Với những người con của làng quê như tôi, bát canh đậu xanh tía tô không chỉ là một món ăn mà nó còn là hiện thân của ký ức những ngày tuổi thơ.
Tôi sinh ra ở xã vùng núi nghèo của một tỉnh miền Trung. Sinh ra từ đồng ruộng, lớn lên bằng nghề nông, người dân quê tôi lớn lên bằng những món ăn dân dã từ vườn nhà, từ chính những nông sản mà mình làm ra.
Thế nhưng sau này, khi đi xa, trải nghiệm qua biết bao món ngon tứ xứ, món ăn gây thương nhớ nhất trong tâm khảm lại là những món ăn của mẹ, những bữa cơm trong ký ức của một thời ấu thơ thiếu thốn, đói nghèo nhưng bình an.
Có lẽ vì thế, những ngày cái nóng của mùa hè chạm ngõ, tôi lại thèm biết bao bát canh đậu xanh tía tô mẹ nấu, ăn kèm quả cà giòn rụm mẹ muối xổi của mùa hè xưa.
Để nấu cháo, mẹ múc nửa lon đậu xanh nhà trồng, chọn lấy một cái bao bì cám con cò đã rửa sạch, trải ra.
Mẹ tôi đổ từng ít một đậu xanh ra bì, dùng một chiếc chai thủy tinh mà cà đậu. Từng hạt đậu vỡ đôi, vỡ ba rạo rạo dưới mình chai theo lực đẩy của mẹ. Khi cà đậu, vừa phải ghì chai thủy tinh đè nặng xuống, vừa đẩy qua đẩy lại thì mới không bị trơn trượt.
Cà đậu xong, mẹ đem ngâm nước cho đậu nở ra rồi đãi bớt sạn và vỏ. Đoạn, mẹ bắc nồi lên bếp lò mùn cưa, đợi dầu cho nóng rồi phi thơm hành tăm, thêm nửa thìa ruốc (mắm tôm). Mùi thơm ngào ngạt tỏa ra cả gian bếp. Khi hành với ruốc đã dậy mùi thơm, mẹ đổ một bát nước, đun sôi rồi đổ đậu vào, để bếp nhỏ lửa, hầm từ từ cho đậu mềm.
Trong lúc chờ đậu mềm, mẹ ra vườn hái lá tía tô.
Mẹ tôi bảo đậu xanh tính hàn, còn lá tía tô lại mang tính ấm, khi kết hợp sẽ tạo ra sự cân bằng cho món ăn, rất tốt cho người bị cảm cúm, cảm sốt, cảm hàn, cảm nắng.
Vậy nên, với những người dân lao động ở quê tôi, sau mỗi ngày hè ra đồng mất nhiều mồ hôi, một bát canh đậu xanh tía tô còn có tác dụng hồi phục nhanh sức khỏe.
Tía tô rửa sạch, thái nhỏ rồi cho vào nồi khi đậu đã mềm vừa tới. Lúc này, mẹ mới bắt đầu nêm nếm. Mẹ tôi hay biết bao người mẹ tài hoa khác, nêm nếm lúc nào cũng rất chuẩn mà chẳng có một công thức cụ thể nào.
Canh đậu xanh tía tô phải nêm nhạt, để ăn cùng với cà muối giòn rụm, mặn mà. Cà mẹ hái từ vườn nhà, phơi qua một nắng rồi mới muối, nên giữ được độ giòn.
Người miền Trung thường muối cà mặn, vừa là khẩu vị đậm đà đặc trưng của vùng miền, vừa để tránh cho cà không bị hôi nước nhanh, để dành ăn được lâu ngày.
Nấu xong xuôi, mẹ bắc nồi xuống bếp, múc sẵn ra bát tô, để nguội ăn cùng cơm. Tôi trải chiếu ra hiên, vừa ăn vừa quạt mo cau phe phẩy, rồi lùa bát cơm canh đậu xanh, cắn miếng cà giòn mặn mà, quả là đặc sản giữa ngày hè nóng rực.
Bình dị vậy đó, mà cái dư vị của bát canh đậu xanh tía tô ăn với cà pháo, hình như nó nằm ở đâu đó rất lâu, rất sâu, lẫn lẫn xa xa trong quá khứ.
Tự dưng một ngày, lại thèm bát canh đậu xanh ngày hè đó, lại nhớ cái chiếu trải ra hiên nhà, thủng thủng nhiều chỗ, nhớ cái nóng mùa hè ở quê, nhớ tiếng ve ngoài cây mít, nhớ cái tivi phải bắt ăng ten mới chiếu được phim.
Nhớ bát canh đậu xanh tía tô của một ngày hè cũ, cũng là nhớ mẹ, nhớ những ngày tuổi thơ đã xa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận