Người lao động oằn mình mưu sinh giữa nền nhiệt ngoài đường lên tới 50 độ C ở Hà Nội - Ảnh: MAI THƯƠNG
12h trưa, ông Khải vẫn đều đặn bốc vác vật liệu sắt, thép từ trên khoang xe vào trong cửa hàng trên đường Đê La Thành (Đống Đa, Hà Nội).
Mồ hôi nhễ nhại, vạt áo sau lưng ướt đẫm, in thành từng mảng lớn, ông Khải đưa bàn tay lem luốc quệt mồ hôi, đứng nghỉ một lát rồi lại tiếp tục cho xong chuyến hàng để còn nghỉ ăn trưa.
"Mỗi ngày một nắng như thế này, anh em bốc vác chúng tôi lại càng khổ. Sáng đơm được bát cơm chắc bụng còn có sức làm, chứ không có sức khoẻ mà còn đứng giữa nắng thế này, mất nước, rất dễ bị hoa mắt, kiệt sức" - ông Khải nói.
Tiếp lời ông Khải, anh Tiến - nhân viên bốc vác làm cùng đội - lên tiếng: "Ngày nào trời mát mẻ thì bốc 4, 5 chuyến hàng liên tục không vấn đề gì, chứ trời nóng thế này tôi bốc được chuyến như này là đã vã hết cả mồ hôi, uể oải người rồi. Nhưng vì miếng cơm manh áo nên cố gắng thôi, không làm thì nhà có mấy miệng ăn lại đói hốc hác".
Thời tiết khắc nghiệt như đã trở thành một phần thói quen đối với những người lao động mưu sinh giữa thủ đô, và mỗi người có một cách riêng để giảm nhiệt.
"Uống 2, 3 chai nước rồi vẫn không hết khát. Mà nước cũng đâu dám mua nước lạnh, trước khi đi làm tôi phải để nước vào ngăn đá tủ lạnh cho nó đông lại, mỗi lần uống, đá tan ra được vài hớp, cũng thấy mát người hơn" - chị Thu đẩy xe hoa quả dọc đường Vũ Thạnh (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự.
Nắng nóng còn có thể gây ra tình trạng sốc nhiệt với cơ thể khi tiếp xúc với nền nhiệt độ cao trong thời gian dài, khiến cơ thể mất nước nhanh, gây chóng mặt, kiệt sức, đột quỵ.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại Bệnh viện Lão khoa trung ương (Phương Mai, Đống Đa) và Bệnh viện Nhi trung ương (La Thành, Cầu Giấy), nhiều trẻ em và người già phải vào viện trong tình trạng cấp cứu do nắng nóng.
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, trong ngày và đêm 22-6, có hơn 3.100 bệnh nhi đến khám, trong đó số bệnh nhi vào viện ca đêm là hơn 200 lượt. Nắng nóng là nguy cơ gây gia tăng các bệnh lý hô hấp, tiêu hoá,... ở trẻ.
Bà Hương Hà (76 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhập viện tại khoa cấp cứu và đột quỵ Bệnh viện Lão khoa trung ương để theo dõi từ chiều hôm qua.
"Quá trưa, do thời tiết quá nóng, tôi thấy người và mặt nóng phừng, xây xẩm mặt mày kèm tình trạng đau đầu. Khi đo huyết áp thì gia đình thấy huyết áp tăng, lo tôi bị đột quỵ do mấy năm trước từng bị tai biến nên đưa tôi vào cấp cứu ở đây để tiện theo dõi" - bà Hà cho biết.
Vai áo ướt đẫm mồ hôi, ông Khải vẫn đều đặn bốc vác vật liệu sắt, thép từ trên khoang xe vào trong cửa hàng trên đường Đê La Thành (Đống Đa, Hà Nội) - Ảnh: MAI THƯƠNG
Anh Yên Hoàng chở các túi đá viên đi bán cho các cửa hàng, quán trà đá dọc đường Trần Duy Hưng (Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội). "Đá nhanh tan nên tôi phải đi nhanh, giao nhanh còn quay lại kho để lấy thêm hàng, làm việc luôn tay không có thời gian mà nghỉ ngơi" - anh Hoàng chia sẻ - Ảnh: MAI THƯƠNG
Cô Hương (53 tuổi), làm nghề kéo hàng trên đường Trường Chinh (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), than thở: "Cả con đường chẳng có lấy một bóng râm nào, cứ nóng hừng hực mà chẳng có chỗ mát để nghỉ chân" - Ảnh: MAI THƯƠNG
Chạy xe ôm, xe ba gác, xe chở hàng,... là những ngành nghề cực chẳng đã phải lao ra đường mưu sinh giữa trời nắng - Ảnh: MAI THƯƠNG
Mặt đường bốc nhiệt nóng hầm hập, cô Lan Anh (Ba Đình, Hà Nội) phải tưới nước ra đường cho đỡ nóng - Ảnh: MAI THƯƠNG
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cường độ nắng nóng hôm nay có thể tương đương với ngày nóng kỷ lục 21-5 vừa qua, khi nhiệt độ ở một số khu vực chạm ngưỡng gần 41 độ C - Ảnh: MAI THƯƠNG
Bệnh nhân điều trị tại khoa cấp cứu và đột quỵ Bệnh viện Lão khoa trung ương (Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) - Ảnh: MAI THƯƠNG
Nắng nóng là nguy cơ gây gia tăng các bệnh lý hô hấp, tiêu hoá,... ở trẻ. Trong ảnh là bệnh nhi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi trung ương (La Thành, Đống Đa, Hà Nội) - Ảnh: MAI THƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận