29/09/2012 06:55 GMT+7

Nên giám sát quá trình đào tạo

MINH GIẢNG ghi
MINH GIẢNG ghi

TT - Sau khi Tuổi Trẻ có bài phản ánh về dự thảo thông tư đào tạo liên thông CĐ, ĐH, nhiều bạn đọc và chuyên gia đã có ý kiến bàn về giải pháp cho hệ đào tạo này.

Cửa liên thông sẽ hẹp hơn

D5QN2nNU.jpgPhóng to

Một buổi học của sinh viên hệ liên thông CĐ lên ĐH ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng

Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT không nên giám sát đầu vào mà nên coi trọng khâu giám sát quá trình đào tạo đánh giá của các trường để đảm bảo chất lượng. Nên để cơ sở đào tạo chủ động tuyển sinh đầu vào, phải đào tạo theo tín chỉ để đảm bảo tính kế thừa, thời gian đào tạo cần linh động hơn.

* TS Phạm Thị Ly (ĐH Quốc gia TP.HCM):

Mỗi trường có đặc thù riêng

Cần nhìn vào thực tế hiện nay là bản thân cách tuyển sinh ĐH chính quy đã không hợp lý. Áp đặt cách tuyển sinh ấy cho liên thông, sự bất hợp lý lại được nhân đôi.

Từ lâu trên thế giới đã dùng những kỳ thi như SAT hay ACT để đo lường năng lực tư duy của thí sinh. Nếu chúng ta có một kỳ thi như thế, do một tổ chức chuyên nghiệp đứng ra tổ chức nhiều lần trong năm, thì bất cứ ai đều có thể dự kỳ thi này để biết kết quả đánh giá về năng lực tư duy của mình và dự thi bao nhiêu lần cũng được. Kết quả đó là một trong những cơ sở để các trường ĐH xét tuyển theo yêu cầu và đặc thù riêng của trường.

Điểm khác biệt duy nhất đối với hệ liên thông là kết quả học tập những môn đã được học trong chương trình trung cấp hay CĐ sẽ được chuyển lên bậc ĐH và có thể có ít nhiều bổ sung tùy theo quyết định của các trường khi đối chiếu nội dung đào tạo của môn học ấy ở hai cấp học. Nhờ vậy, người học liên thông sẽ giảm được thời gian và chi phí theo học bậc ĐH. Điều này chỉ thực hiện được trong điều kiện chúng ta chuyển trọn vẹn sang hệ thống đào tạo theo tín chỉ.

* TS Nguyễn Toàn (hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, TP.HCM):

Quan trọng là quá trình đào tạo

Đào tạo liên thông là quá trình kết nối giữa bậc đào tạo thấp và cao hơn. Nhưng các môn văn hóa lại chẳng liên quan gì đến chương trình đào tạo chuyên ngành liên thông. Nếu thi mà không ai vượt qua được, không liên quan đến chương trình đào tạo thì tổ chức thi còn ý nghĩa gì nữa.

Đầu vào liên thông không nên buộc thi môn này môn kia, như thế là đặt nặng đầu vào mà không coi trọng quá trình đào tạo. Nếu sinh viên không theo kịp và không qua được các môn trong chương trình đào tạo, họ sẽ bị đánh rớt. Đó là một kiểu sàng lọc. Do đó, quá trình đào tạo quyết định chất lượng chứ không phải đầu vào. Nếu dạy đúng, đánh giá chính xác cả quá trình thì đó là kết quả đáng tin cậy hơn là kết quả thi đầu vào. Điều đáng nói hiện nay là cứ có vào là có ra, mức độ sàng lọc không cao. Một thực tế nữa là việc học liên thông hiện nay chủ yếu đáp ứng nhu cầu có bằng ĐH của người học hơn là nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn. Do đó, thay vì kiểm soát đầu vào thì bộ nên kiểm soát quá trình đào tạo và đánh giá của các trường.

* Ông Trần Đình Lý (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):

Nên linh hoạt

Hiện nay nhu cầu học liên thông khá lớn. Đó là nhu cầu chính đáng của người học để nâng cao trình độ hay đi đường vòng để lấy bằng ĐH. Tuy nhiên, theo dự thảo thì mức điểm sàn 15 như vậy là khá cao, sẽ khó có thí sinh vượt qua được ngưỡng này. Đối tượng thi và học liên thông khá đa dạng chứ không “thuần nhất” như thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Do đó cũng cần có sự linh động hơn trong tuyển sinh và đào tạo để phù hợp với điều kiện của đối tượng này. Hiện nay việc đào tạo đòi hỏi phải thực hiện tại cơ sở chính và trong giờ hành chính. Tuy nhiên, đa số người học đã đi làm vào ban ngày nên chỉ có thể học vào buổi tối. Khu vực làm việc nhiều khi khá xa cơ sở đào tạo, việc đi lại học tập sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, có thể có các quy định linh động hơn về thời gian cũng như địa điểm đào tạo để tạo thuận lợi cho đối tượng này.

TS Lê Viết Khuyến (nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT):

Cần phân tầng ĐH theo sứ mệnh

Trong xu hướng chung của thế giới hiện nay, đang tồn tại hai dòng đào tạo: một dòng đào tạo nặng về hàn lâm (đòi hỏi kiến thức các môn văn hóa như toán, lý... rất cao) và một dòng đào tạo nghiêng về hướng ứng dụng nghề nghiệp mà thế giới vẫn gọi là các trường ĐH công nghệ (hướng này đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp nhiều hơn, các tri thức cụ thể về toán, lý, hóa không cần quá nhiều). Theo đó, dòng thứ nhất yêu cầu đào tạo trình độ cử nhân trở lên, còn dòng thứ hai đào tạo trình độ CĐ trở lên. Liên thông từ trung cấp lên CĐ, ĐH hoặc từ CĐ lên ĐH phải được xác định rõ là thuộc dòng đào tạo thứ hai.

Với mô hình này, giả sử 100 người học trung cấp sẽ có thể liên thông lên CĐ 40 người và sau đó “lọc” được một người liên thông lên trình độ ĐH. Phải xác định rõ các chương trình đào tạo trung học nghề, trung cấp chuyên nghiệp không thể liên thông sang dòng đào tạo hàn lâm. Trong khi đó yêu cầu thi liên thông bằng các môn văn hóa cụ thể như Bộ GD-ĐT đang đề ra rất vô lý vì nó thuộc yêu cầu đào tạo của dòng hàn lâm.

Giải pháp cần làm ngay chính là phân định, phân tầng ĐH một cách rõ ràng, liên thông đúng dòng, đúng tuyến. Luật giáo dục ĐH cũng chỉ phân tầng ĐH hiểu theo nghĩa chất lượng, mà đáng lẽ giáo dục ĐH nước ta cần phải phân tầng theo sứ mệnh.

NGỌC HÀ ghi

MINH GIẢNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên