13/04/2013 06:46 GMT+7

Năm khó khăn cho nhân lực ngân hàng

NGỌC TRƯỜNG
NGỌC TRƯỜNG

TT - Gần 15.000 lượt sinh viên ngành tài chính - ngân hàng đã đến tham gia ngày hội việc làm tại Trường đại học Ngân hàng (Q.Thủ Đức, TP.HCM) vừa được tổ chức. Hai hội thảo quan trọng “Tìm việc thời khủng hoảng” và “Chinh phục nhà tuyển dụng ngành ngân hàng” đã thu hút đông đảo sinh viên quan tâm.

yFmUzxai.jpgPhóng to
Các bạn sinh viên đăng ký phỏng vấn tại ngày hội để rút kinh nghiệm khi đi xin việc - Ảnh: Ngọc Trường

Đánh giá của chuyên gia và cảm nhận chung của sinh viên, năm 2013 sẽ là một năm khó khăn cho lao động trong ngành tìm được việc, nhất là đối với sinh viên vừa mới tốt nghiệp.

Yêu cầu cao hơn từ các ngân hàng

Ông Lê Huỳnh Hoa - phó giám đốc khối quản trị nguồn nhân lực Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) - nhận định: “Cơ hội để sinh viên ngành ngân hàng tìm được việc năm 2013 là rất khó khi các ngân hàng đều đang tái cấu trúc hướng đến tinh gọn nhân sự, có sự đào thải nhân viên cũ. Do đó đòi hỏi của nhà tuyển dụng chắc chắn cao hơn cả về kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn cũng như những tố chất cụ thể phù hợp với công việc”. Ông Hoa cho biết chính HDBank dù vẫn mở rộng tuyển dụng nhưng các cuộc phỏng vấn sẽ có thêm nhiều phần kiểm tra hơn những năm trước để tìm ra người phù hợp nhất.

Thay vì tuyển nhiều đợt như mọi năm, năm nay BIDV sẽ chỉ tuyển dụng một đợt vào tháng 6 này. Hồ sơ sẽ được xét duyệt online trước khi phỏng vấn. Điều này có nghĩa sẽ thuận tiện hơn cho người xin việc nhưng ngân hàng chắc chắn sẽ có nhiều thông tin ứng viên hơn, sự cạnh tranh sẽ cao hơn.

Ông Trần Xuân Hoàng - phó tổng giám đốc BIDV - chia sẻ: “Việc quan trọng của các ứng viên là phải biết chuẩn bị hồ sơ thật kỹ để qua được vòng loại và hiểu biết thật rõ về vị trí ứng tuyển để có thể tự tin trong vòng hai. Tìm những người giỏi nhất sẽ là xu thế chung của các ngân hàng trong thời gian tới”.

Ông Trần Thiên Ân - giám đốc Trung tâm đào tạo nhân lực Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - cho rằng sinh viên ngành ngân hàng hiện nay quá nhiều, trong khi số sinh viên được đào tạo bài bản thì thiếu. “Các ngân hàng sẽ không mở rộng nhân sự trong năm nay là chắc chắn nên sự cạnh tranh giữa các ứng viên sẽ gắt gao. Do đó bản thân mỗi bạn sinh viên cần tự nỗ lực để vượt trội hơn và phải biết đánh giá được năng lực của mình khi đi tìm việc” - ông Ân nói.

Tự trang bị để cạnh tranh

Một khảo sát từ Viện Nhân lực ngân hàng - tài chính cho biết số sinh viên ngành ngân hàng mới ra trường dư hơn khả năng tuyển dụng trong năm 2013 là 32.000/20.000, đến năm 2016 khoảng cách này còn lớn hơn: 61.000/48.000.

Để có thể tìm được việc khi ra trường, nhiều sinh viên đã chủ động trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết. Nguyễn Huỳnh Thái Thảo, sinh viên năm 3 ngành tài chính - ngân hàng Trường đại học Sài Gòn, cho biết: “Trung bình mỗi tháng mình đến dự một hội thảo hay ngày hội việc làm, không chỉ vậy mình còn tìm hiểu thông tin trên Internet và hỏi trực tiếp từ người thân đang làm việc tại ngân hàng”. Để chuẩn bị cho nghề nghiệp Thảo còn đi học tiếng Anh, vi tính và các kỹ năng nghiệp vụ cần thiết. “Thời điểm mình ra trường sẽ rất khó khăn để có thể tìm được việc, cơ hội chỉ dành cho những sinh viên xuất sắc. Để tự tin hơn buộc phải biết nhiều hơn” - Thảo nói.

Mặc dù xác định làm việc tại ngân hàng là mục tiêu cuối cùng để phấn đấu nhưng Hồ Thị Thanh Tâm, sinh viên năm 4 ngành kế toán - kiểm toán Trường đại học Ngân hàng, có ý định sẽ chuyển qua tìm việc trong khối các doanh nghiệp. “Cần có việc làm trước, mình sẽ tìm cơ hội để quay lại với ngành yêu thích sau” - Tâm xác định. Để chuẩn bị cho sự thay đổi này, Tâm lên kế hoạch xem lại các kiến thức mảng doanh nghiệp của mình, tìm hiểu rộng hơn về thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp, trau dồi thêm khả năng ngoại ngữ và những kỹ năng khác.

NGỌC TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên