22/11/2014 09:42 GMT+7

​Nên khám tại nhà cho bệnh nhân nặng

T.DƯƠNG - L.ANH - Q.LIÊN ghi
T.DƯƠNG - L.ANH - Q.LIÊN ghi

TT - Tiếp câu chuyện “Lĩnh thuốc bảo hiểm y tế: Bệnh liệt người vẫn phải đến viện”, chúng tôi giới thiệu các ý kiến bàn giải pháp giúp giảm vất vả cho người bệnh.

Bà N.T.M.N (75 tuổi, ở Q.Tân Bình, TP.HCM) bị liệt toàn thân, phải đi xe cấp cứu đến Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM khám bệnh - Ảnh: Thùy Dương

* TS.BS NGUYỄN VĂN HƯỚNG (chuyên khoa thần kinh, Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội):

Quy định cứng nhắc

Phía bảo hiểm quy định việc bệnh nhân phải trực tiếp đến lĩnh thuốc để đề phòng trường hợp trục lợi thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) đem bán ra bên ngoài.

Cũng có tình huống bệnh nhân đã mất rồi nhưng người nhà vẫn dùng thẻ bảo hiểm của bệnh nhân để lĩnh thuốc và đem bán...

Tuy nhiên, quy định này theo tôi là cứng nhắc, rất bất cập và vất vả cho những bệnh nhân bị liệt nặng, không thể đi lại, phải ngồi xe lăn nhưng tháng nào cũng phải đến tận nơi để lĩnh thuốc.

Ðể giải quyết vấn đề này, bác sĩ phải “linh hoạt hơn” trong việc điều trị và kê đơn thuốc cho từng trường hợp cụ thể.

Ðối với bệnh nhân liệt không thể đi lại được, có thể kê đơn thuốc kéo dài trong vòng vài tháng, hoặc kê đơn thuốc định kỳ theo tháng nhưng người nhà có thể đến lấy thuốc sau đó giữ lại phần vỏ thuốc, bên cạnh đó yêu cầu bệnh nhân phải đến tái khám sau vài tháng dùng thuốc để đề phòng tình trạng trục lợi thuốc bảo hiểm y tế bán ra ngoài.

* Ông NGHIÊM TRẦN DŨNG (phó giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị):

Nên nới thời gian tái khám

Những bệnh viện như bệnh viện chúng tôi thì đặc thù là có nhiều bệnh nhân nặng, đi lại khó khăn. Nếu yêu cầu bệnh nhân nặng, liệt người phải khám hằng tháng mới được kê đơn thì khó cho bệnh nhân, nhưng nếu kê đơn dài quá mà không khám, kiểm tra lại tiến triển sau thời gian điều trị thì cũng rất nguy hiểm.

Bệnh viện chúng tôi chưa có phản ảnh từ bệnh nhân về những khó khăn của người liệt khi phải đi lĩnh thuốc hằng tháng.

Khi tôi còn làm việc tại Bộ Y tế (ông Dũng từng là phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế - PV) thì câu chuyện như thế này chưa được phản ảnh như một vấn đề cần thay đổi trong luật.

Luật đã quy định việc chẩn đoán bệnh, chỉ định điều trị phải dựa trên kết quả khám lâm sàng, nhưng đối với những trường hợp bệnh nhân bị liệt, đi lại quá khó khăn cũng rất nên nới thời gian yêu cầu tái khám ra 2-3 tháng/lần, thay vì một tháng như hiện nay.

Tuy nhiên, điều đó phải được thực hiện trên tinh thần không được lạm dụng, và việc cho phép cũng phải thực hiện từ một giai đoạn cụ thể nào đó. Kê đơn thuốc cho bệnh nhân cũng không kê thời gian dài quá vì sẽ nguy hiểm cho bệnh nhân.

* Bác sĩ PHAN VĂN NGHIỆM (phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM):

Bệnh nhân liệt nên được khám tại nhà

Hiện nay số bệnh nhân bị đau nhiều, liệt... khó khăn khi đến bệnh viện khám bệnh ở TP.HCM là rất lớn. Bệnh viện nào cũng gặp những bệnh nhân này dù ít hay nhiều và khi thân nhân người bệnh kể về tình trạng bệnh, việc bệnh nhân khó khăn trong đi lại, bệnh viện đều phải linh động giải quyết.

Tuy nhiên đây chỉ là cách giải quyết tình thế vì bệnh viện cũng có nguy cơ bị BHYT không thanh toán thuốc do bệnh nhân vắng mặt khi khám bệnh. Vả lại, bác sĩ cũng cần được khám bệnh nhân trước khi kê toa thuốc vì diễn biến của người bệnh thay đổi.

Theo tôi, cách giải quyết thấu đáo nhất cho những bệnh nhân không đi lại được như bị đau nhiều, liệt... là bệnh viện nên tổ chức một đội ngũ bác sĩ đến khám tại nhà cho những bệnh nhân này. Xu hướng khám bệnh tại nhà sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới khi xã hội ngày càng phát triển.

Hiện Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đang chuẩn bị tổ chức đưa bác sĩ đến tận nhà bệnh nhân khám bệnh.

Bệnh viện cũng đang thương lượng với Bảo hiểm xã hội xem Bảo hiểm xã hội có thanh toán chi phí khám chữa bệnh, thuốc cho những bệnh nhân như khi họ đến bệnh viện khám bệnh hay không.

* Bác sĩ PHẠM HỮU QUỐC (giám đốc Bệnh viện Q.Gò Vấp, TP.HCM):

Khám bệnh tại nhà có thu phí

Khi về làm giám đốc Bệnh viện Q.Gò Vấp, tôi đã nhìn thấy những khó khăn mà bệnh nhân bị liệt, đau yếu phải đến bệnh viện khám bệnh.

Tuy nhiên, bệnh viện cũng không thể làm cách nào khác vì BHYT không cho phép bệnh viện cấp thuốc khi vắng mặt bệnh nhân và Luật khám chữa bệnh cũng không cho phép bác sĩ kê toa khi không có mặt bệnh nhân.

Hai tháng sau khi nhận nhiệm vụ mới, tôi đã làm công văn gửi Bảo hiểm xã hội TP xin phép được đưa bác sĩ của bệnh viện đến nhà những bệnh nhân này khám bệnh, đề nghị BHYT thanh toán chi phí khám bệnh và thuốc cho bệnh nhân và đã được Bảo hiểm xã hội TP đồng ý.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, chúng tôi gặp những khó khăn nhất định như trong khi bệnh viện thiếu bác sĩ khám bệnh thì một bác sĩ đến tận nhà bệnh nhân khám bệnh mỗi ngày chỉ khám được 2-3 bệnh nhân.

Mấy tháng sau, bệnh viện phải thay đổi bằng cách cho những bác sĩ gia đình đến tận nhà khám cho bệnh nhân và có thu phí với giá khám bệnh cho bệnh nhân trong quận là 200.000 đồng và bệnh nhân ngoài quận là 300.000 đồng.

Từ ngày thu phí, chỉ có một số bệnh nhân đăng ký khám tại nhà.

Hãy tạo điều kiện cho người bệnh chữa trị

Trong các ý kiến phản hồi của bạn đọc, có nhiều ý kiến của “người trong cuộc”.

Như bạn đọc Mai Ngọc kể: “Tôi có hai người cô gần 70 tuổi, một cô bị bệnh tim liệt nửa người từ năm 50 tuổi. Hằng tháng các cô phải ngược xuôi từ tỉnh lên TP.HCM suốt nhiều năm bằng xe đò để khám bệnh. Sau nhiều năm như vậy, giờ hai cô cứ ba tháng mới khám một lần, tuy nhiên mỗi lần khám BHYT chỉ trả một tháng nên tôi phải tự bỏ tiền túi cho hai tháng còn lại, khoảng 400.000 đồng/tháng”.

Bạn đọc Khôi Nguyên kể khi ngồi chờ khám bệnh đã gặp bệnh nhân lớn tuổi từ Cà Mau lên TP.HCM nói rằng phải đón xe đò từ quê lên đây từ mờ sáng, chỉ chờ để lấy được toa thuốc và phải kịp về trong ngày, tháng sau lại lên, rồi ngậm ngùi nói “có thể tui hổng lên nổi nữa”.

Phân tích rằng thuốc điều trị bệnh mãn tính phải uống thường xuyên, nếu bỏ thuốc rất nguy hiểm, bạn đọc Khôi Nguyên đề nghị: “Quyết định cấp một tháng thuốc khiến rất nhiều người ở quê bỏ việc điều trị và hậu quả rất đáng tiếc. Mong các nhà chức trách lên tiếng, Bộ Y tế xem xét lại. Những người bệnh đều là những người đã rất khổ, hãy tạo điều kiện cho họ được chữa trị”.

N.N. tổng hợp

Đề nghị xây dựng quy định khám ngoại trú

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm cho rằng do Luật khám chữa bệnh quy định nếu không có bệnh nhân thì bác sĩ cũng không kê được đơn thuốc, Quỹ BHYT sẽ chi trả khi dịch vụ được thực hiện đúng quy định. Trong trường hợp người cao tuổi bị bệnh mãn tính, bệnh nhân bị liệt người thì việc thăm khám hằng tháng cần có sự hỗ trợ của trạm y tế và bác sĩ gia đình.

Một đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng Vụ Bảo hiểm y tế và Cục Quản lý khám chữa bệnh nên phối hợp, xây dựng quy định khám bệnh ngoại trú cho người bệnh mãn tính, nhằm làm giảm khó khăn cho người bệnh, trong đó có người bị liệt. Quy định này có thể theo hướng người bệnh được khám, theo dõi tại phòng khám ngoại trú của bệnh viện, kết hợp với trạm y tế xã phường và bác sĩ gia đình. Định kỳ tối đa ba tháng người bệnh đến bệnh viện khám một lần, còn việc lấy thuốc hằng tháng có thể không yêu cầu người bệnh có mặt nhưng phải có ý kiến của bác sĩ gia đình hoặc trạm y tế xã, phường về tình trạng bệnh lý, biểu hiện bệnh, các khuyến cáo cần thiết...L.Anh ghi

 

T.DƯƠNG - L.ANH - Q.LIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên