12/07/2021 14:53 GMT+7

Nắng cháy ở Tây Mỹ, Canada kéo dài đến hết 12-7 mới giảm

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Thời tiết nắng nóng đẩy nhiệt độ lên mức kỷ lục mọi thời đại trong ngày 11-7 và sẽ kéo dài ít nhất tới ngày 12-7 tại bang California, Mỹ.

Nắng cháy ở Tây Mỹ, Canada kéo dài đến hết 12-7 mới giảm - Ảnh 1.

Lực lượng cứu hỏa vất vả khống chế đám cháy rừng Beckwourth Complex Fire ở California - Ảnh: BBC

Theo Hãng tin Reuters, nhiệt kế bên ngoài trung tâm tiếp đón du khách Furnace Creek, Thung lũng chết ở California ghi nhận mức nhiệt 54 độ C ngay trước 16h trong ngày 11-7.

Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ cảnh báo nắng nóng, nhiệt độ cao diễn ra ở nhiều nơi, người dân cần chú ý sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già.

Nắng cháy ở Tây Mỹ, Canada kéo dài đến hết 12-7 mới giảm - Ảnh 2.

Du khách chụp hình kỷ niệm bên nhiệt kế ở Thung lũng chết tại California, Mỹ ngày 11-7 - REUTERS

Nóng bức kéo dài cũng làm bùng phát các vụ cháy rừng lớn. Vụ cháy rừng lớn nhất trong năm nay ở California đang bùng lên rất mạnh ở biên giới với Nevada. 

Đám cháy có tên Beckwourth Complex Fire, do hai đám cháy riêng lẻ nhập làm một. Hiện đám cháy chưa có dấu chậm lại sau khi tăng gấp đôi diện tích bao phủ trong ngày thứ sáu và thứ bảy tuần qua và mới chỉ được kiểm soát khoảng 8%. 

Cháy rừng cũng đang diễn ra dọc theo hành lang điện cao thế nối điện lưới của Oregon với California. Tại Oregon, hàng trăm hộ dân bị buộc phải sơ tán do nắng nóng gây cháy rừng. Nhà chức trách khẳng định sẽ cưỡng chế di tản nếu cần thiết. 

Các đám cháy đang bùng cháy ở Nam Oregon đe dọa 1.200 ngôi nhà và các công trình kiến ​​trúc khác tại đây. Một trong các đám cháy điển hình là Bootleg Fire, xảy ra vào ngày 6-7 tuần qua ở trong và xung quanh rừng quốc gia Fremont-Winema. 

Tính đến ngày 11-7, đám cháy chưa được kiểm soát. Tình hình nghiêm trọng đến mức 926 nhân viên cứu hỏa buộc phải "rút lui và di chuyển đến các khu vực an toàn được xác định trước", trong một số trường hợp, Hãng Reuters đưa tin.

Bang Oregon tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 6-7.

Nhà chức trách ở cả hai bang đều lo xảy ra sự cố khiến hàng ngàn hộ gia đình và cơ sở kinh doanh bị mất điện. Các công ty điện kêu gọi người dân giảm tiêu thụ điện do nhu cầu quá cao, không đủ cung cấp.

Tại bang Arizona, ngày 11-7, một chiếc máy bay gặp tai nạn khi bay khảo sát tình hình cháy rừng ở hạt Mohave, làm hai người trên máy bay tử vong.

Theo Đài BBC, chương trình quan sát trái đất của Liên minh châu Âu cho biết miền tây nước Mỹ trải qua tháng 6 nóng ở mức kỷ lục mọi thời đại.

Nắng cháy ở Tây Mỹ, Canada kéo dài đến hết 12-7 mới giảm - Ảnh 3.

Khói lửa do cháy rừng ở thị trấn Lytton, tỉnh bang British Columbia, Canada buộc cư dân phải sơ tán ngày 30-6 - Ảnh: REUTERS

Nắng nóng cũng xảy ra ở khu vực phía tây Canada. Ngày 11-7, Canada yêu cầu hạn chế giao thông đường sắt ở các khu vực có nguy cơ cháy rừng. Yêu cầu có hiệu lực đến ngày 31-10. 

Theo Bộ Giao thông vận tải Canada, các công ty đường sắt phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa cháy rừng như giảm tốc độ tàu.

Cơ quan Ủy ban an toàn vận tải Canada đang điều tra về nghi vấn các đoàn tàu chở hàng đã gây ra hai vụ cháy, trong đó có vụ gây thiệt hại lớn ở thị trấn Lytton tại tỉnh bang British Columbia. 

Trong ngày xảy ra cháy, nhiệt độ lên tới 49,6 độ C, là mức nhiệt cao nhất trong hơn 80 năm qua ở địa phương này.

Thêm gần 1 tỷ người có thể bị ảnh hưởng bởi sóng nhiệt mỗi năm Thêm gần 1 tỷ người có thể bị ảnh hưởng bởi sóng nhiệt mỗi năm

Từ năm 2000 đến năm 2016, mỗi năm có thêm khoảng 125 triệu người bị tác động của các đợt sóng nhiệt trên toàn cầu.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên