Phóng to |
Tôi đã tìm việc nhưng không được tuyển... - Ảnh minh họa: timesofindia.indiatimes.com |
Tôi đã ứng tuyển một vài vị trí nhân viên kế hoạch nhưng chỉ qua hai vòng phỏng vấn mà không được tuyển dụng.
Tôi cũng muốn làm kế toán cho phù hợp với chuyên ngành học nhưng không tự tin với những gì mình có: tốt nghiệp từ năm 2008 nhưng chưa làm công việc của nhân viên kế toán ngày nào; kiến thức học ở trường cũng phần nào quên và đã có nhiều thay đổi về chế độ kế toán mới; hầu hết các công ty đều yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm ít nhất một năm.
Tôi đã nộp hồ sơ vào một số công ty nhưng không được hồi âm, tôi nghĩ có lẽ có nhiều ứng viên sáng giá hơn tôi trong thời điểm này.
Tôi có tiết kiệm được 20 triệu đồng nên muốn kinh doanh nhỏ. Tôi muốn hùn vốn cùng người bạn để mở cửa hàng bán đồ trang sức pha lê, đá màu, inox... Hiện tôi đang phân vân không biết chọn hướng đi nào cho tương lai tươi sáng hơn. Mong chương trình gợi ý và tư vấn giúp tôi: tôi có nên đi làm theo chuyên ngành đã học hay làm trái ngành (làm mảng kế hoạch sản xuất), hay tự kinh doanh và nên kinh doanh gì?
(Nguyễn Thị Trang)
- Chào bạn. Bạn đang cần “một hướng đi cho tương lai tươi sáng”, muốn vậy, trước tiên hướng đi đó cần phù hợp với thực lực và ý muốn của chính bạn. Do vậy, để đi đến quyết định làm kế toán/kế hoạch sản xuất hay tự kinh doanh, bạn cần cân nhắc xem đâu là công việc đúng nhất với cả sở trường và sở thích bản thân. Một công việc phù hợp sẽ tiếp thêm nghị lực giúp bạn theo đuổi, phấn đấu và gắn bó lâu dài; đồng thời giúp bạn nhanh chóng gặt hái nhiều thành công. Hãy tìm ra công việc đó.
Với các vấn đề bạn gặp phải ở từng lựa chọn nghề nghiệp, chúng tôi gợi ý hướng giải quyết như sau:
- Kế toán: Bạn cần ứng tuyển vào các công việc kế toán xuất hóa đơn, kế toán bán hàng dành cho sinh viên mới ra trường/chưa có kinh nghiệm ở các công ty nhỏ và vừa. Nếu bạn có khả năng ngoại ngữ tốt, bạn có thể thử sức ở các công ty nước ngoài. Bên cạnh đó, bạn nên thuyết phục nhà tuyển dụng bằng những tính cách và kỹ năng phù hợp với lĩnh vực kế toán nếu có, ví dụ: cẩn thận, chăm chỉ, tinh thần trách nhiệm cao…
- Kế hoạch sản xuất: Bạn đã vượt qua hai phỏng vấn nhưng không trúng tuyển, bạn nên trực tiếp hỏi nhà tuyển dụng lý do. Thái độ đặt câu hỏi chân thành và tinh thần cầu tiến sẽ giúp bạn nhận được sự chia sẻ thẳng thắn từ phía nhà tuyển dụng. Từ đó, bạn có thể tìm cách khắc phục vấn đề và trúng tuyển ở cơ hội tiếp theo.
- Tự kinh doanh: Với vấn đề “nên kinh doanh gì”, bạn cần thường cập nhật tình hình thị trường kinh tế trong nước từ các chuyên gia phân tích kinh tế/tài chính để có kiến thức và lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Bạn cũng có thể gửi thắc mắc đến các tòa soạn báo uy tín có chuyên đề tư vấn đầu tư kinh doanh/tài chính để có hướng dẫn cụ thể.
Kinh doanh còn phụ thuộc nhiều vào khả năng/tố chất của bạn, hãy cân nhắc xem bạn có khả năng giao tiếp tốt, thuyết phục khách hàng? Bên cạnh đó, để kinh doanh thành công, bạn cần lựa chọn mặt hàng thật sự yêu thích và có khả năng, chẳng hạn kinh doanh trang sức, bạn cần có năng khiếu thẩm mỹ; kinh doanh hoa tươi, bạn cần có tay nghề cắm hoa…
Dù bạn chọn hướng đi nào, hãy cam kết với bản thân và thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn có khả năng cân bằng giữa gia đình và công việc để đảm bảo luôn hoàn thành tốt công việc được giao.
Lựa chọn hướng đi phù hợp để có tương lai tươi sáng bạn nhé!
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận