu đó. Chúng ta khoan vội nói đến yếu tố thiếu kỹ năng trong hành động của Nam, tôi tin rằng trong mỗi bài thi của học sinh, ít nhiều chúng ta thấy được suy nghĩ, nhận thức của các bạn trước một câu chuyện xúc động trong xã hội.

Chắc chắn chúng ta không khuyến khích học sinh hoặc bất kỳ ai làm việc gì vượt quá khả năng của mình. Đề thi này cũng không đặt vấn đề các em sẽ làm gì, nên cũng đừng quá vội lo chuyện học trò thiếu kỹ năng, làm điều nguy hiểm đến bản thân. Điều này các nhà giáo dục, nhà trường sẽ giúp trang bị cho các bạn. Vì nếu cứ nói rằng ta thiếu kỹ năng rồi chẳng làm gì thì chúng ta cũng sẽ chẳng có gì cả.

Quan trọng là việc để học sinh trình bày suy nghĩ của mình trước hành động dũng cảm của Nguyễn Văn Nam sẽ trở thành cơ hội khơi gợi ý thức trong chính các em, cũng là với xã hội. Nếu cả xã hội cứ chờ có kỹ năng rồi mới hành động thì chắc đã muộn. Tôi nghĩ các bạn trẻ sẽ có cách thích ứng, biết mình nên làm gì chứ không phải làm bất cứ gì.

Tôi tin cứ hãy có ý thức làm điều tốt đẹp trước rồi sẽ có kỹ năng phù hợp. Một đề thi khơi dậy sự quả cảm, lòng hào hiệp, biết xả thân vì người khác là rất hay, nên được ủng hộ vì ít nhiều cũng sẽ góp phần tác động vào nhận thức, suy nghĩ từ bên trong của mỗi bạn khi viết những dòng cảm xúc vào bài thi của mình.

Hai Lúa (thahuynh89@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên