21/11/2014 09:42 GMT+7

​Lĩnh thuốc bảo hiểm y tế: Bệnh liệt người vẫn phải đến viện

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - Bệnh nhân nằm liệt một chỗ, người nhà than rất cực khổ khi tháng nào cũng phải chở người bệnh đến bệnh viện (BV) khám mới được lĩnh thuốc.

Bà N. được chị Hà đưa đến khám ở Bệnh viện Thống Nhất bằng xe cấp cứu - Ảnh: Thùy Dương
Bà N. được chị Hà đưa đến khám ở Bệnh viện Thống Nhất bằng xe cấp cứu - Ảnh: Thùy Dương

Khoảng 8g30 ngày 12-11, một chiếc xe cấp cứu của BV Q.Tân Bình (TP.HCM) đậu lại trước khu khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) của BV Thống Nhất. Chị Trần Thị Minh Hà (Q.Tân Bình) cùng nhân viên y tế xuống xe nhanh chóng đưa mẹ chị (bà N.T.M.N., 75 tuổi) đang nằm trên băng ca xuống, sau đó lấy một băng ca của BV Thống Nhất ra để chuyển mẹ chị sang. Xe cấp cứu ra về, còn chị Hà đẩy mẹ vào khu khám bệnh.

Thuê xe cấp cứu để gặp bác sĩ trong 1 phút

Bộ không đồng ý giải pháp của bệnh viện

Đến ngày 25-9, Bộ Y tế đã có công văn gửi BV Thống Nhất trong đó ghi rõ: “Theo quy định tại điều 55 của Luật khám bệnh, chữa bệnh, việc chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp điều trị và kê đơn thuốc phải dựa trên kết quả khám lâm sàng, kiểm tra cận lâm sàng, kết hợp với yếu tố tiền sử bệnh...

Vì vậy, các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh mãn tính quá già yếu không thể đến BV để khám thì BV không kê đơn thuốc và quỹ BHYT không thanh toán chi phí khám bệnh, thuốc được kê đơn không đúng với quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ Y tế đề nghị BV Thống Nhất giải thích để người bệnh hiểu và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Chị Hà để mẹ nằm trên băng ca, lấy số thứ tự ưu tiên, sau đó lên lầu 1 liên hệ với bác sĩ khám bệnh. Xem sổ khám bệnh xong, cô nhân viên phòng 201 chỉ chị xuống một phòng khám dưới tầng trệt để được khám.

Chị Hà đẩy băng ca chở mẹ đến trước phòng khám tầng trệt. Sau khi liên hệ, một bác sĩ nữ ra ngoài nhìn bà cụ hỏi vài câu và ghi một toa thuốc.

Mỗi lần đưa mẹ đến khám như vậy rất cực nhưng bác sĩ cũng chỉ nhìn mẹ và kê toa thuốc, tổng cộng không hết một phút, chị Minh Hà kể.

Trước đây, BV Thống Nhất duyệt ký cho bà N. 3 tháng/lần mới cần đến khám, hằng tháng chị được đến lĩnh thuốc mà không cần phải đưa mẹ đi.

Cách làm này bà N. đỡ khổ hơn nhiều vì không phải mất thời gian chờ đợi. Thế nhưng từ cuối tháng 7-2014, BV Thống Nhất ra thông báo bệnh nhân phải có mặt mới được lĩnh thuốc.

Bà N. mắc bệnh tiểu đường, hai năm nay bị tai biến mạch máu não, phải ăn qua ống xông nên mỗi lần đưa mẹ đi khám chị Hà rất lo mẹ bị tụt đường huyết vì không thể ăn đúng giờ.

Lần nào đưa mẹ đi khám chị cũng phải gọi 115 điều xe cấp cứu đến nhưng có khi phải chờ cả tiếng vì 115 ưu tiên xe cho những trường hợp đi cấp cứu trước.

Lúc về, chị đăng ký xe cấp cứu của BV Thống Nhất cho tiện nhưng rất khó khăn, có lần phải chờ hai tiếng đồng hồ mới có xe đến chở bà N. về vì xe bận chở bệnh nhân cấp cứu. Tiền xe mỗi lần đưa mẹ đến BV Thống Nhất khám bệnh và về nhà 800.000 đồng.

Khi BV ra thông báo mới, bệnh nhân thắc mắc thì được giải thích là BV làm đúng theo quy định. Chị Hà cho rằng luật nên mở cho những người như mẹ chị một lối thoát chứ mẹ chị già yếu, bị liệt mà cũng phải khám giống như những bệnh nhân bình thường khác thì rất cực khổ.

Bệnh nhân phản ứng gay gắt

Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Thống Nhất, cho biết hiện nay có hơn 140 bệnh nhân đăng ký BHYT tại BV Thống Nhất gặp khó khăn trong việc di chuyển đến BV khám bệnh và từng phải nhờ người nhà đem sổ khám bệnh và thẻ BHYT đến BV Thống Nhất để xin cấp thuốc. Những bệnh nhân này đa số mắc các bệnh lý mãn tính như tai biến mạch máu não, lão suy...

Trước ngày 31-7-2014, nhận thấy những khó khăn trong việc đi lại của bệnh nhân, BV đã linh động giải quyết cho những trường hợp này bằng cách cho bệnh nhân 3 tháng đến khám/lần, còn những lần khám khác người nhà có thể mang thẻ BHYT của bệnh nhân đến BV, có giấy xác nhận của chính quyền địa phương về lý do vắng mặt, người nhà bệnh nhân vẫn được nhận thuốc.

Tuy nhiên, sau vụ việc một số phòng khám chữa bệnh ngoài công lập tại các địa phương khác đã lập các chứng từ giả thanh toán BHYT chiếm đoạt của Nhà nước, cơ quan bảo hiểm xã hội đã không thanh toán tiền thuốc cho những bệnh nhân vắng mặt.

Do đó ngày 30-7-2014, BV Thống Nhất đã dán thông báo từ ngày 31-7-2014 BV sẽ ngưng cấp thuốc cho các trường hợp bệnh nhân vắng mặt dù có xác nhận của địa phương.

Sau khi BV ra thông báo này, bác sĩ Vũ cho biết đã có rất nhiều người nhà bệnh nhân phản ứng gay gắt. Bác sĩ Vũ đã phải giải thích cho từng người, thậm chí còn đưa cả những văn bản chỉ đạo của cấp trên cho người nhà bệnh nhân xem mong bệnh nhân hiểu.

Tuy nhiên phía BV Thống Nhất cũng tìm cách tháo gỡ những khó khăn cho bệnh nhân. Ngày 9-9 BV đã làm văn bản gửi Bộ Y tế, trong đó có trình bày về những khó khăn trong việc di chuyển đến BV khám bệnh của những bệnh nhân này.

Trong văn bản gửi Bộ Y tế, BV Thống Nhất cũng đề xuất với Bộ Y tế ba phương án giải quyết vấn đề trên. Một là sẽ chuyển BHYT cho những bệnh nhân này về cơ sở y tế tuyến quận, huyện. Khi bệnh diễn tiến nặng hoặc vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến cơ sở, BV Thống Nhất sẽ nhận điều trị.

Phương án hai là BV Thống Nhất sẽ tổ chức đội khám bệnh tại nhà cho những bệnh nhân này, thuốc sẽ được cấp tại BV Thống Nhất, BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Ba là tổ chức và phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình tại địa phương (y tế cộng đồng) để quản lý sức khỏe, khám chữa bệnh cho các đối tượng này.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên