Chất lượng phim truyền hình Việt
Phóng toDù còn nhiều sạn nhưng khai thác đề tài khá lạ, Vật chứng mong manh là một trong số ít phim truyền hình gần đây thu hút được khán giả - Ảnh do đoàn phim cung cấp
Tiêu chí dành 30-50% thời lượng phát sóng cho phim Việt đang tạo áp lực như thế nào đối với nhà đài? Ðây có phải là một phần lý do khiến nhà đài nới lỏng hơn chất lượng phim gần đây? Trả lời Tuổi Trẻ, ông NGUYỄN ANH XUÂN - trưởng phòng khai thác phim truyện HTV - nói:
Phóng to |
Ông Nguyễn Anh Xuân: “Cái khó chung cho nhà làm phim là không có kịch bản hay” - Ảnh tư liệu |
- Ðối với HTV, để đạt được tiêu chí trên chúng tôi không làm vội vã mà có lộ trình hẳn hoi. Hiện nay trên kênh HTV7, HTV9 phim Việt chiếm khoảng 51%. Trong đó hơn 30% là phim mới, còn lại là phim chiếu lại. Mỗi năm TFS sản xuất khoảng 200 tập phim và xã hội hóa 1.600 tập. Các nhà sản xuất phim đều đảm bảo được số lượng phim. HTV không có tình trạng "lủng" sóng bởi chúng tôi có đến 3-4 phim dự phòng.
Tuy nhiên, cái khó chung gần đây cho nhà làm phim là không có kịch bản hay. Mà kịch bản hay chiếm đến 50% thành công của bộ phim. Nhiều nhà sản xuất phải vay mượn kịch bản nước ngoài. Chúng tôi hiện đang hướng các nhà sản xuất làm các bộ phim về nông thôn, nông dân, đặc biệt là nghề và làng nghề. Nếu theo dõi phim trên HTV trong năm 2011, khán giả sẽ thấy sự biến chuyển này.
Bên cạnh đó, kinh phí làm phim hiện lạc hậu so với mặt bằng giá cả chung. (Hiện HTV trả cho các hãng 180 triệu đồng/tập phim nếu bộ phim đó đảm bảo đủ lượng quảng cáo đổ vào. Nếu dư quảng cáo, các hãng phim sẽ được thưởng từ 5-10%, ngược lại nếu số lượng quảng cáo không đạt sẽ không nhận đủ số tiền 180 triệu đồng/tập - NV). Chúng tôi đang bàn bạc đưa vấn đề này lên ban giám đốc để có sự thay đổi trong năm 2012.
* Ngày càng có nhiều nhà sản xuất tư nhân làm phim, HTV sàng lọc thế nào để đưa lên màn ảnh phim có chất lượng?
- Hiện nay chúng tôi hợp tác với khoảng 29 nhà sản xuất phim. Con số này có thể tăng thêm trong các năm tới. Không biết các nhà đài khác như thế nào chứ HTV làm công việc này khá chặt chẽ. Từ lúc duyệt đề cương kịch bản đến nghiệm thu sản phẩm chúng tôi đều xem rất kỹ càng. Nhà sản xuất biết thời gian phim mình phát sóng trước sáu tháng. Họ phải nộp băng phim trước một tháng khi phim lên sóng.
Ngay từ khâu xét kịch bản, những kịch bản nào dở chúng tôi loại. Còn kịch bản nào có tứ hay nhưng chưa đạt, chúng tôi trao đổi với tác giả kịch bản để chỉnh sửa. Chúng tôi cũng đề nghị các hãng phim đưa lịch sản xuất cụ thể. Trong quá trình quay chúng tôi đi kiểm tra tiến độ công việc từ 1-2 lần. Thực tế, trước khi các tập phim lên sóng, chúng tôi đã sửa khá nhiều như cắt cảnh sex, bạo lực, đồng tính...
Tôi cũng muốn nói thêm rằng có thể trong thời gian vừa qua phim VN có vài phim chưa hay, không làm hài lòng khán giả nhưng nói khán giả quay lưng với phim Việt là không khách quan. Chỉ vài năm phim Việt đã đẩy được phim Trung Quốc, Hàn Quốc từng chiếm lĩnh trên màn ảnh. Theo các chỉ số khán giả xem phim truyền hình mà chúng tôi thu thập được thì số lượng khán giả xem phim VN cho đến giờ vẫn cao hơn so với các phim nước khác. Sự cố Anh chàng vượt thời gian vừa qua giúp nhà đài lẫn nhà sản xuất có dịp nhìn lại để tự hoàn chỉnh mình.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải (giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam):
Phóng to |
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Ảnh nhân vật cung cấp |
Về trách nhiệm "nghiệm thu chất lượng sản phẩm" và các khâu kiểm duyệt phim truyền hình của VTV trước và sau sự cố Anh chàng vượt thời gian (VTV quyết định dừng phát sóng bộ phim sau khi đã phát 18 tập của phần 1 vì những lình xình trong nội bộ đoàn làm phim cũng như hàng trăm phản hồi bày tỏ sự thất vọng của khán giả), đại diện VTV - đạo diễn Ðỗ Thanh Hải, giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC), trao đổi với Tuổi Trẻ:
- VTV không vì tăng số lượng mà lơi lỏng hơn với chất lượng phim truyền hình. Có thể một số bộ phim khi phát sóng chưa đáp ứng được nhu cầu khán giả, chúng tôi sẽ phải cẩn trọng hơn khi lựa chọn đối tác tham gia làm phim, duyệt kịch bản và giám sát quá trình sản xuất.
Trước đây, VTV chủ yếu giao cho Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) chịu trách nhiệm sản xuất phim truyền hình, sau đó phối hợp với Cục Ðiện ảnh sản xuất chương trình Ðiện ảnh chiều thứ bảy. Nhưng để có nhiều hơn các món ăn, gia vị trong thể loại phim truyền hình, đặc biệt là mong muốn có yếu tố vùng miền, VTV đã chủ trương đặt hàng sản xuất các đơn vị bên ngoài đài. Ðây là cách làm đúng, tạo nên sự cạnh tranh về chất lượng, làm phong phú nguồn phim truyền hình. Nhưng khi đi vào thực tế, đòi hỏi phải luôn có sự giám sát.
Về lâu dài, VTV sẽ phải điều chỉnh cơ chế đặt hàng sản xuất, trong đó yếu tố giám sát năng lực của nhà sản xuất, đội ngũ làm phim cần được coi trọng hơn. Chúng tôi ý thức các đạo diễn, nhà sản xuất đều mong muốn có một bộ phim hay, như thế vừa tạo ra uy tín cho bản thân, vừa được xã hội công nhận để sau đó được nhận lại quyền lợi từ chính khả năng đó. Vì vậy, việc đặt hàng sản xuất toàn bộ cả bộ phim chỉ thực hiện khi đơn vị sản xuất đáp ứng đầy đủ các yếu tố về năng lực sản xuất, đội ngũ làm phim, kinh phí sản xuất...
Và có thể xem xét đến phương án mua bản quyền phát sóng sau khi nghiệm thu toàn bộ sản phẩm. Như thế, các đơn vị sản xuất cũng phải có trách nhiệm hơn, tránh tối đa những bộ phim mà có thể giai đoạn ban đầu được chuẩn bị và làm rất tốt nhưng sau đó bị kém dần.
Tuy nhiên, tôi nghĩ điều then chốt vẫn phải là trách nhiệm và cái tâm của người làm phim, khó có thể giám sát toàn bộ mọi khâu khi sản xuất. Nếu bộ phim được làm với thái độ trách nhiệm, biết tôn trọng khán giả thì sẽ hạn chế được rất nhiều về chất lượng chuyên môn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận