17/09/2019 10:00 GMT+7

Nặng gánh nợ nần vì nhẩm tính mua nhà kiểu 'đếm cua trong lỗ'

Phùng Dung (TH)
Phùng Dung (TH)

Việc cố mua nhà khi vốn có sẵn không nhiều cùng cách tính tiền kiểu “đếm cua trong lỗ” và không lường trước đến những bất trắc có thể xảy ra khiến nhiều người mua nhà phải khốn đốn vì gánh nặng nợ nần.

Nặng gánh nợ nần vì nhẩm tính mua nhà kiểu đếm cua trong lỗ - Ảnh 1.

Việc cố mua nhà khi vốn có sẵn không nhiều và không lường trước đến những bất trắc có thể xảy ra khiến nhiều người mua nhà phải nặng gánh nợ nần. Ảnh minh họa

Sau khi cưới nhau năm 2013, vợ chồng anh Khánh, chị Thu ở Hà Nội tiếp tục thuê nhà ở với chi phí mỗi tháng tính cả tiền điện nước là khoảng 5 triệu đồng. Tổng thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng là 20 triệu, sau khi trừ các chi phí, tiền tiết kiệm mỗi tháng là 10 triệu. 

Sau 3 năm, hai vợ chồng anh chị để ra được khoản tiền 250 triệu.

Đầu năm 2016, chị Thu được bạn giới thiệu cho một dự án chung cư dành cho người có thu nhập thấp ở cách trung tâm thành phố 14km với giá một căn hộ 50m2 gồm 2 phòng ngủ vào khoảng 1,1 tỷ đồng. 

Dù ban đầu hai vợ chồng dự tính chỉ khi tiết kiệm được ít nhất 500 triệu mới dám mua nhà nhưng sau khi đi xem căn hộ mẫu, vì quá ưng nên anh chị không ngần ngại đặt cọc và đóng luôn đợt đầu 150 triệu.

Xác định không thể vay mượn người thân, lại nhẩm tính kiểu "đếm cua trong lỗ" rằng sẽ nhận thêm nhiều việc để kiếm thêm tiền và chưa vội sinh con nên hai vợ chồng vẫn an tâm ký hợp đồng mua bán căn hộ. 

Vì chủ đầu tư có liên kết với ngân hàng hỗ trợ người mua vay đến 85% giá trị căn hộ nên hai vợ chồng cũng yên tâm hơn phần nào. 

Hai vợ chồng nhẩm tính nếu vay ngân hàng 700 triệu, lãi suất cao nhất là 11%/năm, năm đầu tiên không phải trả gốc và lãi, mỗi năm tiết kiệm được 120 triệu thì sang năm thứ hai, số tiền phải trả mỗi tháng cao nhất là 13 triệu đồng với thời hạn vay là 20 năm. 

Nghĩ thế nên hai vợ chồng quyết định làm thủ tục vay ngân hàng mua nhà.

Vì để tiết kiệm, hai vợ chồng anh chị chuyển sang phòng trọ nhỏ hơn với chi phí mỗi tháng chỉ 2,2 triệu. 

Tháng đầu tiên, hai vợ chồng tăng ca nên tiết kiệm được 17 triệu. Số tiền này khiến anh chị càng có thêm động lực và niềm tin. 

Nhưng sang tháng thứ 2, cả hai đều thấy mệt mỏi khi phòng trọ ẩm thấp và nóng như lò hỏa thiêu vì không lắp điều hòa. Hơn nữa, vì có thai sớm hơn kế hoạch nên chị Thu cũng không thể tăng ca nhiều, thu nhập vì thế giảm đi đáng kể. 

Nghĩ đến việc cứ 3 tháng lại phải đóng 100 triệu trong khi mình phải nghỉ sinh không đi làm được, chị Thu bàn với chồng bán căn hộ đi, lấy tiền gửi ngân hàng nhưng anh Khánh không đồng ý, bảo sẽ cố gắng hơn.

Cũng liều mua nhà khi có quá ít tiền nhưng có phần may mắn hơn là trường hợp của anh Đinh Văn Quý ở Hà Đông, Hà Nội. 

Năm 2010, sau khi kết hôn và vợ anh có bầu, anh Quý quyết tâm mua một căn nhà nhỏ để ổn định cuộc sống. Thu nhập của hai vợ chồng khi đó chỉ khoảng trên 10 triệu/tháng nhưng vì có đóng cổ phần ở công ty nên mỗi năm anh Quý được chia cổ tức thêm khoảng 200 triệu. 

Nhìn trước tương lai toàn màu hồng nên anh Quý quyết định chọn mua căn nhà 2 tầng giá 1,6 tỷ ở Đống Đa dù chỉ có 200 triệu, ngoài phần được bố mẹ hai bên cho, anh phải vay ngân hàng thêm 700 triệu với lãi suất 24%.

Tuy nhiên, vừa nhận nhà thì vợ anh bị biến chứng nên phải sinh sớm, con anh phải nằm lồng kính nên càng tốn kém hơn. 

Chưa kể cứ 6 tháng, anh phải thanh toán một lần với bên ngân hàng số tiền hơn 100 triệu. Trong khi đó, cổ tức cuối năm mới được nhận cũng chưa biết con số chính xác là bao nhiêu. 

Giữa lúc như sắp chết đuối, căng thẳng vì tiền bạc, lo lắng cho vợ con thì anh Quý may mắn được bố mình ra tay ứng cứu. Ông nói chia cho mỗi người con một phần đất nên anh có thể dùng phần của mình để lo liệu. 

Đất lúc đó đang trong cơn sốt giá nên sau khi bán, anh Quý trả được hết nợ ngân hàng và còn thừa một chút để làm vốn làm ăn.

Câu chuyện của vợ chồng anh Khánh và vợ chồng anh Quý là bài học đắt giá về việc bị "vỡ trận" về tài chính khi liều lĩnh mua nhà dù chưa lên kế hoạch trước, chưa có phương án dự phòng về tiền bạc.

Đưa ra lời khuyên cho người mua nhà, chuyên gia tư vấn tài chính Nguyễn Mạnh Dũng (TP.HCM) cho rằng khi đã có gia đình, mỗi người cần tính toán tài chính thật kỹ, đó phải là số tiền đã nắm trong tay chứ không phải dựa trên suy đoán là mình sắp nhận được. Nếu chưa biết rõ số tiền là bao nhiêu và thời điểm chính xác nhận được, người mua nhà nên dự tính ở mức tối thiểu và cần chuẩn bị phương án dự phòng.


Phùng Dung (TH)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên