GS Lê Tuấn Hoa - Ảnh: V.DŨNG
Những thay đổi trong quy định về tiêu chuẩn, thủ tục xét, công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ tác động tích cực đến việc xét, bổ nhiệm chức danh GS, PGS sắp tới như thế nào?
Tuổi Trẻ đã trao đổi với GS Đặng Ứng Vận - chủ tịch Hội đồng chức danh GS liên ngành hóa học và công nghệ thực phẩm và GS Lê Tuấn Hoa - thành viên Hội đồng chức danh GS ngành toán học, nguyên viện trưởng Viện Toán học.
- GS Lê Tuấn Hoa: Điểm đổi mới căn bản của quyết định này là yêu cầu ứng viên phải là tác giả chính của một số bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học có uy tín, có thời gian thích ứng cho ứng viên.
Quy định mới cũng cho phép ứng viên được bù những tiêu chuẩn đã đạt được một phần nhưng chưa đủ bằng công trình nghiên cứu khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín.
Một điểm mới nữa được đưa vào lần này là quy định nhiệm kỳ bổ nhiệm 5 năm cho các chức danh (khoản 5 điều 27). Ý tưởng của quy định này nhằm bắt buộc những người đã có chức danh tiếp tục nghiên cứu khoa học.
Đây là một ý tưởng tốt, đáng trân trọng nhưng tôi không đồng tình với cách làm này, vì ở những ĐH tôi biết chưa thấy nơi nào quy định như vậy.
Suy cho cùng, muốn có nghiên cứu khoa học có chất lượng tốt cần sự đam mê thật sự của nghiên cứu viên và sự tự do nghiên cứu. Như vậy, người nghiên cứu phải có tính tự giác cao.
- GS Đặng Ứng Vận: Tiêu chuẩn chức danh GS, PGS có những đổi mới so với trước đây, có tính mềm dẻo trong việc chuyển đổi các loại tiêu chuẩn khác nhau.
Ngoài ra, quy định mới đã đặt ra yêu cầu bắt buộc phải số hóa hồ sơ ứng viên và công khai hồ sơ để xã hội giám sát là một việc nên và cần làm.
GS Đặng Ứng Vận - Ảnh: VIỆT DŨNG
* Theo GS, quy trình xét, bổ nhiệm mới đã phù hợp, hội nhập với quốc tế hay chưa?
- GS Lê Tuấn Hoa: Trên thực tế không thể tìm ra một bộ tiêu chuẩn nào có tính chung cho quốc tế, ít ra là được công bố công khai trên mạng. Tôi chỉ biết rằng ở các nước người ta hoàn toàn tin tưởng các hội đồng. Chắc chắn tại mỗi hội đồng đều có một quy định hay quy ước nào đó.
Chức năng của các cấp hội đồng lần này đã làm rõ hơn nhiệm vụ của từng cấp, tránh bớt sự trùng lặp. Chẳng hạn, quy định hội đồng ngành "giúp Hội đồng GS nhà nước xác định năng lực chuyên môn, kết quả nghiên cứu, định hướng nghiên cứu của ứng viên theo từng chuyên ngành".
Như vậy, việc thẩm định thâm niên đào tạo là do hội đồng cơ sở chịu trách nhiệm. Tất nhiên, nếu hội đồng ngành có đủ cơ sở vẫn có thể phản bác.
Việc quy định hội đồng GS ngành là một bộ phận của Hội đồng GS nhà nước không hề làm giảm ý nghĩa của hội đồng ngành.
Thực tế, theo quy định mới, nếu một ứng viên không được hội đồng ngành thông qua chắc chắn cũng không được Hội đồng nhà nước xem xét. Ngược lại, nếu không có hội đồng ngành thì làm sao Hội đồng GS nhà nước có đủ năng lực phán xét đầy đủ về một ứng viên?
Cho nên việc xem hội đồng ngành như một bộ phận của Hội đồng GS nhà nước mang ý nghĩa nhấn mạnh các quyết định của hội đồng dựa trên tư vấn của các hội đồng ngành, và do đó thực sự có cơ sở khoa học.
- GS Đặng Ứng Vận: Lâu nay hội đồng GS ngành vẫn là một bộ phận của Hội đồng GS nhà nước. Những quyết định của Hội đồng GS nhà nước về cơ bản được dựa trên kết quả hoạt động và ý kiến của các hội đồng ngành, liên ngành.
Người Việt Nam ta ưa thích tính "chính danh". Phải có chính danh thì các hội đồng ngành mới hoạt động hiệu quả được.
* Với quy định mới liệu có khắc phục được những bất cập trong xét, bổ nhiệm chức danh GS, PGS như tình trạng "vàng thau lẫn lộn", "lạm phát" GS, PGS, xin giờ giảng để đủ tiêu chuẩn... mà dư luận rất lo ngại và đã phần nào được chứng kiến trong những đợt xét duyệt vừa qua?
- GS Đặng Ứng Vận: Với mọi vấn đề của giáo dục - đặc biệt trong lĩnh vực học thuật - thì xã hội, đặc biệt trong giới học giả, đều có những luồng ý kiến khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau.
Vì vậy, chúng ta chỉ có thể nói đến một lời giải được đa số chấp nhận trong hoàn cảnh cụ thể mà không thể nói đến lời giải tối ưu luôn đúng, càng không thể nói đến sự phân định rõ "vàng" và "thau", đặc biệt trong việc đánh giá chất lượng các công trình về giáo dục, về khoa học của các ứng viên GS, PGS.
Mặt khác, ngoài bộ tiêu chuẩn còn việc thực thi bộ tiêu chuẩn đó. Vậy nên việc tổ chức thực hiện bộ tiêu chuẩn mới rất quan trọng. Chuyện xin giờ giảng không phải lỗi của bộ tiêu chuẩn cũ, mà là lỗi của ứng viên và của cơ sở giáo dục.
Việc lạm phát là do lỗi của các cơ sở giáo dục khi đã hết nhu cầu các giảng viên có chức danh GS, PGS vẫn tổ chức hội đồng cơ sở và giới thiệu với hội đồng nhà nước xem xét công nhận các ứng viên mới.
Bộ tiêu chuẩn mới không có các quy định hạn chế các bất cập này, nên cần được thể chế trong các văn bản hướng dẫn của Hội đồng GS nhà nước.
- GS Lê Tuấn Hoa: Quy định mới cao hơn nhiều so với trước đây, nhưng có thực sự nâng cao hay không, có tránh được "lạm phát" hay không tùy thuộc vào tính tự giác từ ứng viên - những nhà giảng dạy và nghiên cứu - tới các hội đồng đối với việc nghiên cứu khoa học.
Chẳng hạn không ít lần trong Hội đồng chức danh GS ngành toán đã không bỏ phiếu thông qua những ứng viên có số lượng công bố trên các tạp chí quốc tế cao hơn hẳn so với quy định mới hiện nay.
Đó không phải vì hội đồng ngành hẹp hòi, không công bằng đối với ứng viên, mà xuất phát từ quan điểm chất lượng thực sự.
Cần có đóng góp cho giáo dục ĐH, xã hội
* Theo GS, liệu còn những điểm nào đáng lẽ cần đổi mới quyết liệt hơn nữa?
- GS Đặng Ứng Vận: Điểm đáng lẽ cần đổi mới quyết liệt hơn nữa là cần nhấn mạnh đến những đóng góp của các ứng viên cho sự phát triển giáo dục ĐH nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung.
Những đóng góp này cần được thể hiện trong đào tạo, nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ và đặc biệt trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước từ nhỏ đến lớn.
Theo bộ tiêu chuẩn mới, có thể có trường hợp các ứng viên chưa có những đóng góp cụ thể cho giáo dục ĐH Việt Nam nhưng vì công tác, học tập trong các cơ sở giáo dục hàng đầu của thế giới nên công trình công bố sẽ nhiều, điểm công trình cao vượt qua các chuẩn để đạt chức danh GS hoặc PGS.
Đặt ra những vấn đề cụ thể của giáo dục Việt Nam cho các đối tượng này chắc sẽ khó trông chờ đề xuất được các giải pháp khả dụng, ngoài việc phổ biến kinh nghiệm của nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận