30/03/2017 09:42 GMT+7

Nạo vét sông Tiền, sông Hàm Luông: Nạo chỗ sâu, bỏ chỗ cạn

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Trên sông Tiền và sông Hàm Luông có 2 dự án nạo vét luồng hàng hải và đường thủy nội địa do Bộ GTVT quản lý. Tuy nhiên cả hai đều bị UBND tỉnh Tiền Giang và Bến Tre phản đối và đề nghị dừng.

Sà lan của Công ty Đức Phú Thịnh nạo vét trên sông Tiền, tỉnh Tiền Giang ngày 28-3. Theo hải đồ, khu vực này khá sâu - Ảnh: VÂN TRƯỜNG
Sà lan của Công ty Đức Phú Thịnh nạo vét trên sông Tiền, tỉnh Tiền Giang ngày 28-3. Theo hải đồ, khu vực này khá sâu - Ảnh: VÂN TRƯỜNG

Điều bất thường là dự án trên sông Tiền chỉ nạo những chỗ sâu, đoạn cạn cần phải nạo vét chẳng ai làm. Riêng sông Hàm Luông xưa nay không có tàu lớn lưu thông nhưng Bộ GTVT lại cho doanh nghiệp nạo vét ở cửa biển.

Nạo nơi có cát, lơ nơi bùn bồi

Trên tuyến sông Tiền, đoạn từ cửa biển vào đến thượng lưu cảng Mỹ Tho dài hơn 70km qua địa bàn tỉnh Tiền Giang là luồng hàng hải đi Campuchia.

Ngày 28-3, PV Tuổi Trẻ đã có chuyến khảo sát tuyến sông này.

Trên đoạn sông này, Cục Hàng hải VN cho phép ba doanh nghiệp tham gia nạo vét, duy tu luồng theo hình thức xã hội hóa. Theo đó, Công ty Gia Phú làm đoạn từ biển trở vào 16,5km, Công ty Duy Phát làm đoạn tiếp theo dài 13,5km và Công ty Đức Phú Thịnh làm đoạn còn lại 43km.

Chủ trương nạo vét đã có từ năm 2015, nhưng hiện trên toàn tuyến này chỉ có Công ty Đức Phú Thịnh thi công. Theo hợp đồng ký tháng 1-2016, công ty này sẽ thi công nạo vét trong thời gian hai năm, tận thu hơn 3 triệu m3 cát.

Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Tiền Giang cho biết đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã hai lần phát hiện Công ty Đức Phú Thịnh vi phạm trong quá trình thi công, bị phạt 360 triệu đồng. Các lỗi vi phạm là đưa các phương tiện khai thác cát sông không phép, bơm hút cát ngoài khu vực dự án.

Tuy nhiên không chỉ việc nạo vét không đúng quy định. Lạ lùng là đoạn sông Tiền mà Công ty Đức Phú Thịnh nạo vét rất sâu.

Hải đồ sông Tiền phát hành năm 2016 thể hiện tại vị trí phao số 31 (điểm đầu dự án nạo vét của Công ty Đức Phú Thịnh) có độ sâu từ -4,6 đến -5m.

Càng đi vào phía thượng nguồn thì độ sâu tăng dần. Đoạn từ phao số 33-37 sông sâu từ -6,7m đến -14m. Riêng đoạn từ xã Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây) đến Bình Ninh (huyện Chợ Gạo) có một số chỗ cạn, nhưng thấp nhất cũng -4,2m.

Còn theo thông báo ngày 1-9-2015 của Tổng công ty Bảo đảm hàng hải miền Nam, nơi cạn nhất của tuyến hàng hải sông Tiền nằm ở đoạn từ phao số 0 ở cửa biển vào đến phao 25 và 26 thuộc Vàm Kinh. Đoạn này dài 25km, nơi cạn nhất chỉ có -1,9m. Tuy nhiên đoạn này không có ai nạo vét.

Theo thống kê của Cảng vụ hàng hải Mỹ Tho, từ đầu năm 2016 đến tháng 2-2017 có chưa tới 30 tàu vận tải lưu thông trên luồng hàng hải sông Tiền. Các tàu lớn nhất vào luồng này có tải trọng gần 5.000 tấn (đầy tải) là của Thái Lan, Singapore và Malta.

Điều này cho thấy dù sông cạn và không được nạo vét thì tàu xấp xỉ 5.000 tấn vẫn lưu thông được khi nước lớn. Cho nên, việc nạo vét ở đây không cần thiết, dư luận nghi ngờ: có phải thực chất là để khai thác cát?

Tỉnh Tiền Giang đã cấm khai thác cát từ nhiều năm nay. Nhưng nghịch lý là sông Tiền nằm trên địa bàn tỉnh lại do Bộ GTVT quản lý và quyết định cho nạo vét tận thu cát.

UBND tỉnh Tiền Giang mới đây đã gửi văn bản cho Bộ GTVT nói rằng doanh nghiệp nạo vét luồng chỉ nạo vét khu vực có cát, chỗ có nhiều bùn thì bỏ. Thậm chí có đoạn nạo vét quá độ sâu cho phép (do có nhiều cát) và ra ngoài phạm vi luồng nạo vét nhằm khai thác cát, thu lợi bất hợp pháp.

Việc này vừa gây mất an toàn giao thông, tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên dự án vẫn không bị dừng.

Nạo vét cửa sông Hàm Luông để làm gì?

Ở phía Bến Tre, tháng 10-2016 Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký văn bản thống nhất đề nghị của Cục Đường thủy nội địa VN, cho Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế Nông Thôn ở tỉnh Bạc Liêu tiếp tục dự án nạo vét luồng kết hợp tận thu cát nhiễm mặn khu vực ngoài cửa biển của sông Hàm Luông.

Khối lượng nạo vét giai đoạn 1 là 5 triệu m3 cát nhiễm mặn. Giá trị hợp đồng tạm tính là hơn 7,6 tỉ đồng. Lẽ ra việc thi công nạo vét đã hoàn thành cuối năm 2016, nhưng vì lý do nào đó mà đến nay dự án chưa được triển khai.

Tại văn bản ngày 11-7-2016, Bộ Xây dựng cho biết sản phẩm (cát nhiễm mặn) tận thu từ dự án này sẽ ưu tiên dùng để san lấp các công trình trong nước. Trong trường hợp địa phương không có nhu cầu sử dụng thì căn cứ đề nghị của UBND tỉnh Bến Tre, bộ sẽ có hướng dẫn xuất khẩu.

Một chuyên gia hàng hải đặt nghi vấn: “Sông Hàm Luông xưa nay không có tàu chạy do luồng rất cạn. Tàu thuyền có tải trọng lớn từ Biển Đông đi Campuchia chỉ đi theo luồng sông Tiền, nhưng số lượng hằng năm không đáng kể.

Vậy Bộ GTVT cho nạo vét cửa sông Hàm Luông để làm gì, bởi tàu vận tải cũng không thể vào sông này được. Có phải đây là dự án trá hình để khai thác cát xuất khẩu không?”.

Trả lời PV Tuổi Trẻ ngày 28-3, ông Lê Văn Hoàng - giám đốc Sở GTVT tỉnh Bến Tre, cho biết dự án nạo vét cửa Hàm Luông đang hoàn tất các thủ tục để triển khai. Tuy nhiên gần đây người dân đã phản ứng rất gay gắt bởi vì vùng này đang sạt lở.

Ông Hoàng cho biết: tỉnh đã phản ảnh vấn đề này tới bộ trưởng Bộ GTVT. Bộ trưởng cho biết chủ trương chung của bộ là dừng tất cả các dự án nạo vét luồng tận thu cát theo hình thức xã hội hóa. “Tỉnh rất mong Bộ GTVT dừng dự án này sớm” - ông Hoàng nói.

Giải thích của cơ quan quản lý

Ông Nguyễn Đình Việt (phó cục trưởng Cục Hàng hải VN) cho biết cách đây khoảng ba tháng, cục có lập đoàn xuống thanh tra dự án nạo vét luồng hàng hải sông Tiền.

“Khi đó chưa phát hiện vi phạm của nhà đầu tư. Còn nếu nhà đầu tư lấy cát sai vị trí, quá độ sâu cho phép, làm lở bờ thì sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý” - ông nói.

Về việc “nạo chỗ sâu, bỏ chỗ cạn”, ông Việt nói: từ phao số 0 vào đến cảng Mỹ Tho hiện có ba nhà đầu tư, hiện chỉ mới có một được cấp phép, hai nhà đầu tư còn lại đang làm thủ tục “nên người dân nói chỉ nạo vét chỗ sâu, chỗ cạn bỏ là vì vậy”.

Còn ông Hoàng Hồng Giang (cục trưởng Cục Đường thủy nội địa - Bộ GTVT) nói rằng: “Hiện dự án nạo vét cửa sông Hàm Luông vẫn chưa được triển khai nhưng Cục Đường thủy nội địa có nhận được những thông tin trái chiều về dự án này.

Do đó trước khi triển khai dự án chúng tôi sẽ lấy ý kiến của địa phương. Nếu địa phương không đồng ý thì không cấp phép. Chừng nào tỉnh và người dân đồng ý thì mới thực hiện”.

H.ĐIỆP

Nhiều lần đề nghị dừng các dự án

Ông Trần Văn Bon (giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang) cho biết tháng 8-2016 UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ GTVT dừng dự án nạo vét luồng hàng hải trên sông Tiền.

Tiếp đó, trong cuộc làm việc với bộ trưởng Bộ GTVT tại Tiền Giang tháng 1-2017, lãnh đạo tỉnh tiếp tục đề nghị Bộ GTVT dừng dự án một lần nữa.

Trong khi đó, ông Lê Văn Hoàng (giám đốc Sở GTVT tỉnh Bến Tre) cho biết trong năm 2016, UBND tỉnh đã ba lần đề nghị Bộ GTVT cân nhắc khi triển khai dự án nạo vét cửa sông Hàm Luông. Nếu triển khai thì phải khảo sát, đánh giá lại hiệu quả.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên