01/11/2021 10:30 GMT+7

Nắng bể đầu, mưa như trút sẽ là 'bình thường mới' của thế giới?

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng chết người và lũ lụt tàn phá nghiêm trọng đang là bình thường mới của thế giới.

Nắng bể đầu, mưa như trút sẽ là bình thường mới của thế giới? - Ảnh 1.

Lũ lụt ở Fairfield, California, Mỹ ngày 24-10-2021 - Ảnh: REUTERS

Báo cáo Tình trạng khí hậu năm 2021 - báo cáo thường niên của WMO về tình trạng khí hậu toàn cầu năm 2021, được công bố đúng vào ngày khai mạc Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại TP Glasgow, Scotland.

Báo cáo đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy thế giới đang "thay đổi trước mắt chúng ta". Cụ thể, mực nước biển đã dâng lên mức mới. Mực nước biển trung bình đã tăng từ 2,1mm trong giai đoạn 1993-2000 lên 4,4mm mỗi năm trong giai đoạn 2013-2021, phần lớn do các sông băng và tảng băng bị tan chảy.

Riêng trong năm 2021, đã có hàng loạt sự kiện thời tiết cực đoan hiếm, chết người hoặc gây thiệt hại lớn gồm:

- Dải băng Greenland, một lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch, có mưa nhiều hơn tuyết lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu lưu trữ dữ liệu.

- Nắng nóng ở Canada và các vùng lân cận của Mỹ đẩy nhiệt độ lên gần 50 độ C tại một ngôi làng ở British Columbia.

- Thung lũng Chết ở bang California (Mỹ) đạt 54,4 độ C trong một đợt nắng nóng ở miền tây nam nước Mỹ.

- Mưa trong vài ngày bằng lượng mưa trong nhiều tháng ở Trung Quốc.

- Châu Âu gặp lũ lụt chết người nghiêm trọng.

- Vùng cận nhiệt đới Mỹ Latin gặp năm hạn hán thứ hai liên tiếp, lưu lượng nước giảm trên các lưu vực sông và ảnh hưởng đến nông nghiệp, giao thông và sản xuất điện.

Năm 2021 có khả năng là năm tiếp theo trong chuỗi 7 năm nóng nhất liên tiếp được ghi nhận, nhiệt độ trung bình của năm 2021 vẫn cao hơn 1,09 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Giáo sư Petteri Taalas - tổng thư ký WMO - cho rằng có nhiều bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu do con người gây ra. 

Ông cảnh báo, với tốc độ gia tăng phát thải khí CO2 hiện nay, nhiệt độ vào cuối thế kỷ này sẽ vượt xa mức đề ra theo Hiệp định Paris - khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900) vào cuối thế kỷ. 

Hội nghị COP26, diễn ra từ ngày 31-10 đến 12-11 tại Glasgow, được kỳ vọng là hội nghị bắt đầu cho những nỗ lực "giờ chót và tốt nhất" cứu Trái đất.

Bão, cây đổ Bão, cây đổ 'quấy rối' hội nghị khí hậu COP26

TTO - Hàng trăm hành khách lên đường đến Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh để dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 đã phải chờ đợi bên trong nhà ga Euston của London sau khi cây đổ lên đường ray do bão.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên