Thứ nhất, nhiều phụ huynh có vẻ ưa chuộng cho bé uống sữa “formular” (công thức), ngay cả khi bé đã 3 tuổi. Thông thường loại sữa khá đắt tiền này chỉ thật sự cần thiết khi các bé ở trong năm đầu tiên thôi, cũng như sữa mẹ cần cho bé trong năm đầu. Sau 1 tuổi nếu bé vẫn uống nhiều sữa formular sẽ dễ có khả năng bị thừa cân, béo phì.
Đó là thực tế tôi đã thấy nhiều ở Mỹ nên muốn chia sẻ để phụ huynh ở Việt Nam không lặp lại sai lầm này. Với các bé, tốt nhất nên duy trì chế độ ăn cân bằng với gạo, rau, chất đạm, chứ những loại sữa hay thức ăn đắt tiền không hẳn đã là tốt.
Theo các nghiên cứu, bé khoảng sáu tháng có thể ăn ngũ cốc và thức ăn mềm, bé 7-9 tháng có thể ăn thức ăn nghiền, bé 9 tháng tuổi trở lên có thể nhai bánh quy.
Điều thứ hai tôi băn khoăn là nhiều bé đã lớn, có khi 6 tuổi nhưng chưa tự ăn được. Điều này có vẻ như là kết quả của thói quen nuôi dạy bé của bố mẹ, ông bà, người trong gia đình. Họ hay đút cho các bé ăn và rất hay dỗ dành, làm trò đủ kiểu để các bé ăn xong một bữa, có khi kéo dài hàng giờ hoặc hơn.
Cũng theo các nghiên cứu và từ quan sát thực tế tôi thấy bé từ 1 tuổi đã có thể ngồi tự ăn dần ở bàn. Lớn hơn chút nữa bé nhai tốt, biết đút muỗng vào miệng và xoay trở muỗng. Tới 16 tháng bé có thể cầm ly uống nước. Khoảng 2 tuổi bé có thể dùng muỗng ăn, dùng ly uống nước thoải mái. 3 tuổi bé có thể hoàn toàn ăn một mình, 4 tuổi bé tự đánh răng được.
Còn một điều nữa tôi cũng thấy lạ là nhiều bé đã mấy tuổi nhưng không tự ngồi một mình mà thường ngồi trong ghế dạng xe đẩy. Tôi nghĩ nếu rèn được thói quen tự lập cho các bé trong việc ăn uống, ngồi, đi đứng, sinh hoạt sẽ rất tốt cho sự phát triển của bé và cho cả gia đình (tiết kiệm được nhiều thời gian chăm bé như vậy).
Điều này cũng góp phần giúp các bé khi lớn lên trở thành những người độc lập, tự chủ trong cuộc sống.
Tôi thấy nhiều bậc cha mẹ có lẽ do bận rộn hoặc mưu sinh vất vả quá nên quên đi việc diễn đạt nồng nhiệt tình yêu của mình, quên đi việc “va chạm” - ôm ấp, gần gũi, bày tỏ cảm xúc với các bé. Ví dụ như nói “Mẹ yêu con”, ôm bé và âu yếm nhìn vào mắt bé. Hay cha mẹ ít bày tỏ tình yêu của mình một cách nhiệt tình và tràn đầy năng lượng. Khi tôi dùng liệu pháp “touch” - va chạm bằng matxa - các bé tỏ vẻ rất thích thú, thư giãn hơn, ăn dễ hơn, ngủ ngon hơn... Matxa ảnh hưởng tích cực tới hệ thống giác quan của bé cũng như giúp việc lưu thông máu trong người tốt hơn. Việc “va chạm” để tạo ra những mối quan hệ mật thiết với bé từ khi mới sinh rất quan trọng. Bé sẽ cảm nhận và học hỏi được sự tôn trọng, lòng trắc ẩn và sự khoan dung. Vì vậy những liệu pháp như matxa giúp mối quan hệ tình cảm giữa bé và cha mẹ thêm sâu đậm và là công cụ giúp nuôi dưỡng mối quan hệ đó trong tương lai. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận