19/05/2011 11:13 GMT+7

"Nếu không hài lòng, ông Khương có thể kiện"

TUẤN PHÙNG thực hiện
TUẤN PHÙNG thực hiện

TTO - Sau khi Cục Hàng không VN (HKVN) thông báo kết luận về việc xác minh vụ việc trên chuyến bay VN1169 ngày 18-4, ông Lại Xuân Thanh - Phó cục trưởng Cục HKVN - cho biết nếu không hài lòng với kết luận và quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cục này, huấn luyện viên Lê Minh Khương có thể khiếu kiện ra tòa hành chính.

I0xpcxZ9.jpgPhóng to
Ông Lại Xuân Thanh - Phó cục trưởng Cục HKVN - Ảnh: T.Phùng

Ông Thanh nói:

- Sau kết luận về việc xác minh vụ việc trên chuyến bay, việc tiếp theo là Thanh tra cục HKVN sẽ lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành khách Lê Minh Khương. Nếu ông Khương không ký vào biên bản thì thanh tra hàng không sẽ làm các thủ tục đúng theo quy định trước khi ra quyết định xử phạt.

* Thưa ông, việc thanh tra cục HKVN dựng lại hiện trường, không có mặt ông Khương làm ông Khương không hài lòng và không chấp nhận dự thảo kết luận?

- Việc dựng lại hiện trường là để nhân chứng mô tả lại sự việc trên thực địa cho chính xác, xác nhận lại thông tin của các nhân chứng nói ông Khương bị đánh chứ không phải xác minh hành vi vi phạm của ông Khương. Ở hiện trường đó các nhân chứng kể, nhìn thấy thế nào nhằm xác nhận thông tin của các nhân chứng khi ông Khương luôn khẳng định là mình bị đánh.

* Ông Khương có thể không hài lòng và khởi kiện các quyết định của cục HKVN, ông đã dự liệu tình huống này?

- Đó là quyền được pháp luật quy định. Cục HKVN đã ký văn bản kết luận có nghĩa là chấp nhận việc này.

* Kết luận sự việc có khẳng định nhân viên mặt đất của Vietnam Airlines (VNA) chỉ bộ đàm vào mặt ông Khương. Pháp luật về hàng không có chế tài cho các hành vi này không, thưa ông?

- Kết luận này chỉ là xác minh vụ việc trên chuyến bay. Khuyến cáo ở đây là có thể VNA phải tập huấn lại quy trình tác nghiệp của nhân viên. Ở đây có sự sai sót nên cũng có thể cân nhắc hình thức khiển trách.

* Kết luận của cục HKVN có đề cập nhân viên mặt đất của VNA đã xác nhận có dứ dứ bộ đàm vào mặt ông Khương và nói "ai cũng như ông thì làm sao tàu bay bay đúng giờ được". Việc này có bị coi là hành vi gây rối, xúc phạm ông Khương và cần xử lý không thưa ông?

- Luật hàng không không quy định hành vi cụ thể thế nào nhưng hành vi của một nhân viên như thế là không được.

Hành vi ông Khương xảy ra trước khi nhân viên mặt đất có hành vi dứ bộ đàm cụ thể là việc ông Khương gây rối xảy ra khi tàu bay chuẩn bị cất cánh. Vì thế việc chỉ bộ đàm vào mặt ông Khương không liên quan đến hành vi bị xử lý của ông Khương. Hành vi ông Khương bị xử lý là đứng dậy, nói to, mạt sát tiếp viên. Hành động của nhân viên mặt đất VNA chưa gây hậu quả nhưng chưa đến mức phải xử lý mà cần được khuyến cáo.

* Cụ thể, ông Khương đã mạt sát như thế nào, thưa ông?

- Theo tường thuật của tiếp viên và nhân chứng có ghi lại: ông Khương lớn tiếng; gọi tên tiếp viên nói là con này, con kia, nói là "tao sẽ ghi tên chúng mày và gọi cho Cục trưởng đuổi hết chúng mày".

* Ông Khương có xác nhận việc này hay không?

- Ông Khương không xác nhận gì cả. Ông ấy nói là rất từ tốn đòi lại thẻ lên tàu bay. Cả hai lần làm việc với cục ông Khương đều không xác nhận việc mình to tiếng, gây rối.

* Qua vụ việc này, rõ ràng nhân viên VNA cũng có sai sót và hãng này cũng đã đề cập việc cấm bay với ông Khương. Ông có đánh giá gì về việc này?

- Việc đề cập khả năng cấm bay chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo VNA, và họ khẳng định hoàn toàn không có thông tin chính thức về việc đưa danh sách ông Khương vào danh sách cấm bay. Và chúng tôi chấp nhận giải trình đó. Tôi không rõ người phát ngôn của VNA phát ngôn việc này trong trường hợp nào, trong cuộc họp nào vì tôi không tham dự.

Nếu phát ngôn đề cập chuyện cấm bay với ông Khương theo tư cách đại diện cho VNA là không đúng. Vì nghị định 81, trao quyền lập danh sách cấm bay cho Cục HKVN.

* Cụ thể qua vụ việc này, VNA phải rút kinh nghiệm gì thưa ông?

- VNA phải rút kinh nghiệm trong quy trình. Khi máy bay phải dừng lại giữa chừng, hàng không quốc tế có đưa ra những quy định rất nghiêm ngặt. Khi hành khách muốn xuống giữa chừng phải phục vụ hành khách. Quy trình nội bộ là nhân viên của hãng phải lấy thẻ lên tàu bay để xác nhận hành khách, kiểm tra hành lý để đưa hành lý xuống. Vì thế VNA phải thực hiện đúng quy định đấy về mặt an ninh để không làm ảnh hưởng đến hành khách.

Cái thứ hai là ứng xử của nhân viên mặt đất của VNA, phải giáo dục và phổ biến nhân viên của mình khi làm việc không được có các hành vi không được chấp nhận, bất lịch sự.

* Cục HKVN cũng sẽ rút kinh nghiệm sau vụ việc này ?

- Hiện nay hành khách chỉ mới được tuyên truyền về quyền mà chưa tuyên truyền về nghĩa vụ. Cục HKVN cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, về quyền và nghĩa vụ của hành khách khi đi tàu bay để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của hành khách, của xã hội, của ngành; không để các vụ việc đáng tiếc xảy ra.

TUẤN PHÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên