04/06/2013 15:25 GMT+7

Một đề thi nhân văn, sao lại chê?

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Bài viết "Tranh cãi đề thi văn: Ai dám khuyến khích học trò sống như Nam?" đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của bạn đọc. Phần lớn cho rằng đề thi tốt, thời sự và nhân văn. Một số ý kiến lưu tâm đến việc trang bị kỹ năng sống.

Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến.

Tranh cãi đề thi văn: Ai dám khuyến khích học trò sống như Nam?

xtbsS6ze.jpgPhóng to
Thí sinh tươi cười sau khi thi xong môn văn - Ảnh: Quang Định

Đề thi như thế là tốt

Tôi nghĩ đề thi như thế là tốt. Cái chính là nêu gương người tốt việc tốt, giáo dục lòng dũng cảm, ý thức cộng đồng cho các em. Khi cuộc sống quanh ta còn đầy rẫy tư tưởng chủ nghĩa cá nhân, còn không ít người sống vô cảm thì đề thi như gieo vào tâm hồn các em một lối sống nhân bản.

Tất nhiên giữa lời nói và hành động còn một khoảng cách khá xa; hành động như thế nào cho đúng, cho hoàn hảo còn đòi hỏi nhiều kỹ năng mà chúng ta có nhiệm vụ phải từng bước giáo dục, chỉ dạy.

Nhất là không đòi hỏi suông ở các em tinh thần cộng đồng khi mà cộng đồng chưa mang lại hay tạo môi trường thuận lợi, thậm chí còn quá nhiều chông gai, phức tạp trên con đường làm một người tốt.

Suy cho cùng, cứ cho là đề thi có khúc mắc nhưng cũng nêu bật được tính chất cao đẹp của nó, rất thời sự, rộng hơn nữa là nhằm đấu tranh với lối sống ích kỷ, hẹp hòi, vô cảm.

Thanh Vân

Cần hơn nữa những tấm gương như Nguyễn Văn Nam

Không có lựa chọn nào tốt một cách tuyệt đối cả.

Cứ giữ cho con bạn an toàn và đừng màng đến lòng dũng cảm, lòng thương người của chúng.

Cá nhân tôi thấy những ý kiến trên thiên về ngụy biện hơn là phản biện, khi người ta quen bảo bọc con mình trong nhung lụa và ấm áp mà quên đi rằng có nhiều đức tính còn đáng giá hơn thế gấp trăm lần để đánh đổi. Và cần hơn nữa những tấm gương như Nguyễn Văn Nam.

Ai cũng hèn nhát hoặc làm một bài toán trước khi cứu người bị nạn như thế thì xã hội sẽ về đâu?

Lê Văn Lợi

Có những lúc cứu người cần phải dũng cảm và hi sinh

Đây là đề thi nóng hổi tính thời sự và mang đậm tính nhân văn. Nếu ở vào trường hợp của Nam bạn sẽ làm gì? Rõ ràng, khi đó tính nhân văn trong con người mới trỗi dậy mãnh liệt và chỉ có những ai có lòng dũng cảm và đức hi sinh như Nam mới làm được.

Tôi nghĩ rằng khi lao xuống dòng nước nguy hiểm chắc hẳn em không nghĩ đến việc có thể mình bị cuốn đi, nhưng em biết chắc chắn nếu mình không cứu mọi người thì họ sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Và việc làm, sự hi sinh của em đã mang lại ý nghĩa thiết thực là đã có 5 mạng người được cứu. Ý nghĩa hơn đó là Nam đã chứng minh cho xã hội thấy được tính nhân văn của con người.

Từ câu chuyện của Nam, chúng ta vẫn nên khuyên các em có những hành động dũng cảm và phải biết nuôi dưỡng đức hi sinh.

Từ câu chuyện này, chúng ta hãy giáo dục để mọi người biết được kỹ năng sống tránh nguy hiểm nhưng cũng phải có lòng thương người, thương đồng loại để không xảy ra những chuyện đau lòng.

H'Thanh

Đề vẫn mang tính tích cực

Nội dung "Liệu chúng ta (giáo viên và cả các bậc phụ huynh) có dám nói với học trò, con em mình rằng: cần noi theo tấm gương của Nam, sẵn sàng hi sinh bản thân để cứu người lúc hoạn nạn dù sẽ phải đối diện với cái chết?...". Tại sao lại nhấn mạnh ý "sẵn sàng hi sinh bản thân"? Theo tôi, đề vẫn mang tính tích cực vì Nam biết bơi, sai lầm của Nam là khi thấy mình đuối sức nhưng không biết dừng lại.

Nếu là trường hợp không biết bơi mà cứ nhảy xuống cứu người để mình chết lại là chuyện khác, không nên khuyến khích. Học sinh có thể học tập từ Nam bài học vừa về lòng dũng cảm vừa về sự tỉnh táo (cứu người/ làm việc tốt nhưng vẫn phải bảo vệ tính mạng/uy tín của mình). Tình yêu thương và sự sáng suốt song song.

Lan Hương

Vấn đề mang tính nhạy cảm

Vấn đề người viết quan tâm trong bài viết tôi hoàn toàn đồng tình. Tôi là giáo viên ngữ văn, cán bộ quản lý, tôi từng sinh hoạt vấn đề này với học sinh. Tôi trân trọng tấm gương cứu người của Nam. Nhưng tôi sẽ không giáo dục học sinh phải hi sinh như thế để cứu người. Cách giáo dục tốt nhất theo tôi là dạy các em kỹ năng cứu người làm sao để đạt hiệu quả tối ưu nhất, là không ảnh hưởng đến tính mạng mình. Bởi lẽ, tính mạng do cha mẹ sinh ra là thứ quý giá nhất trong mọi cái quý giá.

Tôi cũng không dám giáo dục con tôi theo kiểu làm mọi thứ, kể cả hi sinh tính mạng vì người khác. Cách giáo dục này có thể mọi người cho là tôi ích kỷ, cục bộ. Nhưng thử hỏi có ai dám dạy con phải hi sinh tính mạng để cứu người khác không? Vấn đề này đã được các nhà giáo dục tranh luận trước đây sau nhiều kỳ tích của các em học sinh quên mình cứu bạn. Tôi những tưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo là nơi rút được kinh nghiệm khi ra những loại đề ngữ văn nhạy cảm. Tiếc thật!

Phạm Đăng Khôi

Báo chí nên dạy trẻ cách xử lý tình huống

Bài học về gương dũng cảm cứu người là có tính nhân văn. Tuy nhiên, theo tôi, báo chí cũng như các bậc phụ huynh nên dạy trẻ cách xử lý tình huống tích cực để các em biết cách vừa giúp đỡ người khác vừa an toàn tính mạng.

Lúc tôi còn bé cũng đã nhảy xuống sông cứu em nhưng cả hai chị em ôm nhau chìm xuống. Ba tôi phát hiện và lao xuống cứu hai chị em. Sau đó tôi bị một trận đòn nhớ đời vì ba tôi bảo "làm như vậy là ngu, thấy em hay bất kỳ ai té xuống sông con phải la thật lớn để mọi người tới giúp. Một mình con không thể nào cứu em được mà còn bị níu kéo chết chìm luôn". Đúng là như vậy! Đó là bài học nhớ đời mà tôi luôn ý thức khi lớn lên trên vùng sông nước Cửu Long.

Mickey

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Đề thi môn văn nói đến tấm gương cứu người Nguyễn Văn NamTruy tặng Huân chương dũng cảm cho người học trò cứu bạn“Nam là tấm gương cho thanh niên học tập”Chủ tịch nước xúc động trước hành động cứu người của NamQuên mình cứu người

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên