Phóng to |
Ngoài sự tranh luận và góp ý, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của GS.TSKH Lâm Quang Thiệp (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD -ĐT) về vấn đề này.
Sẽ thi ĐH nhiều mônNhiều ý kiến trái chiều
Kỳ thi tuyển sinh đại học ở nước ta được cả xã hội quan tâm, vì nhiều người thấy đó là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của mỗi thanh niên. Để tìm được giải pháp hợp lý cho thi tuyển sinh đại học cần phải có quan niệm đúng đắn và chuẩn bị tốt về công nghệ. Kinh nghiệm thực tế VN trong những năm qua có thể giúp ta làm việc đó.
Từ những bất cập của các khối thi đại học vừa qua mà báo chí nói nhiều, tôi cho rằng dự kiến của Bộ GD-ĐT về việc tổ chức thi đại học nhiều môn là hợp lý. Tuy nhiên, bước đầu không nên tổ chức thi quá nhiều môn, mà chỉ nên quy định ba môn chung tiếng Việt, toán và ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh). Ngoài ra, thí sinh cần thi thêm một môn tích hợp, hoặc là tự nhiên (trên nền lý, hóa, sinh) hoặc xã hội nhân văn tùy theo trường đại học đòi hỏi môn thi gì cho hướng ngành học mà thí sinh lựa chọn.
Phần lớn các trường đại học có thể sử dụng kết quả kỳ thi chung này để xét tuyển, các trường có yêu cầu đặc biệt thì dựa vào đó để sơ tuyển một số lượng gấp cỡ đôi ba lần chỉ tiêu, rồi tổ chức một đợt chung tuyển nữa trong số đã sơ tuyển bằng một đề thi tự luận cao hơn hoặc bằng vấn đáp. Để giảm sức ép về xã hội và tâm lý, nên tổ chức thi nhiều lần trong một năm. Cần lưu ý rằng cách thiết kế môn thi như đã nêu có thể sử dụng cho thi tuyển sinh đại học, đồng thời cũng áp dụng được cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, tức là “2 trong 1”.
Về phương pháp, phần lớn các môn thi trên nên dùng trắc nghiệm. Riêng môn tiếng Việt, ngoài phần trắc nghiệm nên có một đề tự luận ngắn, giới hạn thí sinh viết trong khoảng 30 phút và không quá một trang giấy thi. Yêu cầu viết ngắn để đánh giá khả năng tổng hợp của thí sinh, đồng thời tạo thuận lợi cho việc chấm bài.
Về môn toán, ngoài các câu hỏi lựa chọn đáp án có sẵn nên sử dụng các câu hỏi mà thí sinh phải tự ghi đáp án. Loại câu hỏi này đánh giá được cấp độ tư duy cao hơn và khả năng giải các bài toán ngắn, lại có thể chấm điểm tự động. Nếu yêu cầu cao hơn có thể ra một đề tự luận ngắn như môn tiếng Việt, tuy nhiên tôi nghĩ đối với phần lớn trường đại học, đánh giá tư duy định lượng như thế là tạm đủ, trường nào có yêu cầu cao hơn thì tổ chức ra thêm đề tự luận trong kỳ chung tuyển.
Một số người có thể muốn dùng phương pháp tự luận nhiều hơn trắc nghiệm. Tuy nhiên hiệu quả kỳ thi không phụ thuộc vào phương pháp một cách chung chung, mà vào điều kiện sử dụng phương pháp. Nên nhớ rằng: nếu chất lượng kỳ thi bằng trắc nghiệm phụ thuộc chủ yếu vào đề thi, thì chất lượng kỳ thi bằng tự luận phụ thuộc chủ yếu vào việc chấm điểm. Và với trình độ thấp của số đông người chấm được huy động, với thang điểm quy định kiểu đếm ý tính điểm một cách cứng nhắc thì một đề tự luận hay cũng sẽ biến thành một đề trắc nghiệm tồi!
Vấn đề cuối cùng: lộ trình và sự chuẩn bị về công nghệ. Có thể nói từ khi Cục Khảo thí ra đời đến nay chúng ta đã mất tám năm mà công nghệ cho các kỳ thi quốc gia giẫm chân tại chỗ! Cho nên tôi rất ủng hộ ý kiến của Thứ trưởng Bùi Văn Ga là cần một lộ trình khoảng ba năm để chuẩn bị cho học sinh, giáo viên và đặc biệt đào tạo một đội ngũ ra đề tương đối chuyên nghiệp, cũng như xây dựng các ngân hàng câu hỏi bài bản theo khoa học đo lường hiện đại trong giáo dục.
Phương pháp trắc nghiệm cho phép đánh giá mọi cấp độ nhận thức từ thấp đến cao, nhưng chỉ đội ngũ chuyên nghiệp mới chế tác được loại câu hỏi có chất lượng tốt. Cần chuẩn bị cẩn thận, tuy nhiên ba năm cũng không phải là dài, phải có đề án khoa học và quyết tâm triển khai ngay một cách bài bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận