16/11/2019 08:48 GMT+7

Nâng tầm kỹ năng lao động: Không thể mãi 'bắt tay trên giấy'

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Bên lề diễn đàn quốc gia 'Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam' diễn ra hôm nay 16-11, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho rằng doanh nghiệp - nhà trường không thể mãi 'bắt tay' trên giấy.

Nâng tầm kỹ năng lao động: Không thể mãi bắt tay trên giấy - Ảnh 1.

Sinh viên Trường cao đẳng cơ điện Hà Nội đưa mô hình robot di động đến triển lãm tại Diễn đàn - Ảnh: H.THANH

Theo ông Quân, doanh nghiệp phải chủ động đến - hợp tác với phía trường nghề, còn phía trường nghề cũng chủ động tìm đến doanh nghiệp để giải phóng nguồn lực.

"Chỉ khi doanh nghiệp, nhà trường cùng có động lực, cùng có áp lực thì bắt tay với nhau mới hiệu quả được. Không thể có hợp tác trên giấy, hình thức, hợp tác phải gắn với lợi ích, không giải quyết được bài toán lợi ích sẽ không có hợp tác thực chất" - ông Quân nói.

Cũng theo ông Quân, không một quốc gia nào trên thế giới có thể đào tạo ra con người trong trường học có khả năng làm việc ngay nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp. 

Vì thế, nếu sự hợp tác nói trên doanh nghiệp xác định được nhu cầu, từ đó hợp tác với nhà trường để thiết kế chương trình đào tạo, tìm kiếm ứng viên vào học đáp ứng yêu cầu đào tạo, tham gia sâu vào quá trình đào tạo. 

"Ngay lúc sinh viên, học sinh ngồi trên ghế nhà trường cũng cần đồng thời tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp" - ông Lê Quân nhấn mạnh.

Đồng tình việc doanh nghiệp cần chủ động "bắt tay" với trường nghề, đặt hàng nguồn nhân lực chất lượng cao từ nhà trường, song bà Vi Thị Hồng Minh - phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cũng chỉ ra thực trạng hiện có một số quy định hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp. 

Đơn cử như quy định người hướng dẫn tại doanh nghiệp có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm sẽ làm khó doanh nghiệp khi tham gia hoạt động này.

Bà Minh nêu ra một số giải pháp tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường như hoàn thiện chính sách pháp luật và cơ chế liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, tập trung đổi mới hơn nữa phương thức đào tạo gắn liền với doanh nghiệp. 

Cụ thể, nghiên cứu và áp dụng mô hình "đào tạo kép" phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo tại trường và đào tạo tại doanh nghiệp; thường xuyên mời các chuyên gia từ doanh nghiệp đến trường chia sẻ nghề nghiệp; kết hợp giảng dạy chính khóa với các hoạt động ngoại khóa.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Lanh - phó tổng giám đốc Công ty TNHH ESUHAI - chia sẻ thực trạng sinh viên nghề hiện nay yếu ngoại ngữ, thiếu kỹ năng làm việc, kỹ năng thích ứng. Do đó, để có lực lượng lao động đáp ứng ngay yêu cầu làm việc, phía doanh nghiệp thường "đặt hàng đào tạo thích ứng" tại các trường nghề ở TP.HCM. 

Ông cho rằng thời gian tới giáo dục nghề nghiệp cần đặt hàng đào tạo ra lực lượng trẻ đáp ứng yêu cầu hợp tác của doanh nghiệp và các đối tác nước ngoài có môi trường làm việc tốt như Nhật Bản, Đức...

Trong khi đó, ông Lê Đình Kha - hiệu trưởng Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM) - cho rằng không chỉ tập trung trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ, tính sáng tạo cho sinh viên, các trường nghề cần tập trung vào việc giáo dục định hướng việc làm cho sinh viên. 

Phía trường chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc chủ động kết nối với doanh nghiệp như lắng nghe yêu cầu về nhân sự của doanh nghiệp, xây dựng website giúp doanh nghiệp đăng tải tuyển dụng, đưa sinh viên đi tham quan, học tập công nghệ mới tại doanh nghiệp.

Hôm nay 16-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn đàn quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam" với ba phiên thảo luận chính: "Nguồn nhân lực có kỹ năng - Chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia"; "Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp - Nhân tố quyết định nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam"; "Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp".

Trước đó chiều 15-11, năm hội thảo chuyên đề đã được tổ chức với các nội dung: Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và đào tạo nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0; Thực trạng và giải pháp gắn kết giáo dục nghề nghiệp và người đào tạo doanh nghiệp; Phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và người đào tạo trong doanh nghiệp; Tổ chức và hoạt động của hội đồng kỹ năng - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam; Đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Lần đầu tiên Chính phủ chủ trì diễn đàn về kỹ năng lao động, giáo dục nghề nghiệp Lần đầu tiên Chính phủ chủ trì diễn đàn về kỹ năng lao động, giáo dục nghề nghiệp

TTO - Lần đầu tiên Chính phủ sẽ chủ trì diễn đàn về kỹ năng lao động Việt Nam với sự tham gia của trên 1.500 đại biểu. Tại diễn đàn sẽ bàn về vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên