24/06/2020 11:43 GMT+7

Nắng sốc khiến nhiều người nhập viện, bệnh viện nhi khám 2.500-3.500 trẻ mỗi ngày

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Nắng nóng, nhiều người ở Hà Nội phải vào viện điều trị vì viêm da và các bệnh khác liên quan nhiệt độ tăng cao. Tại Bệnh viện Nhi trung ương, mỗi ngày có 2.500-3.500 trẻ đến khám bệnh.

Nắng sốc khiến nhiều người nhập viện, bệnh viện nhi khám 2.500-3.500 trẻ mỗi ngày - Ảnh 1.

Bệnh nhân nhập viện điều trị do nắng nóng tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) - Ảnh: MAI THƯƠNG

Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc đã nắng nóng kỷ lục từ khoảng một tuần trước, và đặc biệt từ hôm 22-6 bước vào đợt đỉnh điểm. Đây là đợt nắng nóng đỉnh điểm thứ hai kể từ đầu mùa hè. 

Cả hai đợt nắng nóng hầu như kéo dài liên tục, khiến người dân không có cảm giác về những ngày ít ỏi nhiệt độ giảm.

Gia tăng viêm da tiếp xúc do nắng nóng

Trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Da liễu trung ương Đặng Bích Diệp cho hay những ngày nắng nóng này, số người đến khám và điều trị các bệnh về da tại bệnh viện tăng 15-20%. 

Trong số này có những trường hợp bị viêm da tiếp xúc do nắng, biểu hiện bằng các vùng ngứa, rát, đỏ, trường hợp nặng có bọng nước trên da sau khi đi nắng, ở những người mới đi biển về thậm chí còn có biểu hiện bỏng nắng, cháy nắng...

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, thông tin từ bệnh viện cho hay mỗi ngày đang có 2.500-3.500 trẻ đến khám bệnh, con số này cao hơn nhiều so với thời điểm giãn cách xã hội do dịch COVID-19 và gần bằng thời điểm cao nhất. Cao điểm nhất tiếp nhận 4.000 trẻ đến khám/ngày.

Đứng ngoài sân Bệnh viện Nhi trung ương một lát mà mồ hôi chảy thành giọt, bé Mông Đức Hiệp (7 tuổi, ở Định Hóa, Thái Nguyên) cứ luôn miệng kêu mệt, nóng. Sáu ngày trước mẹ con Hiệp đến bệnh viện chữa bệnh, không biết rằng có một đợt nắng nóng to đang chờ.

"Ở quê tôi rất mát, không ngờ Hà Nội nóng thế. Ngày đầu nóng quá tôi phải mua thêm quạt cho con, đến tối thì bác sĩ bật điều hòa cho, tối trong phòng bệnh mát nhưng ban ngày cứ ra đến sân, hè là nóng" - mẹ cháu Hiệp cho biết.

Chị H.T.C. ở Vĩnh Phúc, có con 15 tháng tuổi đang điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Nhi trung ương nên rất vất vả. Chị C. cho biết con chị đã điều trị ngoại trú 1 tháng nay và chị thuê phòng ngoài cổng bệnh viện, hằng ngày phải đưa con vào chữa bệnh. 

"Phòng không có điều hòa là 120.000 đồng/ngày, có điều hòa thì 160.000 đồng/ngày, nhiều nhà đi chữa bệnh cả năm nên không có điều kiện thuê phòng máy lạnh" - chị kể.

Lo ngại viêm não Nhật Bản

Ông Đỗ Thiện Hải (Trung tâm các bệnh lâm sàng nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương) cho hay đã có thêm các trường hợp viêm não các thể vào viện, đáng chú ý trong số này là bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản. Đây là căn bệnh thường xuất hiện vào tháng 5 đến tháng 9 hằng năm, đặc biệt là ở khu vực các tỉnh phía Bắc.

"Năm nay nhiều ca bệnh đã ghi nhận đều là trẻ lớn trên 10 tuổi, các cháu mắc bệnh đều trong tình trạng nặng và đang phải thở máy, khảo sát cho thấy các cháu chưa được tiêm ngừa hoặc chưa được tiêm đủ mũi" - ông Hải cho biết.

Viêm não Nhật Bản hay gặp ở trẻ từ 15 tuổi trở xuống. Bà Dương Thị Hồng, trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết vắcxin ngừa viêm não Nhật Bản đã được đưa vào tiêm chủng thường xuyên tại trạm y tế xã phường, mỗi tháng tổ chức 2 đợt tiêm chủng.

"Từ năm 2018 đến nay chúng tôi đã tổ chức một số đợt tiêm nhắc lại vắcxin viêm não Nhật Bản với các cháu dưới 5 tuổi chưa tiêm, chưa rõ tiền sử hoặc thậm chí tiêm không hỏi tiền sử để ngừa bệnh. Đây là vắcxin rất an toàn do đã sử dụng 23 năm ở Việt Nam mà không ghi nhận các ca phản ứng nặng" - bà Hồng cho biết.

Nắng nóng coi chừng... đau bụng

Tại khu vực miền Trung cũng đang phải trải qua những ngày nắng gắt. Ghi nhận ở Đà Nẵng, nhiệt độ trung bình ngoài trời phổ biến ở mức 37-40 độ trong ngày 23-6, dự báo tiếp tục tăng trong hai ngày tới.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Hưng - phó trưởng khoa khám bệnh - cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng, mọi người nên tránh ra nắng ngay sau khi vừa ở trong phòng lạnh, thay vào đó hãy uống nước và chuyển dần trạng thái để tránh xảy ra sốc nhiệt.

Bác sĩ Hưng cho biết trong điều kiện thời tiết nắng nóng gây ra nền nhiệt cao, thực phẩm rất dễ phân hủy, ôi thiu. Nếu quá trình bảo quản thức ăn không được lưu ý, người sử dụng có thể bị ngộ độc thực phẩm. (TRƯỜNG TRUNG)

Giảm tác hại của tia UV ra sao?

Thời điểm tia cực tím (UV) cao nhất, ảnh hưởng đến da nhiều nhất là từ 10h-15h hằng ngày. BS Đặng Bích Diệp lưu ý tốt nhất là hạn chế ra nắng vào thời điểm này, nhưng những người có công việc ngoài trời cần thực hiện các biện pháp bảo vệ như che chắn bằng các phương pháp vật lý (mặc quần áo chống nắng), trong đó quần áo màu sáng trông có vẻ mát hơn nhưng quần áo tối màu lại hạn chế hấp thụ tia UV hơn. Bên cạnh đó, cần bôi kem chống nắng để bảo vệ da.

Bà Diệp hướng dẫn phương pháp hạn chế tác hại của nắng nóng bằng cách nhìn bóng của chính mình để đánh giá khi nào tác hại của nắng cao nhất và tránh nắng. "Thời điểm nhìn bóng của mình ngắn nhất thì mặt trời ngay trên đỉnh đầu, đó là lúc tác hại của tia UV cao nhất, khi bóng dài hơn thì tác hại giảm đi" - bà Diệp cho biết.

Hà Nội nóng gay gắt 40 độ C, TP.HCM cao nhất 35 độ nhưng tia UV nguy hại sức khỏe Hà Nội nóng gay gắt 40 độ C, TP.HCM cao nhất 35 độ nhưng tia UV nguy hại sức khỏe

TTO - Dự báo đợt nắng nóng ở Bắc Bộ, Hà Nội và Trung Bộ có khả năng kéo dài đến đầu tháng 7. Tại TP.HCM, chỉ số tia UV hôm nay ở mức 10 - mức gây ảnh hưởng rất cao đến sức khỏe.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên