26/12/2022 08:13 GMT+7

Nếu giải ngân dưới 30%: Không giải quyết thu nhập tăng thêm

ÁI NHÂN
ÁI NHÂN

Việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ rất quan trọng, có tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Nếu giải ngân dưới 30%: Không giải quyết thu nhập tăng thêm - Ảnh 1.

Để đẩy mạnh tỉ lệ giải ngân, TP.HCM sẽ tổ chức đánh giá, xếp loại đối với tổ chức, cá nhân gắn với kết quả giải ngân đầu tư công năm 2022 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Để đẩy mạnh tỉ lệ giải ngân, TP sẽ tổ chức đánh giá, xếp loại đối với tổ chức, cá nhân gắn với kết quả giải ngân đầu tư công năm 2022.

Mới đây, UBND TP.HCM ban hành công văn 4923 truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, đồng ý với báo cáo số 5962 (về tình hình giải ngân vốn đầu tư công) và đề xuất của Sở Nội vụ. Theo đó TP sẽ tiến hành đánh giá, xếp loại đối với tổ chức, cá nhân về triển khai thực hiện giải ngân đầu tư công trong năm 2022.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công là vướng mắc lớn mà TP rất quan tâm trong năm 2022, nhất là trong hoàn cảnh TP đang phục hồi kinh tế, thực hiện đầu tư nhiều dự án lớn như metro 2, đường vành đai 3, chống ngập... Tuổi Trẻ trao đổi với Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân về công tác đánh giá, xếp loại trên.

Nếu giải ngân dưới 30%: Không giải quyết thu nhập tăng thêm - Ảnh 2.

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân

Gắn trách nhiệm tăng giải ngân

* Mục tiêu của TP muốn hướng đến là gì khi đánh giá, xếp loại các tổ chức, cá nhân gắn với tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn TP, thưa ông?

- Hiện nay, TP đang cố gắng thực hiện các giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19. Việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ rất quan trọng, có tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP. 

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND TP căn cứ vào mức độ hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao (trách nhiệm với việc giải ngân đầu tư công) ban hành công văn 4923 về hướng dẫn đánh giá, xếp loại và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong công tác thực hiện giải ngân đầu tư công năm 2022.

* Việc đánh giá trách nhiệm gắn với bốn mức tỉ lệ giải ngân dựa trên cơ sở nào? Với bốn mức này có đủ phân hóa, đánh giá trách nhiệm các đơn vị, tổ chức, cá nhân?

- Việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định nghị định số 90/2020/NĐ-CP, trong đó quy định cụ thể các tiêu chí đạt được để được đánh giá, xếp loại theo các mức tương ứng. 

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức được xếp loại mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ... thì phải đạt các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao đều hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng hiệu quả cao. Trong đó một số tỉ lệ các chỉ tiêu phải đạt, đạt vượt mức... 

Căn cứ quy định trên, Sở Nội vụ đề xuất các mức đánh giá, xếp loại và được UBND TP hướng dẫn chia thành bốn mức. Cụ thể: đối với các cơ quan, đơn vị có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 dưới 30% thì thủ trưởng không được xem xét đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2022; không xem xét giải quyết thu nhập tăng thêm; tập thể lãnh đạo, đơn vị không được xem xét tặng bằng khen của UBND TP và bộ ngành, trung ương. Đơn vị có thể sẽ nhận văn bản phê bình từ UBND TP.

Nếu giải ngân dưới 30%: Không giải quyết thu nhập tăng thêm - Ảnh 3.

Với các cơ quan, đơn vị có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 từ 30 - 50%, hình thức xử lý trách nhiệm cũng tương tự như trên. Đối với thủ trưởng đơn vị sẽ không được xét đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022 và chỉ giải quyết thu nhập tăng thêm đối với quý 4-2022 ở mức hoàn thành nhiệm vụ.

Nếu tỉ lệ giải ngân năm 2022 từ 51 - 79%, thủ trưởng của cơ quan, đơn vị được xem xét đánh giá hoàn thành nhiệm vụ năm 2022 ở mức từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; được xem xét giải quyết thu nhập tăng thêm đối với quý 4 tùy đánh giá thực tế. Tập thể, lãnh đạo đơn vị được xét tặng bằng khen của UBND TP và bộ, ngành trung ương.

Riêng đối với các cơ quan, đơn vị có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 từ 80% trở lên, thủ trưởng sẽ được xem xét đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022; được giải quyết thu nhập tăng thêm và xét tặng bằng khen của UBND TP và bộ, ngành trung ương.

Nếu giải ngân dưới 30%: Không giải quyết thu nhập tăng thêm - Ảnh 4.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công là vướng mắc lớn trong lúc thành phố đang thực hiện đầu tư nhiều dự án lớn như metro 2, đường vành đai 3, chống ngập. Trong ảnh: khu vực được giải tỏa để xây dựng nhà ga của tuyến metro Bến Thành - Tham Lương đoạn qua quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Duy trì đánh giá trách nhiệm giải ngân

* Việc đánh giá, xếp loại dựa trên tỉ lệ giải ngân này sẽ áp dụng ngay cho năm 2022? TP sẽ đánh giá, xếp loại với bao nhiêu đơn vị tương ứng các mức?

- Công văn số 4923 của UBND TP ban hành để đánh giá, xếp loại và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong công tác thực hiện giải ngân đầu tư công ngay cho năm 2022. Vì công văn của TP mới ban hành nên hiện các cơ quan, đơn vị đang tổ chức triển khai thực hiện.

* Liệu việc đánh giá, xếp loại dựa trên tiêu chí giải ngân có được duy trì trong những năm tới để thúc đẩy hơn nữa tỉ lệ giải ngân, phát triển kinh tế - xã hội TP?

- Công văn 4923 của UBND TP hướng dẫn thực hiện đánh giá cho năm 2022. Sau khi các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện và báo cáo, Sở Nội vụ sẽ tổng hợp, nghiên cứu tham mưu UBND TP tiếp tục hướng dẫn cho những năm tiếp theo. Với chủ trương gắn trách nhiệm đối với công tác giải ngân đầu tư công, TP sẽ đẩy mạnh hơn nữa tỉ lệ giải ngân trong thời gian tới.

Nếu giải ngân dưới 30%: Không giải quyết thu nhập tăng thêm - Ảnh 5.

Tỉ lệ giải ngân là tiêu chí đánh giá trách nhiệm cán bộ trong năm 2022 và có thể duy trì ở các năm tiếp theo. Trong ảnh: giải quyết thủ tục hành chính ở TP Thủ Đức - Ảnh: Q.ĐỊNH

Lãnh đạo quận nói gì?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một quận của TP.HCM cho hay các quận, huyện của TP có tỉ lệ giải ngân dự kiến đến hết năm 2022 là khá cao. Các địa phương dự kiến đạt tỉ lệ giải ngân từ 90% trở lên như quận 8, quận 12...

"Quận, huyện chủ yếu đầu tư công vào các dự án số vốn nhỏ, không quá khó khăn về thúc đẩy đầu tư, giải ngân so với các ban, ngành của TP. Việc TP đánh giá, xếp loại căn cứ vào tiêu chí giải ngân đầu tư công sẽ thúc đẩy tất cả các đơn vị, tổ chức, cá nhân cùng phấn đấu hơn nữa", vị này nói.

THÁI AN

Ông Lương Minh Phúc (giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM): Tiêu chí giải ngân là động lực cho các đơn vị

Tính đến nay, tỉ lệ giải ngân của đơn vị đạt khoảng 40%. Hiện nay đơn vị vẫn đang cùng các đơn vị khác, các địa phương triển khai khởi công một số dự án giao thông trọng điểm gồm dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức), mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh)...

Sau khi giải ngân vốn đầu tư tại các dự án này thì tỉ lệ giải ngân sẽ tăng lên. Theo dự kiến, Ban Giao thông đang chờ đến ngày 15-1, khi các địa phương cơ bản xong thủ tục về đơn giá, bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều dự án thì tỉ lệ giải ngân của ban đạt hơn 90%. Về việc lấy kết quả giải ngân của các đơn vị làm tiêu chí chấm điểm thì Ban Giao thông rất ủng hộ. Đây có thể xem là động lực để các đơn vị có thể cố gắng hơn nữa hoàn thành nhiệm vụ được giao.

THU DUNG

Xếp loại cán bộ gắn với giải ngân đầu tư công là cần thiết

Đây không phải là lần đầu tiên TP tiến hành các công cụ đánh giá cán bộ gắn với trách nhiệm công việc. Từ đầu nhiệm kỳ Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu các lãnh đạo nhậm chức phải có chương trình hành động.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trương Minh Huy Vũ (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho biết như trên. Theo ông, đầu tư công là một lĩnh vực ưu tiên của kinh tế TP trong giai đoạn phục hồi năm 2022 và từ đây đến cuối nhiệm kỳ.

Nhưng thực tế hai năm vừa qua, khi nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn thì khả năng sắp xếp vốn còn chưa đáp ứng đầy đủ được; nhiều chỗ có tiền vẫn không thể xài. Vì thế đây là điểm nghẽn cần phải giải quyết, cả về kỹ thuật lẫn về chính sách cán bộ.

CCHC_DANHGIA_HAILONG_BINHTHANH

Đánh giá, xếp loại tổ chức, cá nhân gắn với trách nhiệm giải ngân đầu tư công sẽ cải thiện năng lực đầu tư công của thành phố - Ảnh: TỰ TRUNG

Tiến hành đánh giá, xếp loại đối với tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện giải ngân đầu tư công mỗi năm, theo ông Vũ, hướng tới hai mục tiêu quan trọng: một là cải thiện năng lực thực thi trong một lĩnh vực ưu tiên của TP và hai là đánh giá - sắp xếp cán bộ dựa trên kết quả thực hiện.

Với vấn đề phối hợp trong thực thi, cơ chế tổ công tác do lãnh đạo UBND TP làm tổ trưởng, thành viên bao gồm lãnh đạo các sở, cơ quan liên quan và chủ tịch quận huyện đang và sẽ là một biện pháp quan trọng.

Theo ông Vũ, các tổ công tác này sẽ nhận diện và phân chia các vấn đề ra thành ba nhóm: a) nhóm vấn đề khả thi có thể xử lý được liền, đề xuất ra lộ trình để triển khai; b) nhóm vấn đề có thể làm nhưng phải xin ý kiến cấp trên theo thẩm quyền (hiện nay cũng đã có tổ công tác tháo gỡ các vấn đề vướng mắc tại TP.HCM của Thủ tướng) và c) nhóm dự án không khả thi trong ngắn hạn vì nhiều lý do khách quan, mạnh dạn đề xuất đưa ra hoặc giao cho các cơ quan nghiên cứu đánh giá, tìm thời điểm phù hợp khác.

ÁI NHÂN

Mục tiêu giải ngân đầu tư công năm 2023 đạt từ 95%

Tại khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam ngày 17-12-2022, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng trăn trở về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công của TP.

Đối với các giải pháp tăng tốc giải ngân đầu tư công, UBND TP.HCM đã ban hành chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công 2022, lập ba tổ công tác hỗ trợ các nhóm dự án có vốn lớn, cải cách hành chính trong quản lý đầu tư công, tổ chức hội nghị giao ban định kỳ hằng tháng để rà soát, đẩy nhanh tiến độ.

Với định hướng và các giải pháp nêu trên, mức vốn kế hoạch đầu tư công của TP được kỳ vọng phân bổ trong năm 2023 là hơn 70.000 tỉ đồng, cao gần gấp hai lần so với mức vốn đầu tư công TP đã triển khai trong năm 2022. Và trong chỉ tiêu về phát triển kinh tế năm 2023, TP đặt mục tiêu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% trở lên.

Nguồn vốn đầu tư công năm 2023 sẽ được thực hiện giải ngân có hiệu quả, cao hơn nhiều lần về giá trị tuyệt đối và cải thiện hơn về tỉ lệ giải ngân vốn so với năm 2022.

CẨM NƯƠNG

Giải ngân vốn đầu tư chậm, người đứng đầu đơn vị có thể bị phê bình, cắt thu nhập tăng thêm Giải ngân vốn đầu tư chậm, người đứng đầu đơn vị có thể bị phê bình, cắt thu nhập tăng thêm

UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn thống nhất đề xuất của Sở Nội vụ về thực hiện đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên