23/07/2019 17:10 GMT+7

'Nếu không có tiền thì đóng cửa dự án và tôi sẽ ký trả, chấp nhận kỷ luật'

N.AN
N.AN

TTO - Ông Trần Sỹ Thanh - chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) - khẳng định như vậy khi đề xuất tháo gỡ khó khăn liên quan đến dự án nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư khoảng 41.799 tỉ tại cuộc họp sáng 23-7.

Nếu không có tiền thì đóng cửa dự án và tôi sẽ ký trả, chấp nhận kỷ luật - Ảnh 1.

Ông Trần Sỹ Thanh nhận trách nhiệm trong đề xuất xin tăng vốn cho dự án nhiệt điện Thái Bình 2 - Ảnh: N.AN

Cụ thể ông Trần Sỹ Thanh khẳng định: "Nếu không có tiền thì đóng cửa dự án và tôi sẽ ký trả dự án, tôi chấp nhận kỷ luật. Không vay được thì phải bỏ tiền túi ra làm, hoặc đi vay chỗ khác, cơ cấu tài chính thì chúng tôi sẽ tự thu xếp".

Nếu không có tiền thì trả dự án...

Cuộc họp "giải cứu" dự án nhiệt điện Thái Bình 2 tổ chức ngay tại dự án kéo dài tới hơn 12h trưa với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên và Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh.

Trước đó đã có nhiều cuộc họp của trung ương, bộ ngành để tháo gỡ khó khăn cho dự án song đến nay vẫn chưa có giải pháp, quyết sách cụ thể nào được đưa ra. Trong khi đó, tổng thầu EPC là Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan đến nhiều sai phạm, nhiều lãnh đạo đã bị khởi tố khiến các ngân hàng cắt tín dụng không cho vay.

"PVC đến nay tan nát, vì dính nhiều vụ án khác của tập đoàn, không có dự án nào của PVC  không có án cả, không còn người để làm nữa. Nhưng không thể thay PVC vì sẽ nguy hiểm hơn. PVC danh nghĩa là pháp nhân triển khai dự án nhưng bản chất vận hành, điều hành là PVN đang thực hiện" - ông Thanh nhấn mạnh.

Ông Thanh nói việc thanh toán và chi trên hệ thống định mức không có, đẩy những người thực hiện vào tình thế luôn đối mặt với rủi ro pháp lý, doanh nghiệp ở tình thế "sống dở chết dở" khi không thể giải ngân được. Chưa kể, hồ sơ pháp lý không rõ ràng, dù có tiền cũng khó thanh toán.

Ông Thanh nói: "Hiện dự án đạt 84% khối lượng, tiền thanh toán 60%, công nhân chỉ còn 300 người vì không có tiền trả lương, công nhân sống bằng lương, không có tiền thì lấy gì thanh toán" - ông Thanh đặt câu hỏi.

Cuối cùng, theo chủ tịch PVN, khó khăn lớn nhất là vấn đề tư tưởng vì nhiều cán bộ nhân viên "hoang mang" khi bị tra hỏi, xử lý. Dẫn tới nhiều cán bộ, công nhân kỹ thuật ngành dầu khí được đào tạo bài bản xin nghỉ việc.

"Hội đồng thành viên mỗi người đã ký một chữ ký, nhưng bộ ngành cấp trên lại chần chừ, không có quyết sách cụ thể ngay. Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về sử dụng đồng tiền, nhưng phải bật đèn xanh cho chúng tôi đi" - ông Thanh nhấn mạnh.

Chậm 1 năm, thiệt hại thêm 35.000 tỉ đồng

Ông Hoàng Quốc Vượng - thứ trưởng Bộ Công thương - cho biết dự án khi đi vào vận hành sẽ sản xuất 7 tỉ kWh điện. Do đó, trong bối cảnh nguồn cung điện gặp nhiều khó khăn, dự kiến năm 2021 thiếu 6,6 tỉ kWh điện, 2022 thiếu 11,8 tỉ kWh và 2023 thiếu 15 tỉ kWh… thì sẽ phải huy động chạy dầu. 

Vì vậy, nếu dự án chậm đi vào vận hành 1 năm thì phải chạy dầu để bù vào, mất thêm 35.000 tỉ đồng. Việc dự án Thái Bình 2 đưa vào vận hành theo ông Vượng sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước - đồng tình với việc tăng thêm vốn chủ đầu tư cho dự án để tiếp tục triển khai dự án. Song ông lưu ý cần đánh giá lại năng lực nhà thầu, cần phải bổ sung thêm đơn vị có năng lực, có sự gánh vác và chia sẻ đủ máy móc và con người để hoàn thành dự án. 

Đồng thời cần nhìn nhận thấu đáo hiệu quả đầu tư dự án, bởi nếu không đánh giá kỹ lưỡng có thể mất thêm tiền cho dự án. Ngoài ra, cần có phương án đảm bảo đội ngũ nhân công triển khai dự án hiệu quả.

Ông Trần Sỹ Thanh khẳng định sẽ chịu trách nhiệm với Bộ Chính trị và Trung ương, chấp nhận kỷ luật và thiết tha đề nghị đồng ý đề xuất của tập đoàn trong việc tăng thêm vốn đầu tư cho dự án.

Sẽ chịu trách nhiệm về tăng và sử dụng vốn

"Nếu bắt tập đoàn đánh giá hiệu quả dự án thì ai tin, đánh giá thì đánh giá rồi, tổ công tác của bộ và liên ngành có làm rồi. Trong khi nếu chậm một ngày phải trả 6 tỉ đồng lãi ngân hàng phần đi vay. Tôi thiết tha đề nghị phải có ý chí, quyết tâm đi tiếp, để cho anh em chúng tôi có niềm tin. Riêng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, về mặt pháp lý để dự án này có thể phát điện" - ông Thanh khẳng định.

Ông Nguyễn Hồng Diên - bí thư Tỉnh ủy Thái Bình - đề nghị PVN tập trung rà soát, xác định rõ nhu cầu vốn, nhiệm vụ và nội dung giải ngân, xác định rõ lộ trình đưa dự án đi vào hoạt động, cam kết rõ ràng cần bao nhiêu vốn, chi vào nội dung gì, lộ trình thực hiện như thế nào để Chính phủ và các cấp có thẩm quyền có đủ niềm tin ra quyết định.

Ông Diên đề nghị 4 đơn vị chủ trì họp hôm nay cần có văn bản khẩn thiết đề nghị Đảng và Nhà nước cho PVN cơ chế đặc biệt huy động vốn chủ sở hữu hoặc vốn vay và cơ chế giải ngân vốn để tháo gỡ cho dự án.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh các ý kiến thống nhất là tháo gỡ khó khăn cho dự án nhiệt điện Thái Bình 2. Trong đó, giải pháp tập trung là đồng ý tăng thêm vốn của chủ đầu tư để tiếp tục triển khai các hạng mục dự án, đảm bảo năm 2020 sẽ phát điện tổ máy đầu tiên nhưng phải đảm bảo tổng mức đầu tư không thay đổi.

"Đây là dự án có ý nghĩa, khi đi vào phát điện sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cho nguồn vốn đầu tư. Nếu không triển khai thì sẽ còn lãng phí hơn nữa và phải chịu trách nhiệm với nhân dân. Bộ Công thương sẽ điều chỉnh, bổ sung để có báo cáo để Thủ tướng có cơ sở quyết định, đảm bảo triển khai dự án và tránh thất thoát" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói. 

Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 có quy mô công suất 1.200 MW thuộc Trung tâm điện lực Thái Bình.

PVC được lựa chọn làm tổng thầu EPC của dự án từng do ông Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch, với giá trị hợp đồng là 918,5 triệu USD và 5.874 tỉ đồng.

Sau đó PVN đã phê duyệt tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh khoảng 41.799 tỉ đồng.

Nhiệt điện Thái Bình 2 sốt ruột chờ tháo gỡ dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 sốt ruột chờ tháo gỡ dự án

TTO - Tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh xã hội vùng dự án… là những vấn đề cấp bách cần lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại để đưa dự án NMNĐ Thái Bình 2 về đích, phát điện.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên