11/03/2014 07:01 GMT+7

Nên trả đất lại cho dân khi chưa đầu tư

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TTO - Việc hàng loạt khu kinh tế cửa khẩu đổ hàng ngàn tỉ đồng nhưng giờ đây hoạt động èo uột, theo TS Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế VN, là do đã có quá nhiều các khu này, trong khi các chính sách thu hút đầu tư lại không đủ hấp dẫn. Ông Thiên nói:

Các khu kinh tế cửa khẩu: “Ôm” rượu bia ngoại chờ giải cứu

Phóng to
Hàng loạt gian hàng trong khu thương mại cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) đóng cửa vì không có khách - Ảnh: Đ.Vịnh

- Tại VN hiện gần như tỉnh thành nào cũng có khu công nghiệp (KCN), tổng số KCN đã lên gần 300. Ngoài ra, chúng ta còn có 15 khu kinh tế ven biển với diện tích gần 700.000ha. Đó là chưa kể khoảng 28 khu kinh tế cửa khẩu, rồi còn khu chế xuất... Tôi làm phép tính thấy tổng diện tích các KCN, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển... đã lên đến khoảng 1 triệu ha. Trong khi đó, tỉ lệ lấp đầy trung bình của các khu này mới 40-50%. Tính ra chúng ta còn 500.000-600.000ha cần đầu tư để lấp đầy. Tôi từng tính nếu trung bình mỗi hecta cần khoảng 3 triệu USD đầu tư thì VN còn cần tới 1.500-1.800 tỉ USD. Tính theo phương án thấp thì cũng cần tới trên 1.000 tỉ USD mới lấp đầy được, mới giúp các khu kinh tế bớt đìu hiu.

* Theo ông, nhiều khu kinh tế cửa khẩu như Mộc Bài (Tây Ninh), Tịnh Biên (An Giang) vắng vẻ có phải do tình trạng “lạm phát” KCN, khu kinh tế một thời?

"Các loại khu, kể cả đặc khu của VN đang tranh luận mãi mà chưa thống nhất được là thể chế, ưu đãi nên ở tầm nào, mức cao của VN hay của thế giới? Nên mở ra thì nhiều mà thu hút được vẫn ít"

TS Trần Đình Thiên

- Với số lượng KCN, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển... chúng ta đã tạo ra, câu hỏi là thế giới bao giờ gom đủ trên 1.000 tỉ USD để lấp đầy cho VN? Họ còn bao nhiêu chỗ chứ không phải chỉ có VN. Không lấp đầy được, câu chuyện các khu kinh tế thay vì cạnh tranh quốc tế thì dễ lại đi cạnh tranh với chính các khu của VN. Mà lập khu rồi không lấp đầy thì ảnh hưởng đến thành tích, dân kêu vì thu hồi đất của họ, ngân sách cũng không có... rất dễ sinh tâm lý đặt mục tiêu cao nhất là lấp đầy. Hệ quả là chất lượng đầu tư sẽ kém. Rồi sau đó chúng ta lại tự hỏi: tại sao công nghiệp của VN sau bao năm giờ vẫn chủ yếu là gia công lắp ráp?

* Ngoài việc trót có nhiều khu kinh tế, theo ông, sâu xa vì sao các KCN, khu kinh tế VN mãi ít nhà đầu tư lớn?

- Chủ trương của ta trước đây chọn cửa khẩu biên giới để tiếp nối, mở cửa; thứ hai là khu ven biển... để tạo sức thu hút, tạo bàn đạp phát triển. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn không thu hút được. Vì các khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển vẫn na ná KCN. Vậy thì làm sao hấp dẫn được nước ngoài? Ta cứ chú trọng vào ưu đãi ngắn hạn như thuế, đất đai... nên nhà đầu tư nhỏ, di chuyển nhanh họ vào, hưởng xong họ sẽ tính để đi. Nhưng khi thu hút được những ông nhỏ, khoa học công nghệ không cao thì những ông lớn khác sẽ ngại vào. Bởi đó không phải là khu dành cho họ, đẳng cấp họ khác.

* Thủ tướng đã ra chỉ thị số 07/2012 về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, KCN... Theo ông, như thế đã đủ chưa, cần làm gì thêm để giúp các kiểu khu kinh tế phát triển?

- Chỉ thị khắc phục được tình trạng KCN vừa lấp đầy được một ít đã muốn mở khu mới. Điều này sẽ tránh được việc có quá nhiều KCN trong khi khả năng thu hút đầu tư có hạn. Tuy nhiên, tôi nghĩ chỉ riêng một chỉ thị là chưa đủ. Để tránh lãng phí, quan trọng nhất là thể chế. Phải học thế giới xem khu kinh tế thì họ cần hạ tầng thế nào, quản trị ra sao. Rồi quy định như thủ tục hành chính, nhân lực, hải quan, thuế... thế giới họ đạt đến mức nào rồi để thay đổi cho thích ứng. Không nên nghĩ ưu đãi như hiện tại là tốt rồi. Ưu đãi mà người ta không vào, hoặc vào nhưng không được như mong muốn thì nên xem lại.

* Giờ nên ứng xử thế nào với những khu kinh tế cửa khẩu đìu hiu, có nên chấp nhận các giải pháp ngắn hạn như gia hạn miễn thuế cho hàng tồn kho như ở Tịnh Biên, An Giang?

- Đã trót đầu tư rồi giờ phải chấp nhận. Việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần thiết. Nhưng đó chỉ là tình thế, gia hạn miễn giảm thuế mà cứu được doanh nghiệp lâu dài thì giảm. Nếu không thì phải xem lại, bởi níu kéo cái cũ cũng khó phát triển. Theo tôi, khu nào đã làm rồi thì cần các cơ quan nên ngồi tính lại, xem liên kết với các khu vực khác thế nào, đề ra giải pháp tăng tính hấp dẫn hơn... Còn khu vực nào chưa có đầu tư thì nên trả lại đất cho dân. Long An đã làm việc này, dân rất hoan nghênh.

Nếu muốn làm khu kinh tế mở thì ta nên làm theo chuẩn mực thế giới, đẳng cấp cao. Trung Quốc làm năm đặc khu nhưng tập trung nâng cao chất lượng thể chế, độ mở thì họ phát triển rất mạnh, sức lan tỏa ra ngoài cao.

Ta đang cạnh tranh quốc tế thật sự, chẳng hạn mở đặc khu kinh tế ở Vân Đồn (Quảng Ninh) thì phải tính tới việc cạnh tranh với Dubai, Hong Kong... mới thành công được. Muốn làm một đặc khu tương đương Thâm Quyến (Trung Quốc), làm sau họ bao nhiêu năm mà thể chế, ưu đãi của VN thấp hơn Thâm Quyến thì làm sao thu hút được. Chúng ta đi sau nên học tập nghiêm túc kinh nghiệm thành công và cả thất bại của thế giới để tránh.

Mở ra nhiều nhưng thu hút không đáng kể

Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, tính đến hết tháng 12-2013 VN có 289 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên 81.000ha; 15 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích hơn 697.800ha... Từ khi mở cửa đến hết tháng 12-2013, các KCN trên cả nước đã thu hút được 5.075 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 75,8 tỉ USD. Tuy nhiên, vốn thực hiện chỉ đạt 55%. Các khu kinh tế ven biển mới thu hút được 199 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 36,1 tỉ USD (vốn thực hiện chỉ đạt 20%). Các khu kinh tế ven biển cũng có 624 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 445.500 tỉ đồng (vốn thực hiện đạt 38%).

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên