Lần đầu tiên Chính phủ chính thức thừa nhận không hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đặt ra từ đầu năm nay. Cụ thể, hôm qua 20-10, tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, trình bày về tình hình kinh tế xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015, Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo dự kiến năm nay chỉ cổ phần hóa được 200/289 DNNN.
Tiến độ và chất lượng quá trình cổ phần hóa 289 DNNN trong năm nay đã được đặt lên bàn nghị sự tại nhiều phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngay từ đầu năm tới.
Trong Nghị quyết thường kỳ phiên họp Chính phủ tháng 5, Chính phủ đã đưa ra một loạt các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DNNN. Một trong những giải pháp mà Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh là sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu doanh nghiệp chậm cổ phần hóa.
Tuy nhiên, tính đến ngày 7-10, theo số liệu của Bộ Tài chính, cả nước mới chỉ có 102 DNNN hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa. Như vậy, theo mục tiêu đặt ra, còn 187 DNNN sẽ phải thực hiện xong quá trình cổ phần hóa trong năm nay. Để đạt được mục tiêu cổ phần hóa DNNN mà Chính phủ cam kết thì từ nay đến hết năm, mỗi ngày phải cổ phần hóa được 2 DNNN.
Mới đây, trong báo cáo vừa trình Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết trong số hơn 180 DNNN chưa cổ phần hóa thì có đến trên 100 DN mới xác định xong giá trị doanh nghiệp, 30 DN mới thành lập xong ban chỉ đạo, đang tiến hành các bước tiếp theo để xác định giá trị doanh nghiệp.
Khẳng định với Tuổi trẻ, ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết nguyên nhân chính khiến tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước chậm trễ chưa quyết liệt là do người đứng đầu doanh nghiệp sợ mất ghế, mất quyền.
Cùng với đó, ông chủ doanh nghiệp này cũng sợ khi cổ phần hóa sẽ lòi ra cái sai, vi phạm của doanh nghiệp. Thực tế, chính sách đã có hết rồi.
Và đây cũng là lần đầu tiên, đại diện Bộ Tài chính đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân khiến mục tiêu cổ phần hóa DNNN trong năm nay không hoàn thành.
Ngoài ra, cũng theo ông Đặng Quyết Tiến, mục tiêu cổ phần hóa chậm là do đa số doanh nghiệp chưa biết cách thu hút được nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư ngoại. Thực tế, nhiều nhà đầu tư đã vào nhưng mua chưa nhiều vì vẫn còn e ngại do thông tin chưa được công khai. Trong báo cáo nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, hiện chỉ có khoảng 8% doanh nghiệp nhà nước cung cấp báo cáo tài chính trên trang chủ.
Báo cáo tài chính như là một bức tranh tổng thể đánh giá tình trạng sức khỏe, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp. Đứng ở góc độ của nhà đầu tư, sẽ không ai dám bỏ tiền ra khi không biết món hàng mình mua tròn méo như thế nào.
Điều đó cho thấy thông tin về doanh nghiệp nhà nước đa phần vẫn thiếu rõ ràng, thiếu minh bạch, dẫn đến khó đo lường tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Vậy, phải chăng số liệu thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp chưa chính xác, trung thực nên doanh nghiệp ngại công khai?
Cả hai nguyên nhân trên đều xuất phát từ người đứng đầu doanh nghiệp và do người đứng đầu doanh nghiệp có tâm lý sợ trách nhiệm, chần chừ cổ phần hóa doanh nghiệp.
Với việc không hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa trong năm nay, dư luận đặc biệt quan tâm và chờ đợi việc cơ quan chức năng sẽ xử lý và công khai thông tin xử lý trách nhiệm người đứng đầu DNNN chậm cổ phần hóa như thế nào. Đây là một trong những việc làm cần thiết để đảm bảo mục tiêu cổ phần hóa DNNN trong những năm tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận